- "Bác sĩ " tên gì, không chừng phải gọi hoài "tiểu thư"?
- "Bác sĩ" chưa ra trường ! "Tiểu thư" thì do mấy bà dì, bà cô đặt. Chẳng danh gia vọng tộc gì, người ta chỉ gọi vui ấy mà, có lẽ, cũng như có người, không ai gọi anh ta bằng tên Việt... phải không James Dean?!
Chảo thắng cố ở chợ Đồng Văn. |
Dưới ánh đèn lộng lẫy trước rạp Queen đêm ấy, nổi bật chân dung nét phong trần, kiêu bạc của James Dean, tài tử điện ảnh đang gây thu hút dân ghiền chiếu bóng với dáng dấp lênh khênh trong chiếc áo bluoson đen, quần jean bạc. Nét vẽ bay bướm, vững vàng, chuyên nghiệp của hắn đã chinh phục được lão Quân và nhất là, gã hiểu ra, tay vẽ nhóc con tài tử nầy không có ý chèn ngang, gây rối công ăn việc làm của gã.
Thời gian lão trốn việc đi làm thêm, hắn được mời đến vẽ “thế chân” cho một bộ phim mới. Hắn thật sự vô tư vẽ không công. Lương tiền và công việc của gã nơi đây không hề suy suyển vì sự hiện diện của hắn. Lão Quân tỏ ra hài lòng, bảo: "Chú em có nghề lắm, nếu muốn cứ đến làm việc với moa thường xuyên, kể từ đây, James Dean! "Lần này, Quân lôi hắn vào đây, vẽ phông xine cho rạp chiếu bóng ở Tam Kỳ.
Không hỏi được tên, hắn xoay qua chuyện khác:
- Ở Tam Kỳ nghe nói có "ba điều kỳ lạ" là những điều gì vậy, tiểu thư?
Cô gái khúc khích cười hồi lâu làm hắn nhột nhạt không nhớ chắc là mình đã chớp "câu đố dân gian" nầy từ lúc nào, ở đâu. Ngừng cười, cô gái làm ra vẻ nghiêm trang cải chính:
- "Ba điều kỳ quặc" mới đúng!
Hắn ậm ừ:
- Ừ, "ba điều kỳ quặc", nói thử đi!
Cô gái ra điều kiện:
- Phải nghiêm túc nghe mới chịu!
Hắn bật cười, nhỏ nhẹ:
- Nghiêm túc như thế nầy nhé!
Mắt nhắm nghiền, hai tay chắp trước ngực, bộ dạng hắn chân thành, lắng yên chờ đợi lời giải đáp qua giọng nói ngọt ngào như mía lau của "tiểu thư", sinh viên năm cuối đại học y khoa, người bản xứ đầu tiên hắn gặp. Nhưng trái với chờ đợi của hắn, tiếng một kẻ khác:
- Dạ, mời tiểu thư và thí chủ vào trong sảnh điện kẻo trời gần mưa!
Hắn giật thót người, có điều kỳ quặc nào đó chưa kịp tính tới, khi không từ trên trời vừa rơi xuống đầu hắn. Hắn mở choàng mắt: Trước mặt hắn, một nữ tiểu đồng nhỏ nhắn, mảnh khảnh đang đứng vòng tay lễ phép chờ đợi.
Cô gái nhìn lên bầu trời ngơ ngác: "Trời mưa à?!".
Quay vội sang hắn, cô gái nói khẽ, giọng lo âu:
- Anh chờ đây vậy nhé!
Nói rồi cô ấy quàng vai vị tiểu đồng đi vào phía chánh điện.
Hắn ngớ người, chưng hửng! Không thể lẽo đẽo theo họ, chốn trang nghiêm Nhà Phật ai chấp nhận một "thiện nam", một "tín nữ" choai choai ngồi thầm thì trong đêm giữa chánh điện!
*
Lúc chợp tối lão Quân chẳng dặn dò gì ngoài việc nhờ cô gái đưa hắn đến chùa Tịnh Độ, nơi đẹp nhất tỉnh lỵ và ở đó chờ gã trở lại sắp xếp chỗ ngủ. Trên đường đến chùa nầy, tay đút túi quần, đôi chút tự tin, hắn sánh vai cùng đôi cánh phượng hoàng bay múa đường chỉ thêu tài hoa trên vai áo lụa vàng của cô gái trạc tuổi hắn, một người nữ đầu tiên biết thăm hỏi về đời sống, công việc hắn một cách quan ngại, thân tình. Lòng hắn tưng bừng ca múa.
