.
Tản văn

Lời cám ơn rất muộn

Tôi là một người đàn bà viết văn và yêu nhạc.

Tôi nghe vào bất cứ khi nào có thể. Không câu nệ là nhạc cũ hay mới, già hay trẻ, có lời hay không… Cũng chẳng phân biệt là của ai. Thích thì nghe! Thấy hay thì nghe. Mà đã nói đến chuyện hay, dở là phải thẩm định rồi. Mà tôi lại không thế! Bởi đã luôn nghe nhạc trong một tâm thế hoàn toàn cởi mở, tự do. Có nói hay ấy cũng do hồn nhiên. Có bảo dở thôi thì cũng xí xóa cho bởi cũng vì… hồn nhiên thái quá.

Từ lúc biết nghe nhạc ấy cũng là lúc tôi hát nhạc. Nghe có thứ hạnh phúc của nghe. Hát có những sướng thỏa của hát. Nghe là đưa nhạc vào trong mình, chìm ngập hoặc thổn thức. Và hát đó là cách phơi tỏ, tung đẩy ra khỏi mình những hờn đau tức tưởi, những ngọt ngào, yêu thương… Ấy là sự thể hiện tôi qua những ngôn từ, giai điệu của một ai đó khác.
 
Một ai đó mà ở lúc ấy, giữa hoàn cảnh ấy trong tâm trạng ấy tôi thấy đồng điệu. Nghe, hát và một hôm tôi thèm được viết ra những trải nghiệm, cảm xúc của mình. Khởi đi cho những sáng tác có liên quan đến âm nhạc của tôi có nguồn cơn như thế đó! Và mừng bởi những bài viết của tôi ở lĩnh vực này luôn được bạn đọc đón nhận. Và ông: Trịnh Công Sơn, là người nhạc sĩ luôn gợi mở trong tôi những cảm hứng.

Còn về cái sự nghĩ, sự viết thì có khi còn điềm tĩnh, nhẩn nha mà cũng có khi thật nhanh và rất vội. Một ý tưởng nào đó thoắt bừng lóe, khi được âm nhạc Trịnh Công Sơn dẫn đưa và trong tích tắc ước muốn được viết bật dậy. Cứ như thể chẳng đặng đừng. Mà thử nấn ná coi. Thử trì hoãn coi, có được? Bởi những trăn trở ấy, những nỗi niềm những ngẫm ngợi rồi sẽ còn trở lại. Trở lại mãi. Cho tới khi tôi đã hoàn thành xong sáng tác của mình mới thôi!

Giả dụ như với bài “Qua đi niềm tuyệt vọng” là thế này đây:

Thi thoảng trong cuộc đời mình, tôi đã chạm trán với sự tuyệt vọng hay là gần gần như thế. Đó là khi tôi ôm một nỗi đau không cách gì chịu đựng nổi. Một sự mất mát không lấy gì bù đắp. Một đổ vỡ không thể nào hàn gắn… Tôi bỗng mệt mỏi đến mức hết còn muốn đương đầu, trở nên mong manh yếu đuối đến vô cùng và buông xuôi. Vào những thời điểm ấy không hiểu sao có một câu hát của Trịnh Công Sơn bỗng rơi vào tôi.

Câu hát: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng…”. Chưa đủ, khi đã yên vị trong tâm hồn tôi rồi câu hát ấy vẫn không chịu làm thinh. Cứ mãi miết trở mình cứ cựa quậy, khi hoài hoài ngân nga, ngân nga… “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Ban đầu, tất nhiên, là tôi bướng ngang không chịu tiếp nhận nhưng rồi cứ thấy mình thỏa hiệp lần lần cùng với mỗi ngày dần qua nỗi sầu khổ cùng bao khốn nhục ê chề trong tôi dần dần rơi rớt. Và thật bất ngờ, một hôm, tôi nhận ra lòng mình đã hết nặng nề u ám, đã thôi không buồn rầu, đớn đau. Đã có vẻ nhẹ nhõm khi nhìn đời sống vây quanh với bao điều mới mẻ tươi tắn. Chính mình mà cũng rất lạ cho mình trước đây nữa là… Và rất sướng vui, khi thốt lên: “Tôi là ai? Là ai? Mà yêu quá đời này.

