.

Chuyện về một nhà thơ đất Điện Bàn

.

Trong hơn 40 nhà thơ được “điểm danh” trong “Thi nhân Việt Nam” từ năm 1942, hiện chỉ còn “sót lại” hai người. Nhà thơ Tế Hanh người Quảng Ngãi nằm liệt giường mấy năm nay vì bạo bệnh. Nhà thơ Xuân Tâm người Quảng Nam thì lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ ở cuối một ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê, Hà Nội.

Nhà thơ Xuân Tâm và " Thi nhân việt nam ( Ảnh:VTC)

Trước Cách mạng tháng 8-1945, thế hệ học trò bậc tiểu học ở làng Bảo An quê tôi hầu như ai cũng biết bài thơ “Nghỉ hè” của nhà thơ Xuân Tâm mà nội dung rất phù hợp với tâm trạng vui tươi, hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi còn cắp sách đến trường: “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi, tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”...


Tôi thuộc lòng bài thơ nhưng chưa biết gì về tác giả. Mãi đến năm 1942, khi đọc cuốn “Thi nhân Việt Nam”, tôi mới rõ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, quê làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hóa ra ông cùng tộc, cùng phái với tôi, và theo thứ bậc họ hàng, ông gọi cha tôi (học giả, nhà văn Phan Khôi – CXXQ) bằng bác.

Mấy chục năm ngăn cách bởi hai cuộc chiến tranh, kẻ Bắc người Nam, tôi chưa có dịp gặp nhà thơ mà tôi hằng ngưỡng mộ thuở học trò. Gần đây, tôi có việc ra Hà Nội, nhờ cô em đưa đến phố Thụy Khuê thăm ông. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. So với chân dung trong “Thi nhân Việt Nam” hơn 60 năm trước, trước mắt tôi lúc đó là một ông già gần 90 xuân, nhưng tác phong, giọng nói lại còn rất trẻ. Người bạn đời của ông rót nước mời khách với giọng nói ấm áp của cô nữ sinh Đồng Khánh Huế ngày xưa, người đã làm dấy lên trong ông những xúc cảm thơ ca.

Nhà thơ kể, ông làm thơ gửi đăng báo khi còn học ở Trường Quốc học Huế. Năm 1941, sau khi về làm ở Sở Kho bạc Tourane, ông ra Hà Nội in 500 cuốn tập thơ “Lời tim non” với 250 đồng bạc Đông Dương, một số tiền rất lớn thời đó. Tập thơ ra đời, ông được bạn đọc chú ý và được hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân chọn 2 bài “Nghỉ hè” và “Xa lạ” đưa vào giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam” cùng với hơn 40 nhà thơ của phong trào Thơ mới khác.

Năm 1988, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà văn Hoài Thanh (1909-1989), ông đã cung cấp “Thi nhân Việt Nam” bản in lần đầu Nguyễn Đức Phiên (tên thật của Hoài Chân) xuất bản năm 1942 để Nhà xuất bản Văn học tái bản cuốn sách giá trị này.

Không chỉ chuyên làm thơ, ông còn là một cán bộ kinh tế tài chính của Đảng từ trong kháng chiến chống Pháp đến khi tập kết ra miền Bắc, ông về công tác ở Ban Kinh tế Chính phủ, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến khi nghỉ hưu. Vì vậy, sau “Lời tim non”, mãi đến năm 1990 ông mới xuất bản tập “Dòng thời gian”. Và năm 1999, ông lại in một tập thơ dịch từ cuốn kịch thơ Lơ Xít (Le Cid) của nhà viết kịch Pháp nổi tiếng Pie Coócnây (Pierre Corneille).

Hiện nay, thỉnh thoảng ông mới sáng tác. Hồn thơ của ông hướng về tình quê. Lúc nào trong ông cũng khắc khoải những nỗi nhớ, ông nhớ từ dòng sông, bãi cát, biền dâu đến con tằm, cái kén, nhớ đến cả những con người làm nên lịch sử quê ông một thời oanh liệt.

Năm 1995, tuổi đời đã ngót nghét tám mươi, ông viết bài “Điện Bàn quê tôi”, có đoạn mở đầu: “Ôi, nói gì đây với Điện Bàn/ Khi từng xa cách mấy mươi xuân/ Sông Hương, núi Ngự nuôi tôi lớn/ Mà máu trong tim thấm Điện Bàn”. Câu “Sông Hương, núi Ngự nuôi tôi lớn” là ý ông muốn nhắc lại thuở ông còn nhỏ, cha mẹ ông quyết định một kế hoạch làm ăn mới, đó là đưa cả gia đình ra Huế mở nhà trọ, nấu cơm tháng cho học trò các nơi xa đến ăn, ở, học hành. Nhờ vậy, anh em ông mới có điều kiện tiếp tục học lên, đỗ đạt và nên người như ngày nay...

Ông rất quan tâm đến việc học của các cháu trong họ tộc. Biết bà con Bảo An còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông thường xuyên liên hệ với những người làm công tác khuyến học ở quê nhà để biết tình hình phát triển của hội mà giúp đỡ. Tuy lương hưu của ông bà không nhiều, ông vẫn gửi về đóng góp vào Quỹ Khuyến học tộc Phan số tiền 10 triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với cán bộ hưu vào năm 2006. Ông cho biết, đó là tiền dành dụm từ đồng lương và từ nguồn con cháu biếu vào các dịp lễ, Tết.

Ghi lại những dòng này, tôi vẫn còn nhớ như in sự niềm nở chào hỏi của ông khi ông ra tận cửa đón khách. Từ ngõ vào nhà ông là một khoảng sân khá rộng, thoáng mát, sạch sẽ khiến tôi có cảm giác là mình đang đi vào một xóm nhỏ ở quê nhà...

PHAN THỊ MỸ KHANH

;
.
.
.
.
.