Nhưng hắn thật sự bối rối khi cô gái muốn biết vì sao hắn có thể gần gũi được với "mẫu người" chai sạn như lão Quân. Hắn đành huyên thuyên lãng chuyện. "Em còn nhỏ, em đâu có biết, chuyện áo cơm bủn rủn thiên tài!". Vớ đại câu thơ của ai đó chen giữa câu chuyện để khỏi phải nói tuột hết những khốn đốn, trắc trở của hắn với người đang học năm cuối đại học, còn hắn, đã từng là sĩ tử "đậu phải cành mềm", đi vẽ thuê phông màn cho thiên hạ!
*
Đêm nay ngủ ở đâu, hắn mơ hồ nhưng mưa đang rơi thì rất thật!
Hắn rời bỏ bệ đá dưới tán bồ đề rậm vào ngồi sát hành lang chùa, mắt nhìn ra khoảng sân khuya vắng. Ở đây dường như rộng gấp đôi, gấp ba ngôi chùa hắn ở nhờ ngoài kia. Mưa nhẹ nhưng buốt lạnh gió bấc. Màn nước mỏng trắng bạc đan kín, mờ ảo trên nền cây lá xanh thẩm khắp khu vườn. Hắn ngồi như thế hồi lâu. Không ngóng trông ai nhưng lòng cứ mênh mông chờ. Lão Quân biệt tăm biệt dạng.
Có tiếng chân bước nhẹ đến bên hắn và tiếng nói thật khẽ: "Mấy ni cô trong ấy cho em ra đây với anh một tí thôi!". Hắn mừng rỡ đưa tay đón chăn, chiếu và chiếc gối bọc vải thô, màu nghệ vàng trên tay cô gái. Hắn xúc động nói: "Cảm ơn tiểu thư-bác sĩ!" Cô gái bật cười: "lạnh lắm không, còn đùa?". Hắn trả lời, hai hàm răng đánh khớp: "kh...kh...ô. ô..n.n ..g...!".
Cô gái trải chiếc chiếu lên hành lang, sát góc bờ tường trước hiên chùa, phủ tấm chăn lên người hắn rồi ngồi xuống bên hắn thật tự nhiên, tay ôm chiếc gối nhỏ, đầu nghiêng nghiêng trên vai hắn, cô gái nói: "Bắt anh chờ lâu, các ni cô ở chùa nầy ai cũng biết gia đình em, họ chuẩn bị chỗ nghỉ cho em rồi. Nhưng chốc nữa em phải về nhà". Hắn bóp nhẹ những ngón tay thon mềm của cô gái thay lời trìu mến mang ơn vì "tiểu thư" không bỏ mặc hắn giữa đêm hôm nơi chốn xa lạ.
Giọng cô gái thì thầm bên tai hắn: - "Hồi tối anh hứa sẽ nghiêm túc nghe ba điều kỳ quặc của Tam Kỳ thì... miễn giận nhé!". Hắn hứa và lại nhắm mắt chờ đợi.
Đưa ngón trỏ lên trước mũi, cô gái nói như giảng bài:
- Ba điều kỳ quặc của "Tam kỳ " là - thứ nhất: quê anh "trọ trẹ" ngoài nớ, khi không "trèo đèo" tới chỗ khỉ ho cò gáy nầy làm chi?!
Hắn hắng giọng rồi im lặng. Cô bé ngừng nói, nghiêng đầu sát vào tai hắn, trêu chọc: "Giận rồi phải không, biết ngay mà?!". Hắn làm ra vẻ tự nhiên, hỏi tiếp: "Điều thứ hai?".
- Con gái lớn đi chơi khuya với con trai như thế nầy biết chắc chắn khi về nhà bị ăn đòn mà vẫn đi!
Hắn cười nhẹ:
- Còn điều kỳ quặc thứ ba?
Cô bé không chịu nói hết, giọng thoáng chút giận hờn:
- Anh đố thì anh biết rồi, nói đi!
Hắn im lặng khá lâu tìm câu trả lời cho khớp một giải đáp khó với hắn.
Trời mưa ào. Gió bấc tháng chạp thổi lạnh hơn, xui cô gái vô tình chuồi chân vào trong chăn. Nụ cười phúc hậu, hồn nhiên trên đôi môi ngọt vị hồng đào của cô gái như không hề tắt: "Không nói được thì thôi, cho anh nợ!". Lưng hắn và cô gái cùng tựa vào tường, chân co ro trong tấm chăn trùm khuất đến trán. Siết nhẹ bờ vai thon vào sát hơn, hắn nghe rõ tiếng thở gấp của hai người. Mái tóc cô gái bối rối khúc khích trên vai trong khi linh hồn của hắn trôi xa dần, trôi mãi đến tận những góc rừng, nơi có loài nấm dại trắng ngần, mỏng manh tựa đầu vào nhau phó mặc mùa đông mịt mù gió tuyết.
