.

Giai thoại ông huyện Hà Đông

.

Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của Quảng Nam xưa, bao gồm các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Trà My, Phú Ninh và Tam Kỳ hiện nay. Giai thoại dân gian nơi này còn truyền câu chuyện xử kiện của “ông huyện Hà Đông”.

Thầy đề hầu chữ quan huyện. (Ảnh: V.T.L)

Nhiều địa danh sông nước, đầm phá của Hà Đông xưa đã đi vào sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Do địa thế phần lớn là sông nước nên vùng đất này có lệ phân địa giới theo thủy triều. Nước ròng rút bày đất ra đến đâu thì ranh giới làng liên hệ mở ra đến đấy. Sông bên lở bên bồi, trong khi làng phía lở phải trồng lác ven bờ để ngừa sạt lở thì ở làng phía bồi, gặp con nước ròng, đất trải ra xa lắc.

Có lần, trên sông có một thây chết trôi trương phình, không làng nào chịu nhận đem chôn cất. Bởi, nước lớn, thây tấp về bờ lác làng này; nước ròng, thây dạt về bờ bãi làng kia. Tùy theo con nước, dân làng bên này đánh mõ gọi làng bên kia ra nhận xác.

Rốt cuộc chẳng làng nào nhận. Đùn đẩy mãi, cả hai bèn kiện lên quan huyện. Biết muốn xử cho làng nào thắng là tùy con nước nên quan huyện vuốt râu nằm chờ, đợi làng nào dâng lễ hậu hơn thì tùy giờ mà đến xử.Giai thoại dân gian vùng này còn truyền một vụ xử kiện tương tự của ông huyện, chỉ khác đây là chuyện vợ kiện chồng.

Anh chồng nhà kia lén vợ rút một quan trong hai xâu tiền, mỗi xâu bảy quan, đi đánh bạc; sau đó bèn xỏ đầu dây của xâu bị lấy bớt vào đồng trên cùng của xâu bảy quan còn nguyên. Bị vợ phát hiện, anh ta bèn đem ra đếm và bảo xâu nào cũng còn đủ bảy đồng và phán: “Hai lần bảy là mười ba”. Vợ thấy chồng đếm gian bèn giãy nãy lên thì bị chồng dần cho một trận. Giận quá, vợ kiện lên quan.

Ngầm muốn giúp anh chồng, ông huyện Hà Đông nghĩ ra một kế. Quan chọn nơi xử kiện ở căn nhà đúng với ý mình rồi gọi người vợ vào. Sau khi nghe chị ta kể hết sự tình, quan bảo: “Giờ ta hỏi đến đâu, ngươi trả lời đến đó. Ta cho nha lại ghi lời ngươi đầy đủ! Cấm không được thay đổi lời đã nói ra”. Nói xong, quan chỉ lên mái nhà, bảo người vợ đếm số đòn tay mái trước. Chị vợ đếm luôn cả cây đòn đông và xướng: Bảy cây. Đợi nha lại ghi xong, quan bảo chị đếm tiếp mái sau. Người vợ xác nhận cũng đủ bảy cây. Quan bảo chị điểm chỉ vào lời khai sau hai lần đếm để làm bằng.

Đoạn, quan bảo chị ta đếm tất cả số cây từ mái trước đến mái sau. Chị ta đếm cả thảy được mười ba cây. Hóa ra cả hai lần, chị đều đếm cả cây đòn đông vào. Quan vểnh râu vỗ đùi: “Chính ngươi cũng công nhận là hai lần bảy là mười ba chứ đâu chỉ riêng chồng ngươi! Làm vợ phải biết chiều chồng!

Thôi chịu lép về đi cho yên cửa yên nhà!”. Vợ biết mắc mưu quan đành lủi thủi ra về. Diễn tả nỗi lòng người vợ, dân gian thêm vào giai thoại này câu ca: “Nực cười ông huyện Hà Đông/ Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba/ Không nghe hư cửa hại nhà/ Nghe thời (thì) hai bảy mười ba sao đành!”
                                                
HƯƠNG TRÀ
(Ghi theo lời kể của cụ Trần Văn Tuyền và một số lão nông vùng ven sông Tam Kỳ)

;
.
.
.
.
.