Giáo dục

Học sinh trượt lớp 10 công lập - Cánh cửa nào cho em? Bài 2: Nghịch lý trường nghề không tuyển được học sinh

07:40, 15/08/2024 (GMT+7)

Trên địa bàn thành phố hiện có 63 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 55 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do địa phương quản lý (87,30%). Quy mô tuyển sinh hằng  năm của các đơn vị là 60.546 học sinh, sinh viên với 286 ngành, nghề ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau. Trong đó, quy mô trình độ nghề trung cấp là 8.251 học viên với 84 ngành, nghề; quy mô trình độ sơ cấp là 39.122 học viên với 146 ngành, nghề. Tuy nhiên, số lượng học sinh học nghề đạt tỷ lệ không cao.

Hằng năm, các sở, ngành phối hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ
Hằng năm, các sở, ngành phối hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NGỌC HÀ

Tỷ lệ học sinh học nghề thấp

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh không vào lớp 10 công lập khoảng 30-34%. Trong số học sinh không đỗ này, tỷ lệ đăng ký học trường THPT tư thục khá thấp (1,5%); đăng ký học nghề tại các trường nghề khoảng 6%; đăng ký học nghề tự do khoảng 10%; đăng ký học các loại hình khác khoảng 80%; số học sinh còn lại không học gì, làm gì trong năm học 2022-2023 có dấu hiệu tăng với tỷ lệ 23,33% (năm học trước đó chỉ 11,2%).

Theo thống kê, tại quận Liên Chiểu, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp trong 3 năm học 2020-2021; 2021-2022; 2022-2023 đạt tỷ lệ 12%. Quận Ngũ Hành Sơn, trong 3 năm học (2020-2021, 2021-2022, 2022-2023) tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp khoảng 11,18%. Con số này tại quận Sơn Trà là 9,78%; quận Thanh Khê khoảng 9,94%; quận Hải Châu khoảng 5,04%, quận Cẩm Lệ khoảng 21,8%.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau 3 năm triển khai thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2021-2023, số lượng trường THCS có chương trình Giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đạt tỷ lệ 88,33%. Trường THPT có chương trình Giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đạt tỷ lệ 67,65%.

Trường THCS có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100% và con số này tại khối THPT là 91,18%. So với giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp giai đoạn 2021-2023 có chiều hướng tăng nhẹ; lần lượt là 13,36% (so với 11,55%) và 17,29% (so với 16,23%). Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn rất thấp.

Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của UBND thành phố, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp; đồng thời, ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật. Nhưng trong 3 năm qua, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố không tăng, thậm chí giảm.

Số lượng trường cao đẳng năm 2019 là 20 trường, đến năm 2023 còn 17 trường; số trường trung cấp 3 năm qua vẫn ở con số 6 trường; trung tâm giáo dục nghề nghiệp 3 năm qua vẫn 12 trường; cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ 34 cơ sở năm 2021 đến năm 2023 còn 25 cơ sở.

Chỉ tiêu của một số trường cao đẳng dành cho hệ trung cấp 3 năm qua cũng không tăng. Theo thống kê của Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm, năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp của nhà trường là 632 chỉ tiêu (trong đó chủ yếu học sinh Đà Nẵng với 600 thí sinh); năm học 2023 - 2024 con số này lên 735 chỉ tiêu (trong đó chủ yếu học sinh Đà Nẵng với 700 thí sinh). Dự kiến năm học 2024-2025, con số này chỉ ở mức 500 chỉ tiêu (trong đó chủ yếu học sinh Đà Nẵng với 480 thí sinh).

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cũng dành một số chỉ tiêu nhất định cho trình độ trung cấp nghề, năm 2021 có tổng chỉ tiêu 542 học sinh, 2022 là 560 chỉ tiêu và năm 2023 là 510 chỉ tiêu. Trường Cao đẳng Thương mại tuyển sinh hệ trung cấp (dành cho học sinh tốt nghiệp THCS và không thi đỗ lớp 10 công lập, gọi là hệ trung cấp 9+) bắt đầu từ năm 2023, đến nay vừa kết thúc 1 năm học (2023-2024). Năm 2024, trên cơ sở đánh giá thực tiễn và các nguồn lực hiện có, để bảo đảm chất lượng đào tạo, Hội đồng tuyển sinh nhà trường xác định chỉ tiêu cho năm 2024 là 300 học sinh.

Vì sao học sinh không mặn mà?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết tâm lý chung của phụ huynh là muốn con mình tốt nghiệp THPT rồi mới tính chuyện học đại học hay học nghề theo xu hướng xã hội. Bởi phụ huynh e ngại, con em mình mới tốt nghiệp THCS nhưng chuyển vào môi trường lạ lẫm, nhiều đối tượng học sinh, sinh viên cùng học sẽ dễ bị ảnh hưởng không tốt. Vả lại, học xa nhà không ai quản lý, trong khi các em còn quá nhỏ.

Chị Nguyễn Bích Ngọc (quận Thanh Khê), có con năm nay học lớp 9 ở Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, cho rằng, bằng mọi giá đầu tư cho con học để trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Nếu con không trúng tuyển thì cố gắng cho học trường THPT tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. “Con  còn nhỏ nên môi trường học tập phải là các bạn cùng trang lứa với nhau. Vì thế, gia đình động viên đồng thời xác định tư tưởng là cho con tiếp tục học xong chương trình THPT”, chị Ngọc nêu quan điểm.

