Tách khỏi người anh lớn Quảng Nam, đô thị Đà Nẵng tưởng là quá nhỏ, bỗng lớn phổng lên, cường tráng! Phố xá Đà Nẵng bây giờ thuộc loại khang trang bậc nhất. Slogan sáng, xanh, sạch, đẹp đã phát huy hiệu quả. Ông bạn tôi - một quan chức ở đô thị đối tác, vốn nổi tiếng “khó và kiêu” thế mà phải ồ lên thán phục khi ngang qua phố phường Đà Nẵng những ngày Xuân vừa qua, đèn hoa lộng lẫy, tưng bừng! Nhưng người Đà Nẵng vẫn còn nhiều nỗi lo toan, và thường trực những khát khao đẹp đẽ.
Đường ra Bãi Bụt - Sơn Trà.
Cảng thị
Hàng trăm năm trước, cha ông ta đã chớp thời cơ để lại cho đời sau một đô thị trẻ trung, sầm uất bên bờ sông Hàn, thay thế cho Cửa Đại-Faifo vang bóng một thời đang lui dần vào quá khứ.
Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, cướp vàng Bồng Miêu…
Nhờ cửa sông lớn, cửa biển rộng mà có cảng to và phố đẹp bây giờ.
Cảng Đà Nẵng cũng có lúc lên, lúc xuống, như thời tạm chiếm chỉ để nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự phục vụ chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Đến ngày đất nước hòa bình, cũng có lúc rộ lên nhờ xuất nhập hàng quá cảnh cho nước bạn Lào và làm bến trung chuyển xe Liên Xô viện trợ, về phân phối cho cả nước... Tất nhiên, so với thời cũ thì cũng đã làm nhiều việc và dáng vóc đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng hình như một cảng biển quốc tế hoành tráng mà ít hàng, tàu bè ít qua lại thì quá uổng!
Cảng thị mà hàng không nhiều, phố không đông, không có khách thương hồ, lãng tử qua lại lao xao... Cảng thị thì phải ồn ào tấp nập, trên bến dưới thuyền í ới sáng đêm, chưa nói đến phố cảng thời mở cửa du lịch với nhiều sắc màu nhộn nhịp, tàu lớn, thuyền nhỏ dập dìu, lượn lờ trên sông, trên biển... và du khách và phố xá… Sông rồi cạn. Đá rồi mòn. Biển rồi cũng hẹp... Năm tháng qua đi, có ai tiếc nuối và cảm thấy hoài phí thời gian vàng bạc?
Biển đẹp
Mặc dù sống ngay trên nhà chồ của biển từ nhỏ, nhưng chỉ biết sợ biển và trốn chạy, nhất là những lúc biển cả nổi giận, có lần sóng to lôi cả gia sản nhà tôi, cả xóm vịnh Xương Bình thuở ấy ra biển, phải chạy lên phố, tản cư. Bây giờ không biết có phải do biển cả hiền hơn hay con người táo tợn mà khắp nơi cứ nháo nhào đổ xô ra biển. Nơi thì lấn biển, nơi thì kè sông, nơi lấp hồ, nơi chia lô bán đất.
May mắn làm nghề du lịch được đi lại nhiều nơi, ngó nghiêng đủ kiểu từ Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò,... ngoài Bắc cho đến Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Cà Ná, Cam Ranh... không nơi nào biển đẹp như ở quê mình, cát trắng, nước trong, bờ rộng, gió lành... Thế giới cũng đã thừa nhận, nói mãi có khi thành “chảnh”. Việc của mình bây giờ là làm sao giữ cho được cái đẹp ấy của biển cả quê hương... Như chị công nhân cần cù lọc cát mỗi ngày, các cụ già thể dục vừa đi... vừa nhặt rác mỗi sáng!
Mọi người yêu biển, xin mỗi người hãy góp một tay, vì biển xanh Đà Nẵng!
Hội hè, phố xá
Đà Nẵng là phố bên sông. Chài lưới, sông nước chắc là nghề nghiệp đầu tiên của cư dân Thọ Quang, Mân Thái, Hải Châu, Nại Hiên,Thanh Khê... Đà Nẵng.
Lễ hội Cầu Ngư vẫn được tổ chức thường xuyên vào dịp đầu năm ở các đình làng ven biển, để tưởng nhớ người xưa và nghề cũ, vì bây giờ cũng ít người theo nghề và đánh bắt cũng đã hiện đại và xa bờ lắm rồi... hình ảnh chiếc ghe bầu, thúng lắc... chắc cũng không còn bao lâu nữa!
Nên chăng, Cầu Ngư sẽ là ngày hội truyền thống hằng năm của cả cộng đồng dân cư Đà Nẵng với đủ sắc màu của thời lập làng, lập phố... trên bến dưới thuyền...
Ra khơi và trở về
Làm ăn và hội hè... đua thuyền, đẩy gọ...
Phố xưa và phố nay, người cũ, người nhà và lữ khách...
Ước gì cả cộng đồng gần một triệu dân thành phố hòa vào nhau, tươi vui, chan hòa trong ngày hội Cầu Ngư... sẽ thành phần hồn, phần nền cho sự thăng hoa của ngày Hội lớn Pháo hoa 29 tháng 3 Đà Nẵng hằng năm?
Giao Đằng