Giáo dục
Quan tâm chu đáo hơn đối với học sinh khuyết tật
Nhiều học sinh diện khuyết tật, khó khăn về học, rối loạn phổ tự kỷ… nhưng chưa được phụ huynh làm hồ sơ. Tuy nhiên, số học sinh này phải đạt chuẩn kiến thức theo đúng yêu cầu khi thực hiện các bài kiểm tra định kỳ, vừa tạo áp lực cho nhà trường, vừa thiệt thòi cho các em.
Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) phụ đạo cho học sinh khó khăn để nâng cao kiến thức. Ảnh: NGỌC HÀ |
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu) hiện có 23 học sinh khuyết tật (có giấy xác nhận) đang học hòa nhập tại nhà trường. Bên cạnh đó, hơn 10 học sinh thuộc diện tăng động, khó khăn về học, rối loạn phổ tự kỷ… nhưng chưa được phụ huynh làm hồ sơ.
“Chúng ta gọi chung là học sinh khuyết tật, nhưng các loạt tật và mức độ của các em không giống nhau. Có em khuyết tật dạng vận động, tự kỷ hoặc bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, còn gọi là học sinh có khó khăn về học. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng hợp tác với nhà trường. Chúng tôi đã mời cha mẹ học sinh lên tư vấn, nhưng đến nay nhiều phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con mình thuộc diện này”, thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Tương tự, trong số 42 em khó khăn về học của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà), chỉ có 7 em có hồ sơ khuyết tật đi kèm. Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những trường hợp còn lại, nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi để giáo viên có những hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học. Đây là sự linh động của trường, theo kiểu học sinh đáp ứng được chừng nào thì hay chừng đấy. Thế nhưng, vì không phải là học sinh khuyết tật nên khi kiểm tra đánh giá thì các em vẫn phải làm chung đề thi như các bạn bình thường”.
Mới đây, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) và giáo viên chủ nhiệm trao đổi với một phụ huynh lớp 1 để cùng phối hợp nhà trường hỗ trợ học tập cho con. Trường hợp của em học sinh này là khó ngồi yên một chỗ, rất hay đánh bạn…
Theo tìm hiểu của nhà trường, trước đây gia đình của học sinh đã đưa con đi khám và hiện nay đang uống thuốc an thần để điều trị. “Nhà trường tư vấn, phân tích để phụ huynh thấy được tình trạng của con, hướng dẫn phụ huynh đưa con đi giám định để làm thẻ chứng nhận khuyết tật. Đây sẽ là căn cứ để nhà trường giảm yêu cầu kiến thức cần đạt trong các bài kiểm tra đánh giá cho học sinh. Học sinh cũng được học các tiết can thiệp cá nhân phù hợp để hỗ trợ các kỹ năng khác”, thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Thời gian qua, những lớp học phụ đạo học sinh gặp khó khăn về học, học sinh khuyết tật nhưng không có hồ sơ… được duy trì trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Dù nhà trường rất muốn chi trả phụ cấp cho những giáo viên phụ đạo học sinh khó khăn về học, thế nhưng không có một căn cứ nào để thanh toán. Cô giáo Phan Thị Hồng Trang, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) tranh thủ mỗi buổi học khoảng 15-20 phút trong giờ ra chơi để hướng dẫn thêm 1 học sinh trong lớp tập đọc vì em này đánh vần chậm, ngọng… Có khi ra về, cô giữ học sinh này lại để rèn cho em đọc thêm khoảng 20-30 phút. Vừa kèm cặp, cô vừa động viên để em không cảm thấy mình quá khác so với các bạn.
Để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về học tập, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự trang bị một phòng học đặc biệt dành cho học sinh khối lớp 1 và 2. Phòng có nhiều tranh ảnh, đồ dùng dạy học mang tính trực quan để hỗ trợ hoạt động dạy - học. Vào những giờ học tăng cường, các học sinh khối lớp 1-2 chưa đáp ứng các yêu cầu về chuẩn kiến thức như đọc chậm, không nhớ âm vần, tính toán chậm… sẽ học theo hướng phân hóa tại phòng học đặc biệt này (khoảng 2 buổi/tuần). Những học sinh gặp khó khăn về học ở khối lớp trên, giáo viên nhận phụ đạo thêm cho các em sau giờ học, mỗi tuần 2-3 buổi, mỗi buổi khoảng 1 giờ.
Đối với những học sinh chưa có giấy xác nhận khuyết tật, ngoài việc tiếp tục tư vấn cha mẹ học sinh thăm khám bác sĩ để có giải pháp phối hợp giáo dục tốt nhất, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tăng cường giúp đỡ, phụ đạo kiến thức vào đầu mỗi buổi học (15 phút đầu giờ) và các giờ trống tiết của giáo viên chủ nhiệm.
“Nhà trường vừa hỗ trợ học sinh cải thiện kết quả học tập bằng những buổi phụ đạo sau giờ học, vừa tư vấn cho phụ huynh làm hồ sơ khuyết tật, đồng thời đưa con đi học các tiết can thiệp ở ngoài để cải thiện tình trạng. Hầu hết phụ huynh mong muốn con mình được học hòa nhập ở trường để tiếp xúc nhiều đối với các bạn cùng trang lứa, tạo cơ hội để các em sớm hòa nhập và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc cần xác định con mình khuyết tật ở mức độ nào, hiệu quả khi các em học hòa nhập ở trường bình thường hay trường chuyên biệt, cần can thiệp hay không là điều phụ huynh phải phối hợp với nhà trường nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho các em”, thầy Nguyễn Văn Dũng nói.
NGỌC HÀ