.
Chuyện xưa xứ Quảng

Một làng, hai danh nhân

.

Làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) có đến hai danh nhân đã đi vào sử sách. Trớ trêu thay, một người thuộc phe chiến thắng lừng lẫy tiếng tăm; người kia thì thuộc phe chiến bại đã một thời không ai dám nhắc tới...

Quan lớn Bảo Hộ

 Tượng Thoại Ngọc Hầu...

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) là một gương mặt lớn trong lịch sử nước nhà, người đã có công mở đất, đào kinh đem lại sự trù phú cho vùng Châu Đốc (An Giang), Hà Tiên ngày nay. Thế nhưng, mãi đến khi cuốn sách “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của học giả Nguyễn Văn Hầu được in lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1972, mọi người cũng chỉ biết Thoại Ngọc Hầu người làng An Lưu, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn, dinh Quảng Nam, mà không xác định rõ nay thuộc làng nào, xã nào.

Tình cờ, một hôm nhà nghiên cứu sử học Võ Hương An có dịp trò chuyện với hai bậc hào lão của làng An Hải là cụ Nguyễn Văn Trách và cụ Ðỗ Trọng Khai (tự Bút). Các cụ bảo, trong làng có lăng Quan lớn Bảo Hộ mà làng thờ làm hậu hiền, hằng năm cúng tế đàng hoàng vì ngài rất có công với làng. Cụ Bút lục ra trong số giấy tờ do ông nội cụ để lại có tờ trát của quan lớn Bảo Hộ gửi cho làng, văn bản viết bằng chữ Hán nên lâu nay không ai đá động tới.

Ông An nhờ người đọc. Tờ trát đề ngày hai mươi tháng tư năm Minh Mạng thứ tám (15-5-1827) của Khâm sai Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại gửi cho xã trưởng và hào mục xã An Hải bày tỏ sự ủng hộ nguyện vọng của bảy xã hữu ngạn sông Hàn muốn đoàn kết lập chợ để chống lại sự cạnh tranh của xã Hải Châu. Bấy giờ, ngoài chức trấn thủ đồn Châu Ðốc kiêm Trấn thủ Hà Tiên, Thoại Ngọc Hầu còn lãnh nhiệm vụ bảo hộ nước Cao Miên (thuộc địa của Việt Nam dưới triều Minh Mạng), nên ông còn được gọi là Bảo Hộ Thoại.

Từ khi tài liệu vô giá này được “giải mã”, dân làng An Hải tự hào vì Quan lớn Bảo Hộ của làng mình thoắt cái đã bước lên tầm cỡ quốc gia. Còn ông An thì, qua khảo sát thực địa, cũng chứng minh rằng lăng Quan lớn Bảo Hộ (như lời các cụ làng An Hải gọi) chính là lăng của thân phụ Thoại Ngọc Hầu. Xiết đỗi vui mừng khi phát hiện ra những tài liệu chưa hề được công bố, ông An liên lạc và cung cấp chúng cho học giả Nguyễn Văn Hầu để ông này có tài liệu bổ sung cho tác phẩm khi tái bản.

Kể lại chuyện này trong bài viết “Chuyện Đà Nẵng chưa ai kể” (đặc san Quảng Nam - Đà Nẵng, xuất bản ở Hoa Kỳ, 2000), tác giả Võ Hương An gửi gắm: “Tôi muốn đứng giữa làm gạch nối Châu Ðốc và Ðà Nẵng, để hai bên, những người còn mang nặng lòng tri ân và tưởng nhớ tới Thoại Ngọc Hầu, có thể gặp gỡ nhau mở rộng tình tương thân tương ái giữa hai quê hương cùng một danh nhân”.

Sinh Nguyễn tử Trần

 ... và mộ Trần Quang Diệu hiện ở gần nhau trong Nhà thờ Tiền  hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. (Ảnh: V.T.L)

Theo lời cụ Bút, làng An Hải còn có mộ danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu (1746-1802). Tướng Trần Quang Diệu và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã một thời gian dài “gây khó khăn” cho kế hoạch tiêu diệt Tây Sơn của Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này). Vì vậy, khi bắt được cặp vợ chồng anh hùng đáng sợ này, vua Gia Long không những đã hành hình họ mà còn tàn sát thân nhân của họ bằng án tru di tam tộc.

Theo lời kể của con cháu họ Trần trong làng, lúc đó, khi nghe tin dữ từ kinh đô Huế, có người đã vội vã về làng An Hải báo tin. Do vốn có cảm tình với người họ Trần nên hương lý và dân làng đều tìm cách giúp đỡ, một số người đào thoát khỏi làng, thay tên đổi họ, lánh nạn phương xa; số còn lại vì nhiều lý do không muốn rời làng đều cải sang họ Nguyễn. Nhờ đó, lệnh truy nã ban ra đã không giết được ai là người họ Trần. Vì sự sống, bất đắc dĩ phải mang họ Nguyễn, nhưng khi chết tất cả đều lấy lại họ Trần để không mất gốc, tạo nên một tập tục mà hết thảy con cháu đều phải tuân theo gọi là "Sinh Nguyễn tử Trần".

Khi Ðà Nẵng thành “nhượng địa” của Pháp, cái án treo lơ lửng trên đầu người họ Trần làng An Hải không còn nữa, một số đã phục hồi dòng tộc Trần của cha ông, số còn lại vẫn giữ tục “Sinh Nguyễn tử Trần”.

Hai trong một

 Khu lăng mộ  Thoại Ngọc Hầu tại An Giang.

Đã hơn 2 thế kỷ từ ngày tướng Trần Quang Diệu qua đời, tròn 180 năm ngày Thoại Ngọc Hầu tạ thế. Thăng trầm lịch sử và biến thiên xã hội đã đưa hai con người ở hai chiến tuyến này gần lại với nhau. Ngày 28-3 này, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu ở phường An Hải Tây sẽ được khánh thành. Đến viếng công trình văn hóa đặc sắc này, khách có thể ghé thắp nén nhang nơi mộ Trần Quang Diệu, rồi chiêm ngưỡng tượng Thoại Ngọc Hầu gần đó. Hai người con của làng quê An Hải xưa giờ hẳn đã hiển thánh, in dấu ấn vào trái tim người đời sau bằng tự tình quê hương, dân tộc không chút tị hiềm...

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.