* Do yêu cầu công việc, tôi thường sử dụng công cụ đếm chữ (Word Count) trong soạn thảo văn bản. Xin cho hỏi, cách làm này gọi là đếm số từ (trong bài) hay âm tiết? (Lê Bơ, Hải Châu, Đà Nẵng).
Trong tiêng Viêt, Word Count đã đếm “âm tiết” chứ không đếm “từ”. (Ảnh: V.T.L) |
Tuy nhiên, do cấu tạo từ của tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau nên kết quả Word Count cho mỗi loại ngôn ngữ cũng khác nhau. Nếu từ “family” cho kết quả Word Count là 1 thì từ tương đương với nó trong tiếng Việt là “gia đình” lại cho kết quả là 2. Trong trường hợp sau, do chương trình mặc định giá trị theo văn bản tiếng Anh nên Word Count đã đếm “âm tiết” tiếng Việt chứ không đếm “từ”.
Âm tiết, theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, là “đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói, được cấu tạo bằng một hoặc một loạt động tác cấu âm, làm thành một thể thống nhất chặt chẽ về mặt ngữ âm. Biên giới âm tiết có thể trùng hợp với biên giới của các đơn vị có ý nghĩa của ngôn ngữ, nhưng cũng không phải nhất thiết như vậy. Âm tiết còn là một tiêu chí xác định mặt ngữ âm của từ (đơn tiết, song tiết, đa tiết)”.
Theo đó, “gia đình” là từ có 2 âm tiết; “tất tần tật” là từ láy có 3 âm tiết.
Tóm lại, Word Count là công cụ đếm số âm tiết, chứ không phải đếm số từ tiếng Việt. Nói rộng ra, là đếm số chữ, hiểu theo nghĩa của Bách khoa Toàn thư Việt Nam ở phần giảng từ “âm tiết” nói trên: “Đối với tiếng Việt, mỗi âm tiết phát thành một tiếng. Ở chữ Nôm, chữ Quốc ngữ mỗi âm tiết viết rời thành một chữ”.
Nói thêm, để có con số chính xác khi sử dụng công cụ Word Count, cần bỏ dấu chấm câu đúng quy định. “Mấy giờ anh đến?” cho kết quả là 4; nhưng “Mấy giờ anh đến ?” (dấu ? không đi liền sau từ “đến”) sẽ cho kết quả là 5.
“Le nhaque” đã được ghi vào Từ điển Larousse nổi tiếng của Pháp.
* Trong bài “Cuộc biểu tình 2 trong 1” trên báo Đà Nẵng cuối tuần vừa rồi có nói đến từ “le nhaque”. Đây có phải là từ phiên âm tiếng Việt? Còn từ nào khác tương tự hay không? (Nguyễn Thành, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- “Le nhaque” là một từ tiếng Pháp được hình thành bởi từ tiếng Việt “nhà quê” viết dính liền không dấu (mạo từ “le” đứng trước chỉ một danh từ giống đực). Đây không phải là từ phiên âm tiếng Việt, bởi nó được đọc là “(lơ) nha-cờ”, chứ không phải đọc là “nhà quê” như tiếng Việt. Nghĩa ban đầu của “le nhaque” hàm ý mỉa mai là “thằng nhà quê”, nhưng trong ngữ cảnh của bài viết nói trên, tác giả đã dịch thành “xứ nhà quê”.
Cách thành lập từ theo kiểu nửa ta nửa tây này còn thấy ở một số từ khác như “quoiloirement”. Trong tiếng Pháp, người ta dùng tiếp vĩ ngữ “ment” để biến tính từ thành trạng từ. Lent (chậm chạp, giống cái viết thành lente) + ment = lentement (một cách chậm chạp). Tương tự vậy, những người có óc khôi hài đã nối ment vào sau quoiloire (đọc là “qua loa”) để tạo nên từ quoiloirement, có nghĩa là... một cách qua loa!
Cách chơi chữ này còn thể hiện ở một số từ đậm chất dân gian. Sài Gòn xưa có đường Bonard, tên một đô đốc hải quân Pháp từng cai trị Nam Kỳ. Đường phố đẹp này luôn tấp nập người đi dạo, dần dần hình thành từ bonarder (thêm er vào sau từ bonard) - động từ có nghĩa là “dạo chơi trên đường Bonard”. Từ năm 1954, mặc dù đường này được đổi tên thành đường Lê Lợi, nhưng có một lớp người vẫn dùng động từ này một cách đùa nghịch thêm một thời gian nữa.
Đ.N.C.T