.

Đầu năm đi lễ

.

Tháng giêng là tháng ăn chơi... Đó là chuyện của các cụ ngày xưa. Còn bây giờ con cháu các cụ, hội hè tùm lum ngay từ tháng giêng cho đến… hết năm. Nhưng, mùa xuân mà không đi trẩy hội, quả cũng kém phần xuân đi nhiều lắm. Nhiều người lễ chùa về thấy người như khỏe ra, tinh thần nhẹ nhõm, thư thoát. Mùa xuân lễ hội diễn ra ở mọi miền, mọi dân tộc.

Lễ hội chùa Yên Tử.
Có những lễ hội gắn liền với chùa phật. Có lễ hội gắn liền với trời đất, thánh thần. Ấy là nơi lễ nhiều hơn hội. Có nơi lễ và hội hài hòa. Sau phần lễ kính cẩn thờ phượng là tưng bừng vào hội, có tiếng trống dồn dập, con gái con trai nắm tay nhau múa hát. Những lễ hội gắn với các chùa như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Keo, chùa Yên Tử, v.v… đa phần dân ta gọi là đi lễ chùa. Nhiều người đi hội lễ là đi ngắm thiên hạ và cảm nhận một nét đẹp văn hóa Việt, dân tộc Việt. Đó là mấy vị đàn ông, phần lớn là đi vãn cảnh. Nhưng các bà, các cô thì không phải thế. Hãy nhìn vào lễ vật họ mang tới chùa. Nhìn vào nét mặt, hai bàn tay chắp lạy… thành kính vô cùng.

Lễ hội là một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của dân tộc. Lễ hội đền Hùng, đưa con cháu về với cội nguồn. Lễ hội Thánh Gióng, diễn lại một huyền thoại đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt như biểu tượng của sức mạnh thần kỳ của dân tộc trong trường chinh lịch sử chống xâm lăng. Lễ hội Hai Bà, tưởng nhớ người anh hùng được huyền thoại hóa để tôn vinh khí phách anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Những ngôi đền được xây cất ở nhiều địa phương cũng nhằm nhắc nhở hậu duệ con cháu Lạc Hồng về lịch sử, truyền thống cha ông mà sống cho xứng đáng.

Nhưng nét đẹp thuần khiết Á Đông ấy liệu có giữ được trong trẻo, lành mạnh không. Đây quả là một câu hỏi không mấy nơi có thể trả lời rõ ràng, rành rẽ. Một chuyến du xuân chùa Hương về, nghĩ lại vẫn chưa hết bàng hoàng. Vừa tới đầu bến là ngỡ như lạc vào thế giới ma quái. Người đi hội có cảm giác như những người phục vụ sinh ra là để chặt chém vô tội vạ. Mua hương, sắm lễ, thuê thuyền… giá cả cứ như trên trời rơi xuống. “Đi thì đi, không đi thì lên, thuyền cũng chẳng thiếu người”.
 
Ấy là lời lẽ của mấy ông mấy bà chủ thuyền. Nhưng kinh hoàng hơn, không hẳn là mất tiền như thể bị trấn lột, mà sự ô nhiễm trên dòng suối Yến. Đến cửa Phật là tiếp nhận sự trong trẻo của đất trời mùa xuân. Nhưng những quán xá tùm lum trước Thiên Trù đã cướp đi sự trong trẻo, thay vào đó là nước thải, thức ăn thừa đen đúa, đục ngầu tung hê xuống suối. Nếu trong chùa có Phật, hẳn Phật cũng nhíu mày. Tình trạng này kéo dài triền miên năm này, năm khác, dẫu có từ bi hỷ xả đến đâu, Phật cùng khó mà bỏ qua được.

Trên đường lên “Nam Thiên đệ nhất động”, hay lên Yên Tử, Quảng Ninh, Phật nào có thoát đời tục. Những hàng quán mọc lên như nấm. Những trì kéo lỗ mãng, buôn thần bán thánh. Có những chiếc ghế đặt ở những điểm nghỉ. Hễ ngồi xuống là y như được một cốc “nước mơ” chùa Hương ngầu ngầu. Ngồi đồng nghĩa với mua nước. Và thứ nước ấy, trả tiền xong chỉ có việc hất vào bụi rậm. Lỡ dại dột uống vào là không về thấu nhà. Cũng phở bò tái chín, cũng nước tăng lực bò húc, cũng bánh mì xúc xích Đức… chẳng khác gì chợ búa tạp nham. May chi còn thấy vài quả xoài, đu đủ héo, mấy nải chuối rúm ró là có chút hơi hướng quê.

Vào chùa Thầy, ngồi nghe kinh và chờ đến lượt xướng tên tín chủ là gia đình mình. Ai ai cũng mong nhiều lộc, nhiều tài, Phật có đâu nhiều lộc đến vô cùng mà ban phát. Tôi cũng tin vào trời phật, nhưng trước hết là tin vào những lời dạy của Phật mà tu nhân tích đức, nghĩa là tu tại cái tâm của mình. Liếc nhìn người bạn đồng hành ở gần nhà tôi. Chị cũng khá nổi tiếng trong khu chung cư về cái sự ồn ã đủ điều tranh chấp. Chị cũng nổi tiếng mộ chùa, quanh năm lễ Phật.
 
Mới gặp nhau mồng 5 Tết mà chị đã khoe đi được những 8 chùa rồi. Ở cơ quan nghe đâu chị cũng được liệt vào trong số những người lắm điều đơm đặt. Đường dây chạy án của chị năm vừa rồi xuýt nữa lôi nhau xếp hàng trước vành móng ngựa. Giờ đây, trước cửa Phật tôi nhìn chị đang lầm rầm khấn vái. May chi trong lời vái, Phật từ bi đem đến sự “bình tâm” cho người bạn hàng xóm của tôi. A di đà…

Nguyên Phước

;
.
.
.
.
.