.
Tưởng niệm 8 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1-4-2001 – 1-4-2009)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và... phở

.

Giống như phở, các ca khúc của Trịnh Công Sơn có một cuộc sống rất mãnh liệt. Không biết bao nhiêu người đã và đang nghe Trịnh như đã và đang ăn phở. Nghe Trịnh Công Sơn vào lúc nào cũng được, không chỉ sớm, trưa, chiều, tối, khuya mà ngay cả lúc đang học bài, đang làm bếp, khi đã chui vô mùng...

 

Phở hiện hữu trên đời với những điều tưởng chừng như nghịch lý. Thứ nhất, phở rõ ràng là món quà xa lạ với người nước ngoài, đặc biệt người phương Tây, nhưng một lần thử món phở là người ta phải lòng nó ngay. Thứ hai, người Việt Nam hầu như không ai không mê phở, nhưng lại không ngừng cãi nhau về nó. Tái hay chín, nạm hay gầu, bò hay gà? Đấy là chưa kể khi vào Nam phở lại ăn kèm với rau húng, giá trụng, hoặc cho thêm vào một cái lòng đỏ trứng gà. Thứ ba, cãi thì cứ cãi nhưng ăn thì... vẫn cứ ăn! Vừa sở hữu những đặc điểm riêng không giống với bất cứ món ăn món quà nào, vừa được đông đảo thực khách chấp nhận, phở như thế đã đạt tới trình độ văn hóa rất cao, xứng đáng cầm tấm hộ chiếu ẩm thực Việt chu du thiên hạ.

Nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân đã có một thiên bút ký nhớ đời về phở. Phải yêu đất nước lắm, phải yêu phở lắm, phải tài năng và tinh tế lắm mới có thể viết tuyệt hay như thế về phở. Tôi xin trích vài nhận xét về phở của tác phẩm nổi tiếng này: “...Phở ăn vào bất cứ lúc nào cũng thấy trôi được, sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào ăn cũng được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm ấm trà cùng thưởng thức với bạn bè, hình như không ai nỡ từ chối một người quen rủ đi ăn phở... Phở còn tài tình ở chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có ý nghĩa thâm thúy”.

Vừa đọc cụ Nguyễn Tuân, vừa nghe nhạc Trịnh Công Sơn, bất chợt một sự liên tưởng lạ lùng xuất hiện trong tôi: cụ Nguyễn viết về phở mà cứ như viết về... các ca khúc của Trịnh Công Sơn! Để kiểm tra lại liên tưởng của mình, tôi thử thay chữ phở trong thiên bút ký bằng chữ Trịnh Công Sơn. Tôi làm thêm một việc nữa là chuyển sự cảm nhận của cái lưỡi sang cho cái tai. Kết quả làm tôi hết sức ngạc nhiên: Tôi đã không sai lầm!

Thì giống như phở, các ca khúc của Trịnh Công Sơn có một cuộc sống rất mãnh liệt. Không biết bao nhiêu người đã và đang nghe Trịnh như đã và đang ăn phở. Nghe Trịnh Công Sơn vào lúc nào cũng được, không chỉ sớm, trưa, chiều, tối, khuya mà ngay cả lúc đang học bài, đang làm bếp, khi đã chui vô mùng... Trong một ngày không chỉ nghe một lần mà nghe cả chục lần vẫn không thấy chán...

Và giống như phở người ta cãi nhau.

Không thấy cãi nhau bún giò tiệm nào ăn được, tiết canh quán nào ngon, xôi vò gánh nào mềm...? Cũng có nói qua qua rồi thôi. Nhưng với phở thì khác. Người nhất quyết phải ăn phở Bát Đàn, người khăng khăng phở Thìn mới ngon, lại có người thích phở 2000. Nguyễn Tuân chỉ dùng phở bò và dùng chín. Vũ Bằng chấp nhận cả bò cả gà. Cái quán phở ở ngõ Đỗ Hạnh gần ngã tư Khâm Thiên khéo chiều khách. Con gà có bao nhiêu bộ phận ăn được thì quán có từng ấy loại phở. Ông này kêu phở đùi, bà kia gọi phở lườn, cô cậu nọ khoái lòng... Rồi hăng tiết lên, người ăn sục cả vào bếp. Trong thùng nước phở ấy, sá sùng, gừng nướng, thảo quả, hoa hồi, quế chi - cho vào bao nhiêu, lúc nào? Cái miếng nạm thơm thơm ấy, thái sao cho đẹp? Cái bánh phở thái bằng tay khác thái bằng máy ra sao? Rằng bánh phở thật ngon phải làm từ gạo thu hoạch từ chân ruộng phù sa non...

Nhưng phở thì có nhiều hàng, còn ca khúc Trịnh thì chỉ là... của riêng Trịnh và lại bài nào đã trình làng cũng đều hay, nên người ta cãi nhau về vấn đề... ai hát nhạc Trịnh hay hơn! Người Việt mình thích nghe hát, không vùng miền nào không có những làn điệu dân ca hớp hồn người nghe. Và rồi còn hát Tuồng, hát Chèo, hát Cải lương. Người Việt mình thích thơ và hình như ai cũng làm thơ ít nhất một lần trong đời. Ca từ trong các ca khúc của Trịnh là thơ hoặc gần với thơ, bộc lộ nỗi niềm riêng, tỏ bày thân phận cá nhân.

Giai điệu ca khúc giản dị, tình nhân với ca từ. Một cách nào đó, cùng lúc cả hai niềm say mê của người Việt gặp nhau và hòa làm một trong Trịnh Công Sơn. Người nghe Trịnh nhiều và người hát Trịnh cũng nhiều. Ca sĩ nào cất lên được “tiếng lòng” của người nhạc sĩ chính là người thành công. Đối với riêng tôi thì chỉ có một người, và đó là Khánh Ly. Dường như Khánh Ly không hát, không biểu diễn, trước chị không là đám đông thính giả. Khánh Ly đang độc thoại. Chị đang thủ thỉ thì thầm, đang giãi bày lòng mình...

Nhưng đấy là cảm giác của cá nhân tôi. Ví như tôi nghiện phở, và cũng chỉ phở chín, theo kiểu truyền thống. Còn thì, tôi không dám nói các bát phở khác của tiệm này quán kia, kém ngon!

HOÀNG

;
.
.
.
.
.