.

Lễ hội, một năm nhìn lại

.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Lễ hội ngày càng được tổ chức đa dạng và phong phú hơn về nội dung và hình thức.

 Lễ hội công chiên Tây Nguyên ( ảnh tư liệu)

Hiện nay, ngoài các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội dân gian, lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn có một loại hình lễ hội lịch sử cách mạng ra đời sau 1945. Do nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn, các lễ hội, festival, ngày hội vùng - miền, tộc người, ngành nghề… hình thành và được các cấp Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư tổ chức. Gần đây, Ngày hội các dân tộc vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên; Ngày hội dân tộc Chăm, dân tộc Thái, Lễ hội chè, trái cây, cà-phê… ra đời đã đáp ứng phần nào nhu cầu đời sống tinh thần của con người đương đại.

Đến hẹn lại lên, những lễ hội truyền thống, những lễ hội cách mạng tuần tự theo dòng sinh hóa cứ kế tiếp diễn ra đã thực sự làm rộn ràng con tim những con người sống trên dải đất hình chữ S này. Vào những ngày hội, hàng vạn người dân, đủ mọi tầng lớp kìn kịt vượt qua những ngọn núi cao, hoặc xuôi theo những đoàn ghe ngo trên kênh rạch, hoặc lũ lượt trên nhiều ngả đường để về tham gia lễ hội.

Đi trẩy hội là một nhu cầu cần thiết của con người Việt, vì đến lễ hội, con người ta được tập hợp, giao lưu, được thi đấu và thể hiện bản làng mình, thôn ấp, phum sóc mình với cộng đồng. Về với lễ hội, con người như được trở về nguồn cội thiêng liêng, sống lại sự liên kết sức mạnh cộng đồng, trở về với môi trường ngôn ngữ và sinh hoạt văn hóa dân gian đậm nét truyền thống. Từng tiếng nói, từng trang phục, những làn điệu, những hoạt cảnh lễ hội, mỗi món ăn, mỗi trò chơi dân gian… đều ánh lên những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, đều thấy thân tình, ấm áp và tự hào.

Năm 2008, nhiều lễ hội, ngày hội đã được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc vừa mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, vừa phản ánh những thành tựu mới của con người trên từng vùng đất có bản sắc vùng miền riêng biệt đóng góp chung vào đại gia đình văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, như GSTS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng cảnh báo: “Đừng thương mại hóa các lễ hội”. Theo ông, chúng ta đang trong tình trạng “cả nước làm lễ hội” rất tốn kém, và cái lợi của lễ hội lại rơi vào các doanh nghiệp hơn là người dân… Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn hội hè lớn nhỏ. Cấp quốc gia thì trên mươi tỷ, cấp địa phương vài tỷ, nhưng hiệu quả thu hút người dân và du khách vẫn là vấn đề cần đánh giá lại. Tiếc thay việc đánh giá đến nay vẫn còn để ngỏ (?).

Nhiều lễ hội vô hình trung đã diễn ra theo “kịch bản” cần có, làm mất đi bản chất tự nhiên vốn có của nó, khiến người tham gia lễ hội cảm thấy xa lạ. Họ xa lạ vì phần lễ lấn át phần hội, vì phần hình thức cờ quạt chiếm lĩnh phần hồn cốt nội dung, vì nhiều yếu tố “lạ” xâm nhập vào lễ hội đặc trưng của họ. Bởi vậy, chúng tôi còn xin cảnh báo thêm: Đừng nên hành chính hóa lễ hội!

Nội dung chương trình, hoạt động của các lễ hội mà các địa phương đang đua nhau tổ chức hiện nay có nhiều trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho người dân và du khách: Truyền hình trực tiếp với một bố cục kịch bản na ná giống nhau, chương trình sân khấu hóa hầu hết là các hoạt cảnh lắp ghép, xen lẫn ca nhạc với những nội dung và chất lượng nghệ thuật hời hợt, đơn điệu, thậm chí phản cảm... Trong nhiều lễ hội lịch sử, có đạo diễn đã đưa nhạc phẩm Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương lên trình diễn như là điểm nhấn ca ngợi người anh hùng dân tộc.

Cái khó nhất của công tác tổ chức lễ hội năm nay là tình hình kinh tế biến động, lạm phát tăng cao, nên việc thực hiện công tác xã hội hóa cho lễ hội rất khó, nhất là với các lễ hội cách mạng. Nếu các địa phương tổ chức tại các thành phố lớn thì còn dễ, nhưng nếu đưa lễ hội về các huyện, thị thì các doanh nghiệp, các nhà tài trợ khó mặn mà với một lễ hội như vậy. Thế nhưng, lễ hội phải sống từ chiếc nôi của nó, nó cần phải được đưa về, nói đúng hơn là “tái sinh” lại gần hơn với cội nguồn cuộc sống mà nó đã sinh ra, và người đi trẩy hội được đắm chìm trong một không gian văn hóa truyền thống của chính nó. Thế nhưng trong thực tiễn có những lễ hội, ngày hội không được ứng xử như vậy ?!

Hoạt động lễ hội được tổ chức hiệu quả và có ý nghĩa phải thấu đáo bản chất vốn có của văn hóa lễ hội. Một nguyên tắc thật giản dị mà cũng khó thực hiện tốt nhất!

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.