.
Cửa sổ văn nghệ

Đọc một cuốn sách mới được cho

Sở dĩ văn còn là văn vì cái tuyệt đỉnh của văn như chân trời, tưởng ngay đó mà đi không bao giờ tới. Mọi tác phẩm trên đời này, đối với cả nhà văn và người đọc, dù toại nguyện đến mấy, cũng mới chỉ là gần đến, ngay khi một chút nữa là đến thì vẫn là chưa đến cái hoàn hảo. Bởi thế văn chương mới cần thật nhiều thế hệ để tiếp nối, để bổ sung cho nhau, để cùng nhau thực hiện một cuộc chạy ma-ra-tông không bao giờ tới đích.

Văn chương mới cần thật nhiều cách nghĩ, giọng nói đa dạng, ríu rít vì chỉ một mình hoa hồng không làm nên mùa xuân. Ranh giới giữa lớp này, lớp khác; giữa trường phái này trường phái khác trong văn chương rất nhòe, nhiều khi là chồng lấn lên nhau. Khó thấy một nhà văn hiện thực lại không viết một trang lãng mạn nào, một nhà văn tự xưng hậu hiện đại lại chưa từng cổ điển. Ngay đến độ tuổi cũng thế, lắm người già rồi mà ngòi bút vẫn trẻ, lại có người mới ngần ấy tuổi mà suy nghĩ già câng, người ta vẫn gọi là “ông cụ non”. Cho nên theo lẽ tự nhiên, gốc của văn là “hợp”, nơi “tan” là nơi văn bị phá, là nơi không có văn.

Vậy thì tại sao lâu nay vẫn cứ ngấm ngầm đâu đó cái việc phân chia lớp nọ, nhóm kia để mà xích mích, chê bai nhau. Người lâu năm trong nghề thì chê những người mới vào nghề thiếu vốn sống, thiếu thực tế, thiếu tư tưởng, bị ảnh hưởng bên ngoài, làm văn như người thổi kẹo bông, trông thì phồng phềnh nhưng bóp lại chỉ còn vài hạt đường. Người trẻ khỏe, hăng hái thì chê lớp đi trước lạc hậu, cũ như trái đất, chỉ có một tí trải nghiệm mà dùng cả đời không hết, tóm lại, đó là những “hài cốt văn chương” không còn một tí sinh khí.
 
Rồi có người tự chia mình và đồng nghiệp ra thành hai loại cách tân và bảo thủ để rồi tưởng tượng ra trận chiến, có bên được bên thua, thế rồi sau bao nhiêu năm không thấy người bảo thủ hay cách tân ấy khác gì nhau trên trang viết. Rồi văn chê thơ chập cheng. Thơ chê văn phần nhiều chưa qua cái tối thiểu là trường đại học. Cũng có một ít người khôn ngoan nhảy ra tung hô lớp trẻ, ca cẩm cánh già chẳng qua là để hiện diện nóng, mong nổi tiếng cho mình.

Sau đấy là gì? Là những hồi ký, bài báo, trả lời phỏng vấn… à chưa đọc, người ta đã biết là chê bai nhau. Đọc rồi, người ta chờ bài sau nói nhau gay gắt hơn. Sao những ngày này nhiều chuyện gây sự thế? Ngoài đường ngoài chợ, chuyện không đâu vào đâu, cãi nhau vặt quanh chén nước chè cũng vác dao vác búa đâm chém nhau gây án mạng. Trong văn chương, từ bài báo vặt đến cuốn sách dày, hơi một tí là mạt sát, dè bỉu, mắng nhiếc không tiếc lời.
 
Hay là văn chương thời thị trường (chợ búa) thì phải thế? Người viết những dòng này tuyệt nhiên không kêu gọi một thứ “đoàn kết nhất trí” kiểu bằng mặt không bằng lòng hoặc vì sợ sệt mà khen nhau, nhưng coi những chuyện hạ nhục nhau bằng “mánh kín” là điều rất không nên có. Ấy là cảm tưởng sau khi đọc một tập hồi ký của một nhà giáo già viết về hơn chục người quanh ông, mới xuất bản gần đây. Tưởng là lại dìm người khác cho nổi mình lên hóa ra không, các trang viết đều toát lên sự thân thiện, công bằng. Đang vận nội công để chờ một bát canh có sâu, hóa ra lại được ấm áp, thư giãn. Vui thật.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.