.
Cửa sổ tri thức

Tết Nguyên tiêu

.

* Tết Nguyên tiêu có từ bao giờ? Tại sao có lệ treo đèn trong lễ trọng này? (Nguyễn Văn Mỹ, Hội An, Quảng Nam).

Hội An chuẩn bị đèn lồng cho Tết Nguyên tiêu. (Ảnh: V.T.L)

- Tết Nguyên tiêu (Nguyên tịch, Nguyên dạ) còn gọi là Tết Thượng nguyên, diễn ra vào ngày 15 tháng giêng Âm lịch. Đây là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới theo Âm lịch, mọi người có lệ treo các loại đèn hoa, vì vậy Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết "Hoa đăng".

Tương truyền, Tết Nguyên tiêu xuất phát từ câu chuyện xảy ra năm 180 trước Công nguyên ở Trung Hoa. Vua Hán Văn Đế (202-157 TCN), sau khi dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã gây nên, lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng giêng. Sau đó, hằng năm cứ vào ngày này, nhà vua giữ lệ rời cung đi dạo chơi và chung vui với dân. Trong cổ ngữ Trung Hoa, chữ "dạ" được gọi là "tiêu", nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng giêng làm ngày Tết Nguyên tiêu.

Còn lệ treo đèn kết hoa trong Tết Nguyên tiêu thì mãi đến năm 67 sau Công nguyên, vua Hán Minh Đế (57-75) mới ra lệnh treo đèn lồng trong lễ trọng này để tỏ lòng tôn sùng Phật giáo.

Nói thêm, sau Tết Nguyên tiêu là Tết Trung nguyên (15 tháng 7 ÂL) và Tết Hạ nguyên (15 tháng 10 ÂL). Dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng có câu: "Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy/ Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không/ Rằm tháng Mười mười người mười quảy". Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói cho vần, chứ thực tế cả ba cái rằm này đều quan trọng như nhau.

Bợm già mắc bẫy cò ke

* "Bẫy cò ke" trong "Bợm già mắc bẫy cò ke" là loại bẫy như thế nào? Ý nghĩa của câu tục ngữ này? (Trần Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bẫy cò ke là một loại bẫy dùng nút thòng lọng có hiệu quả rất cao.

- Theo sách "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ" (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội-1994), bẫy cò ke là một loại bẫy thô sơ dùng để bẫy chim. Bẫy bằng tre, hình tam giác, phía trên có cần bật nối với lẫy và mồi. Mồi của bẫy thường là quả cò ke nên gọi là bẫy cò ke. Cò ke là một loại thân thảo. Có hai loại cò ke: loài dây leo có tên khoa học là Grewiea astropelata và loài thân đứng có tên là Grewia paniculata. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn, là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim.

Tuy cấu tạo đơn giản là thế, nhưng bẫy cò ke có hiệu quả rất cao. Nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi (quả cò ke) thì bị cần bật đập gãy cổ chết ngay. Vì vậy mà khi chim đã bị "mắc bẫy cò ke" thì khó lòng thoát chết.

Theo kiểu bẫy cò ke dùng bẫy chim, người ta làm ra những chiếc bẫy chó tương tự và cùng tên. Vì thế trong Từ điển Bùi Văn Tập, bẫy cò ke này được giải thích là: Một loại bẫy chó rất sơ sài; và nghĩa bóng là mưu lừa rất tầm thường.

Trong câu tục ngữ đang xét có một sự đối lập thú vị: "Bợm già" là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc thế mà bị mắc "bẫy cò ke", tức là bị mắc mưu lừa tầm thường! Và một khi đã sa cơ thất thế thì dù có là bợm già cũng phải bó tay. Tục ngữ này phản ánh một thực trạng xã hội: Những kẻ dù có anh hùng, ngang dọc mà chủ quan thì cũng có lúc bị sa cơ thất thế bởi những mưu chước rất chi là tầm thường.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.