Có một con đường ở thành phố, mới mở hay mới nới rộng tôi không rõ, đi qua một lần không để ý tên, chỉ có cảm nhận là nhà cửa hai bên đường mới cất và có vẻ giàu có. Lề đường cũng khá rộng rãi, lát gạch phẳng phiu. Không hề trồng cây gì cả.
Nếu mình đối xử với cây như bạn, cây sẽ làm bạn với mình suốt đời nó, thủy chung, hiền lành, che chở và đầy yêu thương. (Ảnh minh họa) |
Dân mua bán có những niềm tin mà người ngoại đạo không nên bàn bạc làm gì. Chẳng hạn bị người nặng bóng vía mở hàng phải đốt vong xả xui. Họ tin cây to là chỗ nương náu của cô hồn các đẳng. Hoặc cây mọc trước cửa thì cản luồng tiền bạc chảy vô nhà. Cho nên trước cửa nhà họ mà bị thành phố trồng cây thì hoặc là họ “biết điều” sao cho cây được trồng nhích qua cửa nhà hàng xóm, hoặc là họ tìm cách cho cây chết đi. Người bạn nói: đâu phải ai cũng lãng mạn thích cây cỏ như tụi mình.
Chẳng lẽ cãi lại người bạn đồng minh xanh hiếm hoi này? Nhưng đâu phải lãng mạn mới thích cây cỏ? Tất cả những người tỉnh táo, sáng suốt, thực tế, khôn ngoan, có chút tri thức về môi sinh đều ý thức cây là vệ sĩ môi trường, cây là biểu hiện của sự sống, cây là yếu tố quan trọng khiến cho một mảnh đất nào đó là đất lành cho con người cư trú. Khi Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) vận động trồng 7 tỷ cây vào cuối năm 2009 thì không phải chỉ các nhà thơ trường phái lãng mạn hưởng ứng, mà là các chính khách lãnh đạo các quốc gia, các CEO những doanh nghiệp toàn cầu, những nhà khoa học… Mà thôi, mấy người đó bất quá trồng một hai cây để quay phim chụp hình cổ vũ chiến dịch.
Mục đích cổ vũ chiến dịch 7 tỷ cây không chỉ nhằm gia tăng số cây mọc trên địa cầu, gia tăng lợi ích môi trường và xã hội của cây xanh, mà còn nhằm nâng cao ý thức của con người về môi sinh. Quả thực, như bạn tôi nói, vô số người trong chúng ta gạt ngay ý tưởng mỗi người sống trên mặt đất có trách nhiệm chăm sóc một cái cây.
Thân mình còn lo chưa xong, lại phải chăm sóc vợ, chồng, con cái, có khi cả cha mẹ, anh chị em… Rảnh đâu mà bận tâm đến cây cỏ. Rảnh đâu mà quan tâm đến môi trường. Mà môi trường đổ đốn ra có phải lỗi tại riêng mình đâu! Và điều không phải là không nan giải: Trồng ở đâu? Và trồng cây gì? Chưa kể là có phải ai cũng biết kỹ thuật trồng cây sao cho cây sống và phát triển đâu!
Hồi mới hòa bình, đồng hoang đất trống mênh mông, chiến dịch trồng cây có một ý nghĩa cao đẹp: phủ xanh lại đất nước, làm đẹp quê hương. Tôi tham gia phong trào có phần bắt buộc và không mấy ý thức về môi trường: Ở trường phải theo Đoàn Thanh niên đi trồng cây, ở địa phương phải trồng cây theo chỉ tiêu phường xã giao. Làm cho có, nên đâu biết thương cây. Cây con thay vì bưng cái bầu đất thì tôi cứ nắm ngọn nắm cành mà lôi đi.
Đất thì đào cạn xợt, nhét gốc cây vô lỗ rồi ệnh đại đất tảng đá cục vô, miễn lấp lại cho cây đứng được để nghiệm thu là được. Cho nên bao công sức bỏ ra trớt quớt hết, trồng bao nhiêu cây chết bấy nhiêu cây. Nhưng có một điều tôi học được từ kinh nghiệm đó: Cái cây bám được đất để sống là chuyện khó lắm. Và con người muốn làm cái gì thành công, dù là trồng một cái cây đi nữa, cũng phải có tri thức và chú tâm vào việc mình làm, không thể hụ hợ quấy quá cho xong.
Sau nhiều phen trồng cây theo phong trào, mà thực chất là giết cây, một hôm tôi bỗng nghĩ là mình thử trồng một cái cây tử tế, cho nó sống đàng hoàng, để ít ra chứng tỏ là mình không đến nỗi đồ vô tích sự. Và bởi vì tôi cũng hơi lãng mạn, nên cũng thầm nghĩ: Cái cây mình trồng là một kỷ niệm với mảnh đất mình ở, mình còn ở đó thì nó là bạn, mình đi xa thì nó là cái ở lại đợi mình về.
Năm cuối cùng ở đại học, tôi đã chọn một góc trống gần lối mình hằng đeo cặp đi về mỗi ngày để trồng một cây ngọc lan. Tôi hì hục cả buổi chiều mới đào được một cái hố to bằng miệng thúng, sâu tới đầu gối, sàng sẩy đất thịt cẩn thận, nâng niu bưng cây ngọc lan từ vườn ươm về, đặt gốc cây vào hố, lấp lại bằng đất nhuyễn, rồi ủ gốc bằng lá khô sau khi tưới cẩn thẩn cho ướt đẫm mặt đất.
Sáng hôm sau thấy cây vẫn xanh lá, tôi mừng quá khoe ầm lên, rồi lại sợ có kẻ táy máy nhổ thử cây lên chơi - như lũ bạn hăm he - tôi cứ lượn qua lượn lại con đường đó để… canh chừng. Bạn bè nói tôi trồng cây ngọc lan mà như trồng cây si. Năm năm sau trở về trường, tôi ngẩn ngơ nhìn cây đã cao hơn mình, lá xanh ngọc, hoa trắng nõn, tôi hít thở hương hoa tưởng như hơi hướm của người yêu. Hai mươi năm sau, lúc cây đang hồi tráng kiện, cao ráo bảnh trai, thì trường mở rộng, xây công trình mới, đốn cây hồi nào tôi không hay.
Tôi không muốn tỏ ra đa cảm quá. Nhưng nỗi buồn như mất người thân khi cái cây tôi trồng biến mất trên mặt đất khiến tôi nhận ra rằng: Người ta và cây có thể hình thành một quan hệ thân thiết. Nếu mình đối xử với cây như bạn, cây sẽ làm bạn với mình suốt đời nó, thủy chung, hiền lành, che chở và đầy yêu thương.
Lý Lan