Sân chùa ẩm ướt hương trầm và cỏ mục im lìm chìm sâu trong làn mưa bấc.
*
Sáng hôm sau thức giấc, trời đã sáng bửng. Vị nữ tiểu đồng mang nước vào cho hắn rửa mặt rồi chỉ đường cho hắn trở lại rạp chiếu bóng, nơi hắn phải trở lại tiếp tục công việc chiều qua. Buổi sáng, thị xã Tam Kỳ nhộn nhịp quán cà-phê bên vệ quốc lộ. Hắn ghé vào quán, uống vội hai cốc trà đá. Đêm qua, sau khi chia tay “Tiểu thư”, nằm co ro trên thềm chùa hắn không hề chợp mắt chỉ mơ màng nghe tiếng xe lão Quân về. Lão lặng lẽ đến nằm cạnh hắn. Mờ sáng, nghe tiếng xe lão đi.
Lạ đường, hơn nửa giờ sau hắn mới tìm ra rạp chiếu bóng. Rạp đóng cửa. Hắn không biết lối vào nào khác ngoài cửa hông dẫn vào một biệt thư liền kề với rạp hát. Vị trí chỗ vẽ của hắn chắc chắn phía sau ngôi nhà, chỗ vẽ của họa sĩ phông màn xi-nê-ma bao giờ cũng được đặt bên cạnh bếp và nhà vệ sinh.
Băng qua một phòng khách sạch như gương. Không gặp ai, hắn mừng thầm, khỏi phải chào hỏi, giới thiệu lai lịch lôi thôi, dài dòng. Đi tiếp xuống nữa, gặp phải bờ tường chắn lối nhưng bên cạnh có cánh cửa khép hờ. Vừa bước vào hắn cảm thấy bối rối vì căn phòng khép kín, thoang thoảng mùi hoa. Phòng vắng người. Hắn chần chừ nán lại ngắm những đồ vật đáng yêu trong căn phòng: Lọ hoa hồng tươi thắm trên chiếc đàn piano đặt ở cuối góc. Giá gỗ mun chứa đầy sách được xếp gọn gàng ngăn nắp gắn trên bàn học. Một vài tập sách của những tác giả nổi tiếng đọc dang dở trên bàn...
- Anh trở lại vẽ à?
Người hỏi hắn từ ngoài bước vào, có lẽ đứng sau lưng hắn nãy giờ. Hắn quay lại cười gượng, ấp úng: "Xin lỗi, tôi đi nhầm phòng!"
Hắn vội nhìn xuống đất, cô bé trước mặt hắn đang mặc áo ngủ. Chủ nhân căn phòng không tỏ ra phiền hà gì: "Em dẫn anh đi!". Theo cô gái trở lại phòng khách, rẽ sang lối khác ra phía sau, bước chân hắn vấp víu vì ngượng nên hắn không để ý hết sự tự nhiên trong xưng hô của cô gái có giọng nói mới thoạt đầu hắn đã ngờ ngợ, quen quen nhưng hắn bỏ qua ý nghĩ ấy vì ở thị trấn này hắn là kẻ xa lạ hoàn toàn.
Chị giúp việc giặt áo quần, thu gọn những chiếc thau chứa xà phòng giặt, chừa chỗ trống để hắn kê lại những tấm phông, chuẩn bị màu vẽ. Trời đã gần trưa. Hắn vào việc vội hơn. Chốc chốc hắn dừng việc lại sắp xếp vật dụng khi có thêm bà giúp việc khác vừa đi chợ về, mặt bằng "xưởng vẽ" lại thu hẹp hơn dành chỗ cho thịt cá, rau hành, soong nồi, chén bát. Góc nhà sau huyên náo dần khi có đầy đủ người giúp việc tụ tập, kể luôn cả ông tài xế tạt vào tán hươu tán vượn với chị nuôi em.
Bê nguyên thau áo quần vừa xả xong nước cuối cùng đến để bên hắn, bà giúp việc nói:
- Chú nghỉ tay chưa cho tui nhờ chút!
Hắn dừng vẽ hỏi:
- Chuyện gì vậy chị?
- Cột kỹ lại cái dây trên phông đó cho tui phơi bộ đồ, chỗ ni cao, có nắng.
Hắn cười làm thân:
- Mỗi một bộ áo quần thôi mà chị cẩn thận quá!
Bà giúp việc nhón chân trên chiếc ghế con, móc bộ áo quần ướt nước lên dây, xoa xuýt:
- Chu choa, đồ lụa gấm chính hiệu mà chú!
Sợ hắn không tin, bà nói thêm:
- Chú không rành thì thôi, nhưng này, cái phông vẽ quá gần, chú để màu mè văng qua dính tèm nhem, nát bét bộ đồ của tiểu thư, không xong được với tui đâu nghe chú!
