Địa danh Chợ Được đã được du khách gần xa biết tiếng qua câu chuyện đượm màu truyền thuyết cùng với Lễ hội Rước cộ Bà mang dấu ấn văn hóa đặc trưng một vùng đất.
Lăng Bà Chợ Được được trùng tu năm 1968. (Ảnh: P.V.B) |
Dân gian kể rằng, sau khi tạ thế, hồn Bà Phường Chào chu du khắp nơi. Năm Tự Đức thứ sáu (1853), nhân một chuyến vân du qua làng Phước Toàn, tổng An Thành Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thôn 3 – Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), thấy phong cảnh hữu tình, bà có ý muốn dựng chợ để dân tiện mua bán, trao đổi hàng hóa. Bà liền hóa thân thành một thiếu nữ vừa bán trầu, đổi nước cho khách vãng lai ngược xuôi qua đó, vừa chữa bệnh cho người đau ốm, trị tội bọn tham quan ô lại ức hiếp dân lành. Người qua kẻ lại ngày một đông, nơi này dần dần phát triển thành chợ.
Để tưởng nhớ công ơn bà, người dân Phước Ấm đã lập lăng thờ gọi là Lăng Bà Chợ Được, gọi chợ do bà lập là chợ Bà, sau đổi thành chợ Được (chữ Hán là “Đắc thị” - có nghĩa là chợ Được). Dân gian còn truyền nhau câu ca: “Chợ Được lắm cá nhiều tôm/ Lỡ buổi chiều hôm, đi về chợ Mới”.
Theo các vị cao niên, lăng Bà được dựng vào năm Tự Đức thứ ba (1850) trên một dải đất rộng, lúc đầu chỉ một gian bằng tranh tre; năm 1875, nâng lên thành 3 gian, xây gạch, mái ngói. Năm 1968, dân làng chung góp trùng tu tôn tạo lại như hiện nay. Lăng được xây theo lối kiến trúc đình làng cổ, trên nóc lăng có 4 chữ “Thần nữ linh ứng”. Trước lăng có hai trụ biểu với những cánh sen cách điệu và câu đối: “Phước linh lập thị quy dân hiệp; Ấm địa danh thành vạn đại lưu”.
Trong lăng có Thần vị thờ Bà với long ngai và hình nộm Bà bằng vải đỏ thêu màu sắc sặc sỡ; chân mang hài, đầu cài vương miện, hai bên có hai chiếc quạt to hình trái tim. Ở bàn án có thờ cây bút bằng gỗ màu đen, tương truyền ngày trước Bà dùng cây bút này giáng cho ông đồng để người này kê đơn chữa bệnh cứu người. Lăng Bà Chợ Được đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 31-12-2008.
Ngày 20 tháng 9 năm Giáp Ngọ (Thành Thái thứ sáu - 1894), bà được truy tặng sắc phong “Thần nữ linh ứng – Nguyễn thị đẳng thần”, ân ban cho 2 đồng kim tiền, một đồng “Tứ Mỹ” thờ ở lăng Bà Phường Chào tại Phiếm Ái, một là “Tam Thọ” thờ ở lăng Bà Chợ Được. Năm sau, vua sai người về trao khăn nhiễu, lụa, vải, bạc cho làng Phiếm Ái và cúng lễ lăng Bà tại chợ Được. 5 năm sau, vua sắc phong bà là “Trai thục Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần”. Đến năm Khải Định thứ mười hai (1927) truy tặng bà “Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”.
Từ những lần rước sắc phong được tổ chức rất long trọng này, hằng năm đến ngày 11 tháng Giêng âm lịch (ngày phong sắc đầu tiên cho Bà), dân làng tổ chức tế lễ và “khoe sắc” - ngày truyền thống của địa phương. Người dân quanh vùng còn truyền nhau câu ca: “Hằng năm mười một tháng Giêng/ Chung cộ hát bộ, đua thuyền tri ân”. Vào ngày này, người dân Bình Triều và các xã lân cận tổ chức Lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được. Lễ gồm hai phần; phần lễ gồm lễ rước sắc, lễ cúng đất đai, lễ cúng Bà; phần hội có hội rước cộ, hội đua thuyền, hát bộ, trò chơi dân gian...
Rước Cộ Bà là nghi lễ cuối cùng trong quá trình lễ hội, được tổ chức vào tối ngày 11 tháng Giêng âm lịch. Kiệu Bà được sơn son thếp vàng, trên phủ lễ phục bằng gấm đỏ, được cung nghinh trân trọng do 6 người khiêng. Cộ được rước từ lăng Bà, đi một vòng quanh chợ, mở đường là đoàn múa lân, các cộ lớn nhỏ; tiếp đến là phường bát âm cùng cờ phướn, tán lọng.
Câu chuyện về Bà Chợ Được cùng với lễ hội rất riêng này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Nam, tô thêm sắc màu cho hoạt động lễ hội của cả nước.
PHẠM VĂN BÍNH