Giáo dục
Xây dựng đội ngũ nhà giáo tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh
Đội ngũ nhà giáo luôn tiên phong trong phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận về công tác xây dựng lực lượng nhà giáo tận tụy với nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận. |
* Qua 4 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn thành phố?
- Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT chủ động thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Trong đó, đồng loạt triển khai các nội dung bồi dưỡng theo các module của chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức các chuyên đề dạy học theo hướng đổi mới; tập trung bồi dưỡng, nâng cao nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên, bảo đảm yêu cầu dạy học của chương trình.
Qua đó, đội ngũ nhà giáo của thành phố có khả năng nắm bắt tốt các phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Nhiều giáo viên thể hiện tinh thần học hỏi, chủ động tiếp cận chương trình mới và có thái độ tích cực đối với đổi mới giáo dục; cán bộ quản lý có những cải cách trong công tác điều hành, tạo điều kiện cho giáo viên triển khai chương trình một cách thuận lợi, hiệu quả.
* Ngành GD&ĐT thành phố sẽ triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo như thế nào để tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?
- Ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục triển khai lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Trên cơ sở Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đang được Bộ GD&ĐT dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt, để tham mưu UBND thành phố tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương thức thực hiện đào tạo nâng chuẩn trình độ của giáo viên.
Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai có hiệu quả Đề án 1129/ĐA-UBND của UBND thành phố về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2024-2028, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.
Thành phố luôn dành sự tôn vinh đối với những nỗ lực, cống hiến trong sự nghiệp trồng người của các thể hệ thầy giáo, cô giáo. TRONG ẢNH: Giáo viên Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) đón học sinh vào năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ |
* 2024-2025 là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ít nhiều sẽ có bỡ ngỡ đối với học sinh. Vì vậy, ngành GD&ĐT thành phố có những chỉ đạo gì đến các trường, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo trong việc định hướng, tư vấn, tổ chức ôn tập cho học sinh nhằm bảo đảm chất lượng kỳ thi này?
- Đây là năm học đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, mang đến những thách thức mới cho học sinh và giáo viên. Để bảo đảm chất lượng kỳ thi, sở chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, giúp giáo viên nắm vững nội dung và phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, đặc biệt là các môn học có thay đổi về cấu trúc và nội dung; tăng cường sinh hoạt chuyên môn nhằm khuyến khích giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảng dạy và ôn tập, nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả nhất cho học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh về cấu trúc và yêu cầu của kỳ thi, phương án thi năm 2025, các môn thi bắt buộc và tự chọn, cũng như các yêu cầu cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Từ đó tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn học, bảo đảm bao quát toàn bộ kiến thức cần thiết; yêu cầu giáo viên đa dạng hóa phương pháp ôn tập: như học nhóm, giải đề thi minh họa và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả học tập.
* Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, bà gửi gắm thông điệp gì đến đội ngũ nhà giáo tại Đà Nẵng?
- Thời gian đến, ngành GD&ĐT thành phố thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh toàn xã hội chuyển đổi. Trước bối cảnh đó, mỗi nhà giáo cần tiếp tục vun đắp, giữ trọn sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp; không ngừng đổi mới, sáng tạo, cống hiến; trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực nghiên cứu, học tập; đam mê với nghề, tất cả vì sự nghiệp giáo dục.
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc quý nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành GD&ĐT mãi thắp sáng ngọn lửa trí tuệ, nhân văn, nhiệt huyết và khát vọng vươn xa cho ngành GD&ĐT thành phố và đất nước. Đồng thời, mong rằng trong thời gian tới, quý thầy cô, anh chị em tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp để tiếp thu những vấn đề mới của giáo dục nước nhà, vận dụng tốt vào thực tế giảng dạy, quản lý, công tác, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
XUÂN DŨNG thực hiện