Hắn đứng phắt dậy, miệng há hốc:
- Tiểu thư?!
- Chớ ai vô đây - cô gái dẫn chú vào đây hồi sáng đó.
Ông tài xế thấy bộ dạng bất thường của hắn, nói xen vào:
- Bộ áo quần tiểu thư để dành đợi đến lúc về nhà chồng mới mặc đấy!
Hắn đứng lặng như trời trồng một lát, rồi lặng lẽ thu xếp đồ đạc bỏ vào xắc. Hắn cảm thấy không thể ở lại đây thêm phút nào nữa. Hắn hỏi bà giúp việc đường ra bến xe rồi chào từng người. Trước khi ra cửa hắn ngoái nhìn lại nơi mà hắn nghĩ là sẽ không bao giờ trở lại - Bên tấm phông dang dở của hắn, bà giúp việc vẫn còn đứng trên ghế, đang chăm chút vuốt thẳng bộ áo: Đôi cánh chim phượng hoàng chập chờn trên tà áo lụa vàng óng nước, chao đưa dưới nắng.
*
Từ khi James Dean chết trong tai nạn ô-tô, từ đó, những ước mơ viễn vông một thời kỳ đầu đời bầm dập của hắn kết thúc. Bỏ nghề phông màn, hắn rời thành phố vào Nam học Mỹ thuật. Sau hòa bình hắn trở lại, nơi đây đã thay đổi nhiều. Người ta lập lại trật tự nhiều thứ: Queen đóng cửa, chủ rạp đi nước ngoài sinh sống. Quân -đại-ca trở lại nghề sơn xe đò ở bến xe cũ. Không còn ai thân ở phố, hắn lững thững tìm về ngôi chùa cổ giữa khu lao động ngày nào. Giàn bầu trước nhà tăng đã dỡ bỏ thay vào đó giàn phơi mây tre, trúc.
Dưới nền phông trắng, tấm bảng mang tên "Hợp tác xã mây tre Tân Lập" trước mái nhà tăng, lão từ già yếu hơn xưa. Đôi mắt nhòa dưới hàng lông mày bạc hếu của con người nhân từ ấy ánh lên niềm vui khi gặp lại hắn. Hai bàn tay khô khe khẽ run lúc trao hắn phong thư hồng nhỏ. Lão từ cho hắn hay: "Hai năm trước, thư và hộp màu của một phụ nữ mang đến chùa nhưng không gặp hắn, nhờ gửi lại”.
Mặt sau tấm bưu ảnh in hình cây cầu vàng San Francisco, vắn tắt nét chữ mềm mại: "Em và con ở xa về ghé thăm. Mong anh vui khỏe!". Phong thư kèm theo mẫu giấy vẽ cũ kỹ, vàng ố, trên đó nguệch ngoạc mấy dòng thơ :"Nụ hôn đầu có ấm / Xin tặng nhau làm quà / Em giấu bên lồng ấp / Cho mùa đông mau qua / Anh giữ trong ngực áo / Đường trần xa, bớt xa ...".
Hắn nhận ra ngay nét cọ của mình, dù màu vẽ trên chữ trôi phai nhiều. Hắn không thể quên hắn đã gắn mẩu giấy này lên tấm phông quảng cáo phim vẽ dang dở trước khi đột ngột rời khỏi rạp chiếu bóng ở Tam Kỳ hơn mười năm trước. Lần đó, lòng tự tôn vớ vẩn giang hồ áo vải "một đi, không hề trở lại" nơi hắn đã tước mất cơ hội gặp lại "tiểu thư", con gái cưng của chủ nhà hát bóng để biết tên và trả món nợ nhỏ: Cái gì là điều kỳ quặc thứ ba của "Tam Kỳ"?
"Tiểu thư" đã không quên hắn.
Hắn từng dửng dưng, thản nhiên khi vận may trong đời bỏ rơi hắn. Hắn quên bẵng bao đêm dài đã cùng những ai đi qua đời mình.Vậy sao một chút sương mỏng, ẩm ướt giữa bờ môi thơm ngát thơ dại của cô gái mang theo đôi cánh phượng hoàng trên áo lụa vàng vờn bay trong sân khuya chùa Tịnh Độ xa xôi năm nào lại làm hắn điếng lòng; tưởng như mới chiều qua, như vừa chợt sáng. Hơi ấm xạ hương từ nửa đêm ngắn ngủi ấy cứ mãi phảng phất trong ký ức hắn, cứ đeo đẳng bên hắn suốt cả đoạn đời dài, trôi nổi!
Có lẽ trong "ba cái kỳ", đó là điều kỳ quặc cuối cùng.
Tháng chạp – 2008
Truyện ngắn của Hoàng Đặng