Còn với: “Cuối năm và một câu hát dở chừng” thật ra tôi viết cho một người phụ nữ mà mình đã quen biết. Một người đã từng có một chỗ ở với một đời sống có đôi. Và đã quen với thứ hơi thở và không gian có hai người, dẫu đôi hồi làm ngột ngạt. Và đã chán, đôi khi và cũng đôi khi thả buông mình ra khỏi nơi ấy để rong ruỗi đâu đó. Nhưng rồi háo hức qua, thèm muốn hết. Thấy ngán ngẩm những cuộc vui chơi, gặp gỡ xô bồ…

Những bất định khiến lòng mệt mỏi đã vậy tết lại cận kề. Tết làm chạnh thêm sự trơ trụi, làm gợn thêm nỗi đời riêng. Một dấu mốc thời gian khiến mình tha thiết nhớ về nơi chốn cũ và… một người. Người, đã có lúc hóa giải cho mình bao nhiêu là phiền muộn và cũng đem đến cho mình rất nhiều cay đắng. Người đã cùng mình sẻ chia và cộng hưởng bao sướng, khổ, lao nhọc và thảnh thơi… Tôi tìm thấy trong mắt chị bao điều và trên tất cả là vô vàn những thèm khát được trở về.

Thốt nhiên một câu hát của Trịnh Công Sơn ùa tới. Câu hát ấy là thế này: Nhiều đêm muốn đi về con phố xa. Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà…”. Và tôi hát: “Lời thiên thu gọi”. Tôi thuộc hết cả bài nhưng tắt giọng ở mấy câu trên ngay phần điệp khúc. Chị khóc. Rồi sau tất cả, chị cũng khóc được và bỏ đi. Dáng chị lủi thủi dưới bãi sáng đó và biển chạp rợn lạnh và câu hát dở chừng… mãi ám ảnh tôi.

Vậy giữ lại để mà chi? Và như thế đó! “Cuối năm và một câu hát dở chừng” đã được viết. Rồi còn những bài khác nữa cũng bởi nhờ âm nhạc Trịnh Công Sơn mà được góp mặt. Như thi thoảng tôi cũng đã có thể bắt đầu một truyện ngắn của mình bằng nhạc Trịnh. Và như vậy đó khi kết thúc. Tôi nghĩ nào chỉ có riêng mình. Họa sĩ Phạm Mùi chẳng hạn. Cách đây mấy năm ông đã dành rất nhiều thời gian để nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn, đọc và nghiền ngẫm những tài liệu, bài viết về Trịnh để rồi sáu mươi ba tác phẩm hội họa đã hoàn thành với tên gọi chính là tên các ca khúc. Ông đã cố ý dừng công trình nghệ thuật này ở con số sáu mươi ba (Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 và mất năm 2001 lúc ông sáu mươi ba tuổi).

Thì tôi: Người đàn bà viết văn và yêu nhạc. Đã có đôi lần bấu víu vào âm nhạc Trịnh Công Sơn để mà viết, âu cũng lẽ thường tình. Như bây giờ đây khi gần đến ngày 1-4, tròn 8 năm ngày ông mất, tôi viết bài này. Như lời cảm ơn hết sức trễ muộn với vong linh ông. Người nhạc sĩ đã có lúc ví mình: “Tôi là con chim nhỏ ngồi hót chơi trên đầu những ngọn lau”. Ông đã ngừng cất tiếng và tôi sẽ mãi còn hụt nghiêng chới với trên cánh đồng bất tận của riêng mình.

Nguyễn Mỹ Nữ

;
.
.
.
.
.