.
LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM 2009

Soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc

.

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức thường niên vào ngày 19-2 âm lịch tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn- Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15-3 (các ngày 17, 18, 19 tháng 2 âm lịch), do UBND quận trực tiếp tổ chức, quản lý với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công an, Ban Tôn giáo thành phố, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng.

Một góc lễ hội Quán Thế Âm.

Theo truyền thống, phần lễ sẽ được tổ chức mang màu sắc lễ nghi Phật giáo với các nội dung: Lễ rước ánh sáng gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh; Lễ khai kinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc; Lễ trai đàn chẩn tế để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh; Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng;

Lễ rước Quán Thế Âm, Ông Tổ nghề đá và Bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia sẽ diễn ra trong ngày 19-2 âm lịch. Các kiệu được khiêng từ trên chùa Quán Thế Âm, đi xuống thuyền và chạy quanh sông Cổ Cò. Lễ này nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn  trên sông nước được thuận lợi, bình an, nghề đá Non Nước tiếp tục được duy trì và phát triển…

Phần hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như kéo co, đẩy gậy, thiền trà, văn hóa ẩm thực, hô hát bài chòi, biểu diễn trống hội và múa trình tường, rước cộ, hóa trang, thả hoa đăng, thiên đăng trên sông…

Ngoài các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, thì hội đua thuyền năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của đội đua các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trong thời gian diễn ra lễ hội có hội thi sáng tác tượng đá mỹ nghệ Non Nước tại Nhà văn hóa truyền thống phường Hòa Hải, khai mở và xác lập kỷ lục Bức tranh với chủ đề “Đà Nẵng- thành phố môi trường” làm bằng lon bia đã qua sử dụng có kích thước lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay (15m x 3m).

Điểm nhấn mới lạ và hấp dẫn nhất trong lễ hội năm nay có thể nói là Triển lãm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích trong suốt, có tên gọi “Phật Ngọc cho hòa bình thế giới”, tính cả tháp tòa và đài sen cao gần 4m, nặng 4.650kg. Bức tượng do ông IaGreen, Giám đốc Công trình tòa bảo tháp Australia chế tác và đã được triển lãm tại các thành phố của châu Á, châu Úc…
 
Ngoài ra, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm đá của các nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước chế tác và chứng kiến cuộc so tài viết thư pháp về đề tài hình tượng con trâu vàng Kỷ Sửu. Đặc biệt, các thư pháp gia Đà Nẵng sẽ trổ tài thư họa bộ tranh thiền nổi tiếng “Thập mục ngưu đồ”. Bên cạnh đó, năm nay Hội thi cờ tướng (cờ người) cũng được tổ chức cùng với Hội thi hát hò khoan đối đáp trên sông Cổ Cò, Hội hoa đăng với quy mô lớn. Đây là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống tốt đẹp hơn.

Với mục tiêu nâng quy mô lễ hội năm sau lớn hơn năm trước, đồng thời tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong phần hội, Lễ hội Quán Thế Âm năm 2009 sẽ góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.