.

Gìn giữ hình ảnh tư liệu cho mai sau

.

Đôi khi chỉ cần một đoạn phim hoặc một tấm hình cũng có thể giúp  ta giải đáp được một  thắc mắc, tìm được một sự thật, biết được một con người, thấy được một bối cảnh lịch sử…
 

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nơi giữ gìn những hình ảnh tư liệu cho mai sau.(Ảnh tư liệu)

Cha  ông  ta  thường  nói: trăm  nghe  không  bằng một thấy. Ngày nay, với phương  tiện kỹ  thuật hiện đại, người ta có thể ghi lại cái đang nhìn thấy ấy để gìn giữ cho mai sau. Lâu nay, đã có không ít tấm gương nhà báo hoặc văn nghệ sĩ lăn lộn trong thực tiễn cuộc sống và chiến đấu của dân tộc, trong đó không ít người đã ngã xuống ở chiến trường, để ghi vào ống kính và  lưu  lại cho đời những  thước phim, tấm ảnh vô giá.

Tuy nhiên, cũng đã có không ít trường hợp, việc lưu giữ hình ảnh tư liệu chưa được coi trọng đúng mức. Có nhiều dẫn chứng cụ thể về thực trạng này. Chẳng hạn như cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 hằng năm, hầu như tất cả các Đài Truyền hình từ trung ương đến địa phương đều chiếu đi chiếu lại đoạn phim tư liệu đen trắng về buổi  lễ mừng Độc  lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Quang  cảnh buổi  lễ thật đông vui, trang trọng, hoành tráng.

Trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời đang ra mắt. Bên dưới là hàng chục ngàn người trong trang phục chỉnh tề, hàng ngũ ngay ngắn, mặt mày tươi vui. Nếu không có đoạn phim tư liệu này thì các thế hệ hiện nay và mai sau khó mà hình dung ra được quy mô và không khí của buổi lễ trọng đại ấy.

Nhưng ít người biết rằng, đoạn phim tư liệu quý giá hơn vàng đó chỉ được phát hiện trong một dịp rất tình cờ, rất ngẫu nhiên. Nhân chuyến đi công tác ở Pháp năm 1974, nghĩa là gần 30 năm sau Cách mạng Tháng Tám, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã được một Việt kiều giấu tên tìm gặp và gửi cho ông những thước phim tư liệu này. Đó là đoạn  phim tư liệu độc nhất vô nhị về buổi  lễ Quốc khánh 2-9-1945.

Những năm đầu  thế kỷ 21, trong một chuyến đi công tác ở Liên bang Nga, một nhóm phóng viên Truyền hình Việt Nam đã phát hiện ra bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường  thắng  lợi” của đạo diễn Các-men. Đây  là bộ phim tài liệu màu duy nhất về thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lãnh đạo Truyền hình Việt Nam đã lập tức cho mua bản quyền về phát trên sóng truyền hình quốc gia. Thế đấy, phải 50 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng bằng một sự phát hiện  tình cờ, ngẫu nhiên, chúng ta mới có dịp được  xem những hình ảnh chân thực về 9 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ trong bộ phim"Việt Nam trên đường thắng lợi" của đạo diễn Roman Karmen.

Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, một nữ ký giả người Đức bất ngờ  công bố bức  ảnh  chụp đúng khoảnh khắc chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng tiến vào húc đổ cổng Dinh Độc  lập ngày 30-4-1975.

Tấm hình này đã cho thấy chiếc xe tăng đầu tiên vào Dinh mang số hiệu 390 chứ không phải xe số 443 như những tư liệu ở ta đã công bố. Nó hoàn toàn thuyết phục người xem bởi tính cụ thể và sự chân thực tuyệt đối của nó. Do vậy, những người có trách nhiệm phải gấp rút thay chiếc xe  tăng  số 443 đã  trưng bày tại sân Dinh suốt 20 năm qua bằng chiếc xe số 390, đúng như thực tế lịch sử.

Thế đấy, phải mất 20 năm, cũng trong dịp tình cờ, chúng ta mới xác định và trả lại đúng vị trí của một hiện vật lịch sử vô cùng quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.Nêu những  trường hợp  trên để thấy rằng, phim ảnh là những tư liệu lịch sử rất trung thực, rất khách  quan  nhưng  chưa  được chúng ta quan tâm đúng mức. Trớ trêu thay, trong không ít trường hợp, người nước ngoài đã lưu giữ nhiều tư liệu hình ảnh lịch sử rất quan trọng và cực kỳ quý hiếm của nước ta.

Không  chỉ xa xưa, mà  thời gian gần đây, thậm chí hiện nay, việc lưu giữ tài liệu hình ảnh cũng còn nhiều bất cập. Hình như nhiều nhà báo, anh chị em văn nghệ sĩ chỉ chú  trọng phản ánh cái  tốt, cái  tích cực, cái  to  tát mà quên việc ghi lại và lưu giữ những hình ảnh chân thực của cuộc sống đời thường. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng phim Tài  liệu-khoa  học Trung ương)  quyết  định  làm một  bộ phim tài liệu về cặp nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa này.

Khi bắt tay vào việc, anh mới nhận thấy rằng, hình ảnh tư liệu về vợ chồng nghệ sĩ hầu như chẳng có gì. Rồi anh tự giải thích: “Những con người ấy mải mê sống, mải mê  làm việc, mải mê yêu thương. Họ quên mất cách giữ gìn hay nâng niu hình ảnh của mình”. Chỉ mới 20 năm mà không còn hình ảnh về cuộc đời một cặp nghệ sĩ nổi danh của đất nước, thật là đáng tiếc!Vừa qua, Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm về “Những năm tháng thời bao cấp”.
 

Một cửa hàng lương thực thời bao cấp được dựng lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Đây  là một  thời kỳ đặc biệt, diễn ra chỉ mới vài chục năm, chi phối cuộc sống của cả cộng đồng dân tộc với  những hìnhảnh mà bây giờ nhớ lại giống như trong chuyện cổ tích. Tổ chức cuộc triển lãm là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh, nhưng rất tiếc tư liệu trưng bày, nhất là hình ảnh chưa làm thỏa mãn người xem.

Nếu bổ sung những hình ảnh cụ thể,  sinh động,  chẳng hạn như một cục gạch thay cho người xếp hàng để mua gạo, mua rau; hình ảnh về một cô mậu dịch viên cửa hàng quốc doanh trong giờ làm việc đã trương tấm biển hết hàng ra phía trước để vạch vú cho con bú phía sau; cảnh người dân rồng rắn chen lấn, xô đẩy nhau tại bến tàu, bến xe thì sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.

Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Và lịch sử thì luôn là một dòng chảy, “một đi không trở lại”. Những người làm nghệ thuật điện ảnh, đặc biệt là truyền hình cần có ý thức hơn trong việc lưu giữ tư  liệu hình ảnh. Bởi có những cái rất nhỏ nhặt, rất bình thường, thậm chí rất nhạy cảm của ngày hôm nay đôi khi sẽ là những tư liệu vô cùng quý giá cho các thế hệ mai sau. Để làm được việc đó, không chỉ cần có phương tiện, thiết bị, kinh phí, mà còn cần cả lòng nhiệt
tình, lương tâm, trách nhiệm, và đôi khi cả lòng dũng cảm.

HUỲNH HÙNG

;
.
.
.
.
.