Văn hóa - Giải trí

"Ươm mầm" cho tương lai

14:36, 01/04/2008 (GMT+7)
Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo đã được thành phố quan tâm đầu tư thích đáng và đạt được nhiều thành tựu khởi sắc. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên qua từng năm. Từ năm học 2004-2005, UBND thành phố triển khai thực hiện Dự án 32 nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài, dành cho học sinh THPT bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là Dự án nhằm thu hút nhân tài, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Sau bốn năm thực hiện, đến nay những “quả ngọt” đầu tiên sắp được gặt hái.

 
Học sinh trường THPT trong buổi chào cờ đầu tuần.

Một quyết định đột phá

So với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, việc triển khai thực hiện Dự án 32 của UBND thành phố Đà Nẵng là bước đột phá rất lớn trong chiến lược xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố sau này. Đây là việc làm đúng đắn, mang tính dự báo sáng suốt, định hướng về sự phát triển của thành phố trong tương lai, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kích thích tinh thần học tập, phấn đấu vươn lên của thế hệ trẻ.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố đã có 192 học sinh THPT được đào tạo theo Dự án 32, trong đó có 125 trường hợp được đào tạo tại các trường đại học uy tín trong nước và 67 trường hợp được đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 22,3 tỷ đồng. Nếu những năm đầu triển khai Dự án, số học sinh  giỏi, đủ tiêu chuẩn tham gia Dự án chủ yếu là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì những năm sau này, nhiều học sinh ở các Trường THPT như Phan Châu Trinh, Phan Thành Tài cũng tham gia Dự án.

Sự kỳ công trong việc “trồng người” của thành phố, bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan. Khoảng tháng 7-2008, có 27 học sinh của Dự án 32 sẽ tốt nghiệp các trường đại học ở trong nước và nước ngoài trở về phục vụ tại các cơ quan, ban, ngành của thành phố. Trong đó, có 3 học sinh đang học ở nước ngoài xin tiếp tục học thạc sĩ tại Cộng hòa Pháp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo

Có thể nói rằng, trong sự nghiệp “trồng người” cho thành phố, ngành Giáo dục-Đào tạo đã có những đóng góp to lớn. Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi những năm qua luôn được ngành quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn thành phố đã có 82 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đội ngũ cán bộ, giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng giáo dục tăng dần qua từng năm, tỷ lệ học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 cũng chuyển biến đáng kể. Nếu năm học 2003, tỷ lệ đạt 13,9% thì đến năm 2007, tỷ lệ 21%.

Qua các kỳ thi học sinh giỏi, đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế lớp 12 của thành phố Đà Nẵng luôn đoạt giải cao. Chẳng hạn, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2007, đoàn học sinh thành phố đoạt 44 giải ở các môn thi, đặc biệt em Bùi Đức Thắng (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Bởi vậy, những năm gần đây, học sinh của các trường THPT tham gia Dự án 32 ngày càng nhiều. Điều này chứng tỏ chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài ở các trường phổ thông ngày được nâng lên. Ông Huỳnh Văn Hoa-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, trong thời gian đến, ngành giáo dục-đào tạo tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên” để tiếp tục nâng cao chất lực đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ và giàu đẹp hơn.  

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

 

.