.

Hoàng Sa, nhìn từ Tân Hiệp và Lý Sơn

.

Tân Hiệp là tên xưa còn giữ đến ngày nay của cù lao Chàm thuộc tỉnh Quảng Nam. Lý Sơn là tên chữ của cù lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Thế mà có tài liệu nước ngoài đã xuyên tạc cho rằng hai cù lao này là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam!

Nhà thờ ông Phạm Quang Ảnh, người trấn giữ Hoàng Sa thời Nguyễn. (Ảnh: P.B.)

Ca dao miền biển xưa có câu mô tả quang cảnh nhìn từ cù lao Chàm về phía đông nam: “Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/ Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”. Bàn Than là đảo đá đen nằm giữa cửa Lở (Tiểu Áp) và cửa An Hòa (Đại Áp). Từ hai cửa biển này, thuyền chèo xưa khởi hành từ lúc chạng vạng tối có thể đến Lý Sơn tảng sáng hôm sau. Thuyền xưa từ cửa Sa Kỳ (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ra Lý Sơn cũng trong khoảng thời gian áng chừng như thế.

Nhiều vị cao niên ở cù lao Ré đã từng dong thuyền ra cù lao Chàm, nghỉ tại đấy chừng ít canh giờ, chờ thuận gió cập cửa Đại hoặc cửa Hàn để bán chuối và chỉ gai, vốn là những sản vật có nhiều từ miền đảo Lý.

Cù lao Chàm và cù lao Ré giống nhau nhiều điểm. Đảo nào cũng nhiều đền miếu thờ các thần tích giống nhau như Cao Cát, Thần Nông, Thiên Y… Nếu ở Tân Hiệp có chùa Hải Tạng được lập rất xưa thì ở Lý Sơn cũng có các chùa xưa chẳng kém như chùa Hang ở làng Lý Hải được lập từ đầu thế kỷ 17, thời tám vị Tiền hiền từ đất liền ra đảo định cư, chùa Đục ở làng Lý Vĩnh cũng xuất hiện vào khoảng thời gian trên bằng cách đục sâu thêm vào một hang đá lộ thiên để lấy mặt bằng xây dựng.

Tuy nhiên, điểm giống nhau giữa cù lao Chàm và cù lao Ré làm con dân Việt bất bình là cả hai đều bị các tác giả người Trung Quốc trong cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam hải nước ta” (“Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên”, Hàn Chấn Hoa chủ biên, Đông Phương xuất bản xã, Bắc Kinh, 1988), xuyên tạc cho rằng đó là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam!

Trong khi đó, từ năm 1838 - năm bản đồ Việt Nam Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ được thành lập, thì Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa được vẽ ở về phía bên kia các đảo cận bờ miền Trung như cù lao Chàm và cù lao Ré. Cũng năm này, Linh mục Tabert cho in bản đồ An Nam Ðại Quốc Họa Ðồ trong quyển Tự điển Latin - Việt (Dictionarium Latino Anamiticum), trong đó, phía ngoài của các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam như cù lao Chàm, cù lao Ré, cù lao Xanh, cù lao Thu… có vẽ một cách minh bạch “Paracel seu Cat Vang”. Như vậy là linh mục Tabert đã phân biệt một cách rõ rệt giữa quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Ðông với những đảo cận bờ của miền Trung Việt Nam.

Thêm vào đó, sử xưa ghi, để xác định chủ quyền trên vùng 130 đảo thuộc Vạn Lý Trường Sa trong đó bao gồm vùng Đại Hoàng Sa ngoài Biển Đông, triều đình lấy ngư dân thạo nghề ở các khu vực ven biển và hải đảo từ Thừa Thiên đến Bình Thuận để sung vào các đội Bắc Hải và Hoàng Sa chuyên việc quân ngoài các vùng đảo ấy.

Mộ gió của Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật với bia tưởng niệm do TS Nguyễn Nhã cẩn chí. (Ảnh: P.B.)

Đại Nam thực lục, bộ sử nổi tiếng của Quốc sử quán triều Nguyễn, đã từng ghi lại các “tấu trình” của bộ Công và các “châu phê” của vua Gia Long, Minh Mệnh về việc cử các đội thuyền hằng năm đến Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, dựng bảng xác định chủ quyền cùng khai thác sản vật.

Qua các sử liệu đó, tên tuổi của nhiều vị đội trưởng người Lý Sơn từng được triều đình cử đi Hoàng Sa như Nguyễn Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật mãi mãi được hậu thế lưu dấu về sau; không chỉ ở trong tim, ở các điện thờ, ở các di tích lịch sử các cấp được công nhận trên đảo Lý Sơn mà còn ở việc đặt tên cho các hòn đảo.

Theo các sự tích còn truyền, trong lễ “khao lề thế lính” đi Hoàng Sa, các vị tôn trưởng tám tộc Phạm, Võ, Dương, Trương, Nguyễn, Trần, Lê, Đặng trên đảo ngồi lại với nhau bàn bạc, soát xét (khao) trong danh sách từng tộc (lề) để chọn người sung vào việc quân (thế lính) sao cho cân bằng giữa người các tộc và đặc biệt là chọn người ở lại để lo việc phụng tự. Việc này phải rất cẩn trọng sao cho đúng lệnh của triều đình vừa phải bảo đảm duy trì việc phát triển tộc họ bởi  “Hoàng Sa đi dễ khó về”.

Câu chuyện kể của sử xưa về người “thế lính” Hoàng Sa mang theo hai tấm chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi dây mây cùng tấm thẻ bài ghi danh tính để phòng khi hy sinh giữa sóng gió trùng khơi được đồng đội bó thây “thủy táng” với hy vọng còn có dịp may tìm được dấu tích đưa về.

Có đến viếng khu mộ gió được bao thế hệ người đảo Lý đắp lên để tưởng niệm người lính Hoàng Sa mãi mãi không về mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của mỗi nắm đất thuộc bờ cõi núi sông biển đảo Việt Nam mà bao thế hệ cha ông xưa từng đổ bao mồ hôi lẫn máu đào mới có.

PHÚ BÌNH – THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.