Giáo dục
Đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến giáo dục
Với lợi thế về chính sách, quy mô đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, dư địa tuyển sinh trong nước cũng như quốc tế, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng phát triển giáo dục và đào tạo, đưa thành phố trở thành điểm đến của các sự kiện giáo dục... Điều này phù hợp định hướng đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 (Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hằng năm, Đại học Đà Nẵng cung cấp số lượng lớn nhân lực cho thị trường lao động. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa trao bằng tiến sĩ cho học viên năm học 2023-2024. Ảnh:NGỌC HÀ |
Điểm đến hợp tác đào tạo, sự kiện giáo dục
PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 xác định quốc tế hóa giáo dục đại học là nhiệm vụ trọng tâm; thu hút sinh viên quốc tế là giải pháp quan trọng. Nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đào tạo lưu học sinh là một trong những mục tiêu, chiến lược của Đại học Đà Nẵng cũng như các trường đại học thành viên.
Các đơn vị, nhà trường đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hóa cao để đáp ứng nhu cầu hội nhập, đào tạo lưu học sinh. Hằng năm, gần 1.000 sinh viên nước ngoài, chủ yếu sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á, châu Á, Úc, Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức… đến học tập tại Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng kết nối với nhiều thành phố thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều trường đại học ở Đà Nẵng có quan hệ hợp tác và mạng lưới kết nối với nhiều trường đại học uy tín trên thế giới. Riêng Đại học Đà Nẵng có 253 đối tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo. Năm 2024, Đại học Đà Nẵng chính thức là thành viên ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các đại học châu Âu (ULYSSEUS) và hiện là thành viên nòng cốt của nhiều tổ chức quốc tế uy tín (AUF, ASEA-UNINET, AUN, SEAMEO…).
Theo nội dung thỏa thuận giữa Đại học Đà Nẵng với Liên minh ULYSSEUS, mục đích hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực giáo dục, khoa học và các vấn đề trao đổi học thuật; hợp tác trong các dự án quốc tế; liên kết đào tạo quốc tế...
Các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị quốc tế như: hội thảo quốc tế Tài chính - Kế toán (ICOAF) thường niên từ năm 2015; hội thảo quốc tế Quản trị và Kinh doanh (COMB) thường niên từ năm 2013 (Trường Đại học Kinh tế); hội nghị quốc tế về Tài nguyên nước và kỹ thuật ven bờ (Trường Đại học Bách khoa); hội nghị quốc tế về Kỹ nghệ tri thức và hệ thống (Trường Đại học Sư phạm); hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ); hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ mới trong công trình xanh” (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật); hội thảo quốc tế về Vi mạch bán dẫn và 5G, 6G (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn)...
Đối tác là các trường đại học, doanh nghiệp uy tín trên khắp thế giới, Đại học Đà Nẵng trở thành điểm đến của các nhà khoa học, chuyên gia, các đại sứ, đoàn khách ngoại giao, doanh nghiệp thông qua đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo quốc tế lớn. Điều này có ý nghĩa tích cực đồng hành cùng thành phố đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm của các sự kiện, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Sinh viên nước ngoài đến khai giảng khóa học tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Khai thác tiềm lực giáo dục, đóng góp tăng trưởng
Tính đến tháng 10-2024, thành phố có 32 cơ sở đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, trong đó hạt nhân trọng tâm là Đại học Đà Nẵng. Với 7 trường đại học thành viên, 1 Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh có chức năng, năng lực đào tạo, hợp tác quốc tế trong đào tạo đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực, có thể thích ứng và đón đầu xu thế phát triển giáo dục thế giới như: công nghệ tài chính (Fintech) của Trường Đại học Kinh tế; thiết kế vi mạch bán dẫn của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa…
Nhiều đơn vị đào tạo có bề dày lịch sử tạo dựng thương hiệu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội với gần 50 năm hoạt động (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế). Đại học Đà Nẵng có 30 năm phát triển với trọng trách là đại học vùng, đào tạo đa lĩnh vực, đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với hơn 1.000 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư…
Thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng và các địa phương thuộc miền Trung - Tây Nguyên đang được cải thiện và nâng cao, khả năng đầu tư cho giáo dục của người dân ngày càng lớn. Tổng quy mô dân số khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (vùng tuyển sinh) theo công bố của Tổng cục Thống kê đến cuối năm 2023 là 20,807 triệu người với mức độ tăng bình quân trong 10 năm qua là 2,1%, đạt hơn 330 nghìn người, riêng Đà Nẵng năm 2023 là hơn 1,24 nghìn người. Ngoài ra, Đà Nẵng với thương hiệu là “thành phố đáng sống” thu hút người dân từ các vùng miền trong và ngoài nước đến sinh sống góp phần mở rộng nguồn tuyển sinh.
Theo báo cáo thường niên Đà Nẵng 2023 do PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế và các cộng sự nghiên cứu cho thấy, nếu dựa theo 14 tiêu chí thuộc các nội dung: tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA); cơ cấu VA; đóng góp của ngành vào tăng trưởng GRDP; cơ cấu đầu tư; tăng trưởng đầu tư; hiệu quả đầu tư; tăng trưởng hiệu quả đầu tư; cơ cấu lao động; tăng trưởng lao động; năng suất lao động và tăng trưởng năng suất lao động thì lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang xếp vị trí thứ 7/20 ngành cấp 1 của Đà Nẵng.
“Đà Nẵng đã và đang trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43 NQ/TW, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong những mục tiêu đầu tư phát triển, nhằm góp phần đưa Đà Nẵng thành hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Điều này cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo đang có lợi thế về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, quy mô, bề dày lịch sử các trường đại học là một lợi thế của Đà Nẵng so với các địa phương khác trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Chính sách thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế cũng như dư địa tuyển sinh trong nước, quốc tế đang tạo cho Đà Nẵng nhiều tiềm năng để phát triển giáo dục và đào tạo”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh chia sẻ.
NGỌC HÀ - PHẠM QUANG TÍN