.

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu

.

Với công lao to lớn trong suốt nửa thế kỷ cống hiến của mình, tên tuổi của Nguyễn Văn Thoại - Thoại Ngọc Hầu (1761- 1829) đã  gắn liền với tên sông, tên núi, làm rạng danh cho quê hương, cho dân tộc. Nhân dịp UBND thành phố Đà Nẵng khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), Báo Đà Nẵng xin giới thiệu tổng quan về di tích lịch sử cấp Quốc gia này.

Nguyễn Văn Thoại (1761-1629)

Tọa lạc bên hữu ngạn sông Hàn, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải được nhiều người biết đến không chỉ là ngôi nhà thờ của một làng rộng lớn, có lịch sử lâu đời trên đất Đà Nẵng; ở đây còn là nơi tế tự một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương An Hải, đó là Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại.

Mặc dù rời quê hương làng An Hải từ thuở nhỏ, lớn lên công thành danh toại nơi xa hương, Thoại Ngọc Hầu vẫn không nguôi nỗi nhớ quê nhà, nơi đã in dấu chân ông thuở bé thơ. Ông đã thể hiện tình cảm với quê hương bằng những việc làm cụ thể. Đó là việc tiến hành xây lăng mộ ông bà nội và cha trên đất An Hải, trực tiếp khảo sát, chỉ đạo lập lại chợ Bà Thân và phụng cúng, giúp đỡ dân làng xây dựng lại đình, đền, miếu mạo…

Thực ra, chuyện xây lăng mộ cho các đấng tổ tiên sinh thành là lẽ thường tình, hơn nữa, dưới chế độ phong kiến, việc một vị quan trấn thủ lo chuyện hiếu hỷ ở quê nhà là hoàn toàn không khó. Nhưng vì mải lo việc công, cho nên đến cuối đời, khi đã tạm hoàn thành “đại hiếu”, ông mới thực hiện việc xây lăng mộ tổ tiên nơi quê nhà.

Theo truyền khẩu, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải lần đầu tiên được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 16, bằng tranh tre, nứa lá. Sau hơn 300 năm, nhiều lần thay đi dựng lại, đến năm 1827, nhà thờ lần đầu tiên được cất dựng bằng kết cấu nhà gỗ bề thế theo kiến trúc cổ truyền của nhà xứ Quảng. Đấy là nhờ ân đức Thoại Ngọc Hầu trong lần về thăm quê. Ngoài việc cúng tiền, ông còn cho người vận chuyển gỗ từ Biên Hòa về để dựng lại nhà thờ.

Cảm phục công trạng của ông - một người con làm rạng danh quê hương An Hải, lại là người nặng nghĩa với quê hương, nên sau khi ông mất (1829), nhân dân làng An Hải đã lập riêng một ngôi đền thờ ông, bằng gạch vôi, nằm sát bên tả của nhà thờ Tiền hiền làng An Hải. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1974, khi tiến hành tu sửa lại nhà thờ Tiền hiền, dân làng đã quyết định nghinh thỉnh linh vị của ông đặt vào ngay tại gian giữa tòa đại điện của nhà thờ tiền hiền làng. Sau ngày giải phóng, nhân dân làng An Hải vẫn luôn chăm chút, quét dọn, tu sửa kịp thời các chi tiết kiến trúc bị hư hại tại nhà thờ.

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần đến thăm và dâng hương Thoại Ngọc Hầu. Nhằm phát huy giá trị của di tích và để xứng đáng với công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu, đầu năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng công trình phục hồi, tôn tạo di tích trên diện tích 4.250m2, tổng kinh phí đầu tư gần 7 tỷ đồng từ nguồn vốn Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, với nhiều hạng mục như: Đền thờ, tượng danh nhân Nguyễn Văn Thoại, mộ Hà Thị Thân và Trần Quang Diệu, bàn thờ Tiền hiền và Hậu hiền, tả vu, hữu vu, hồ nước, tôn tạo cảnh quan sân vườn, xây tường rào…

Toàn cảnh Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu..

 

Sau hơn một năm gấp rút thi công, công trình đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh khẳng định, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu không chỉ là một công trình có ý nghĩa to lớn về văn hóa lịch sử, mà còn là địa điểm nghiên cứu, tham quan, du lịch quan trọng, hấp dẫn, góp phần vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ và nhân dân thành phố Đà Nẵng tinh thần yêu nước, yêu quê hương, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của bao thế hệ đi trước, qua đó thể hiện lời tri ân của người Đà Nẵng hôm nay đối với di sản của tiền nhân.

Ông Lê Đức Ngọ, 74 tuổi, Trưởng Ban Khánh tiết làng An Hải, đại diện Chư tôn tộc (36 chư phái tộc làng An Hải) phấn khởi cho biết: Nhờ công lao to lớn và công đức trời biển của Nguyễn Văn Thoại - Thoại Ngọc Hầu mà con cháu làng An Hải được vinh danh nghìn đời. Chúng tôi sẽ giáo dục con cháu noi gương các bậc tiền nhân để cùng nhau xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.
                  
Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.