Cách đây hơn10 năm được xem là thời kỳ hưng thịnh của các trường trung cấp, bởi chỉ 8 trường nhưng mỗi năm tuyển sinh hơn 10.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2019, các trường trung cấp tuyển sinh rất khó khăn, một số trường không có học sinh nên phải ngừng hoạt động như: Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Đà Nẵng, Trường Kinh tế kỹ thuật miền Trung, Trường Trung cấp Việt Á…

Ngoài ra, một số trường trung cấp khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh được thành lập vào năm 1999. Giai đoạn 1999-2009, trường hoạt động khá sôi nổi cả hệ trung cấp và sơ cấp với dãy nhà 4 tầng khang trang, tổng diện tích xây dựng hơn 2.500m2. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở này đang tận dụng hội trường và 4 phòng học cho các cơ sở thuê lại hạ tầng để hoạt động kinh doanh.

Theo ông Mai Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh, do việc tuyển sinh rất  khó khăn, đến năm 2014, trường dừng tuyển sinh vì “càng làm càng lỗ”, thu không đủ chi. Từ năm 2014-2018, tòa nhà 5 tầng đóng cửa im lìm, nhiều hạng mục xuống cấp, hoen ố. Năm 2018, trường đầu tư trở lại khoảng hơn 2 tỷ đồng, mở lại với một số ngành sơ cấp đào tạo 3,6 tháng theo yêu cầu của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu lĩnh vực liên quan ngành du lịch.

“Một số học sinh học lực yếu nhưng vẫn không nghĩ đến việc học nghề mà đi tìm một trường đại học có điểm đầu vào thấp để đăng ký dù không đúng với sở thích, năng lực. Bên cạnh đó, việc một số trường được phép tuyển riêng như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT để xét … khiến thị trường giáo dục đại học rất thu hút. Đổi lại, các trường nghề cao đẳng, trung cấp lại càng đìu hiu. Khi nào nhận thức xã hội thay đổi thì việc học sinh đi học nghề mới có kết quả”, ông Đức nói.

Lý giải thêm về việc học sinh THCS không chịu học nghề, lãnh đạo Trường Cao đằng Lương thực Thực phẩm cho rằng, việc học tại các trường nghề là lựa chọn cuối cùng khi không thi đỗ vào các trường THPT. Nhiều em theo học nhưng nhận thức về việc học nghề, làm nghề còn hạn chế, chưa xác định được định hướng tương lai của bản thân. Phụ huynh vẫn lo lắng về môi trường học tập không lành mạnh do chất lượng đầu vào thấp, ý thức học tập kém, ham chơi… Học cùng lúc cả 2 chương trình học nghề song song với học văn hóa nên nhiều em không theo nổi, đành phải bỏ học.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp tại các trường THCS hiện nay chưa đồng bộ và chưa hiệu quả. Nhiều trường tổ chức các tiết hướng nghiệp hình thức chưa có sự tham gia của các trường đào tạo nghề trên địa bàn, công tác hướng nghiệp chưa chuyên nghiệp. Không ít học sinh không tự đánh giá được năng lực cá nhân, không có sự quan tâm đúng mức đến việc tìm hiểu nghề nghiệp, ngành học phù hợp với khả năng bản thân, bị cuốn theo phong trào, số đông trong việc chọn trường, chọn nghề.

Ngoài các nguyên do trên, TS. Nguyễn Quý Nhẫn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại, cho rằng tâm lý chung của phụ huynh là muốn các em đỗ tốt nghiệp THPT, còn học nghề chỉ là thứ yếu. Bởi vì có bằng tốt nghiệp THPT sẽ thuận lợi cho các em sau này học đại học, xin việc làm vì hiện nay các doanh nghiệp đòi hỏi thấp nhất phải có bằng tốt nghiệp THPT. Do vậy phụ huynh ít quan tâm đến việc học nghề của các em.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Quý Nhẫn, thời gian đào tạo trung cấp theo quy định tối đa là 2 năm, do vậy hết năm lớp 11 là các em đã xong chương trình đào tạo bậc trung cấp nghề, tuy nhiên phần lớn các em chưa đủ 18 tuổi, việc triển khai cho các em đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để thực tập, trải nghiệm nghề nghiệp rất khó khăn do vướng các thủ tục pháp lý theo quy định, do vậy doanh nghiệp không sẵn sàng cho việc tiếp nhận các em đến thực tập nghề nghiệp.

Thêm vào đó, hiện nay cơ hội học đại học dễ dàng, do vậy mục tiêu tốt nghiệp THPT để học đại học là mục tiêu chính đáng của các em và phụ huynh, nên việc phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp là điều rất khó khăn.

Hiệu trưởng một trường THCS ở địa bàn quận Liên Chiểu cũng cho rằng, tâm lý chung của phụ huynh là muốn con em mình có cơ hội học ở môi trường bậc THPT. Bởi ở đây, có bạn bè, lứa tuổi học sinh đồng đều, môi trường học tập được tổ chức, quản lý chặt chẽ. Còn ở các trường nghề, người học gồm nhiều đối tượng: sinh viên, học viên, nếu các em học sinh mới tốt nghiệp lớp 9 vào học thì môi trường học tập, ăn ở sẽ gặp không ít những khó khăn.

LÊ PHẠM - BÌNH MINH

.