.

Ẩn dụ từ con chữ và nét vẽ

.

Thư và họa không còn lằn ranh. Con chữ và nét vẽ hòa nhập đâu đó trong cõi tâm. 32 bức tranh và thư pháp mở ra cùng lòng người những sắc màu ẩn dụ, khi tiếng chuông chùa thong thả dìu bước chân khách hành hương với âm ba đầy thiền vị.

Ẩn dụ từ chữ “Nhẫn”.

Khách đến viếng chùa Phước An Tân Thái trong những ngày giữa tháng 3 âm lịch này không quên ghé lại phòng triển lãm của họa sĩ Huy Thanh. Người họa sĩ chuyên vẽ tranh thủy mặc này, trước khi vào Sài Gòn học, đã một thời có nhiều kỷ niệm với ngôi chùa cổ được xem là gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo Đàng Trong ở Quảng Nam. Chùa được xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII, được đại trùng tu lần đầu vào năm 1958, trùng tu lần thứ hai vào năm 2009. Đến nay, chùa đã trải qua 18 đời trụ trì, giám tự, quản tự. Mặc dù chùa hiện tọa lạc trên địa bàn phường Mân Thái, quận Sơn Trà, nhưng chùa có tên là chùa Tân Thái, tên xưa là chùa Phước An.

Xưa, chùa treo nhiều câu kinh, lời kệ của nhà Phật. Cậu bé Thanh ngày đó hẳn không sao hiểu hết được ý nghĩa sâu xa ẩn tàng trong câu thơ của Thiền sư Mãn Giác “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”; hay bài thơ thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông “Chim thong thả kêu, liễu trổ đầy/ Thềm hoa chiều rợp áng mây bay/ Khách vào không hỏi điều nhân thế/ Cùng tựa lan can ngắm sắc mây”. Thế nhưng, qua lời các sư trụ trì, trái tim thơ bé ấy đã cảm nhận ít nhiều thiền vị để tích lũy làm hành trang cho con đường vào đời phía trước.

 Thơ của Trịnh Công Sơn qua thư pháp của Huy Thanh.

Những vở hát bộ “diệt nịnh, định đô”, những cổ tích Phật giáo “làm lành, lánh dữ” dần mở ra trong ông những xúc cảm thẩm mỹ. Ông vẽ truyện tranh về chuyện tuồng, chuyện tích nhà Phật cho bạn bè chuyền tay thưởng thức. Thiên nhiên là kho màu vô tận: xanh - lá dó, tím - trái hột mực, đen - than củi... Lúc đầu, ông chỉ đơn thuần thể hiện cái Thiện lấn át cái Ác trong nét vẽ trẻ con của mình. Dần dà, sự thẩm thấu tư duy nghệ thuật đã đưa cái Thiện trong những nét cọ của ông đến gần với cái Mỹ, cái Chân, tất cả cùng bổ khuyết cho nhau làm nên vẻ an nhiên mà phóng khoáng, tĩnh tại mà tiêu dao nhàn tản của thế giới tranh thủy mặc.

Hơn 40 năm cầm cọ vẽ tranh thủy mặc, ông quay về chốn cũ tổ chức triển lãm với chủ đề “Dưới mái chùa xưa” để tạ ơn nơi đã tạo cho mình hành trang đầu đời. Vì sao lại chỉ 32 tác phẩm? Ông bảo, con số tượng trưng cho 32 vẻ đẹp của Đức Phật. Đó là sưu tập thơ thiền của các vị thiền sư, các thi nhân đương đại – một cách “góp nhặt cát đá” mà ông càng ngẫm càng thấy đó là một hình thức để mình tu tập. Trước, ông triển lãm tranh và thơ riêng biệt. Nay thì hòa quyện thơ và tranh làm một, “thi trung hữu họa”. Câu thơ nào không vẽ được, ông viết thành thư pháp; câu thơ nào có tứ, ông vẽ thành tranh, “thư họa đồng nguyên”.

Triển lãm chuyên đề về thiền của ông, thư và họa không còn lằn ranh. Con chữ và nét vẽ hòa nhập đâu đó trong cõi tâm. 32 bức tranh và thư pháp mở ra cùng lòng người những sắc màu ẩn dụ, khi tiếng chuông chùa thong thả dìu bước chân khách hành hương với âm ba đầy thiền vị.

Ẩn dụ như “Hoa mai nở giữa đêm đông” – một trong những bức tranh ông vẽ một lần là nhớ mãi. Tuyết rơi, sương lạnh chập chùng nhưng hoa mai vẫn tỏa hương. Hoa có rụng thì vẫn còn nguyên cánh. Lời thơ của Mãn Giác Thiền sư trong tranh vọng lại như một triết lý sống: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.

 Trong tranh của họa sĩ Huy Thanh, thư và họa đã hòa quyện thành một.

Ẩn dụ như lời thơ Trịnh Công Sơn được thể hiện qua thư pháp: Đường xa mỏng mộng vô thường/ Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi. Vô thường là lẽ tự nhiên của Tạo hóa, con người chấp nhận nó như một quy luật và nhìn vào đó để mà vui vẻ sống. Từ lẽ đó, triển lãm của họa sĩ Huy Thanh về thiền không phải hướng người xem vào cõi mông mênh, tiêu cực: Đã sinh ra trên đời/ Ai cũng mong hạnh phúc/ Đời người phải có ích/ Đâu chỉ ngắn hay dài (thư pháp về Hạnh phúc).

Họa sĩ Huy Thanh đã từng đọc trên báo, nghe bạn bè ngâm, lâu dần thơ ngấm vào lòng nhưng tác giả câu thơ thì quên mất. Khi viết lại trong triển lãm lần này, một số câu ông chẳng nhớ là của ai. Ông mong chư vị gần xa nhận một lời xin lỗi trong sự cảm thông, tha thứ. Bởi lẽ, “Dưới mái chùa xưa” là ẩn dụ của cõi tâm, của sự chúc phúc cho cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn: Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (Thiền sư Nhất Hạnh).

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.