.

Lớp học của những người “xưa nay hiếm”

.

Ra đời hơn 3 năm, Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm quận Hải Châu là nơi sinh hoạt của những người yêu thích lối viết chữ tượng hình và giàu ý nghĩa này. Người lớn tuổi nhất đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, người trẻ nhất cũng đã lên chức ông, những thành viên của CLB đã nhóm lại tình yêu với một nền văn hóa uyên thâm...Chữ Nôm, một dạng chữ riêng của người Việt ra đời đã biểu đạt được tâm tư, nguyện vọng, tâm hồn và khí phách dân tộc trong các tác phẩm văn chương như thơ, phú, chiếu, cáo, biểu...

Một buổi học của CLB Hán Nôm.

Sự sáng tạo đó đã để lại cho đời sau những di sản thơ Nôm vô giá từ những bài thơ của Nguyễn Hàn Thuyên đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, từ Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông đến Bạch Vân am thi tập  của Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nhưng di sản chữ Nôm hiện nay có nguy cơ tiêu vong do còn rất ít người đọc được văn bản chữ Nôm từ nguyên tác trong kho di sản Hán-Nôm ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Hiện nay chỉ còn một số người cao tuổi biết đến chữ Hán Nôm nên việc ra đời nhóm học tập Hán Nôm do ông Huỳnh Phương Bá, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu sáng lập được xem là địa chỉ đầu tiên ở Đà Nẵng quy tụ những người yêu thích chữ Hán Nôm và phát triển môn học này trong cộng đồng.

Nhóm ban đầu có 4 thành viên, đều vào tuổi “xưa nay hiếm”, từ 68 đến 82 tuổi, có cụ là cán bộ về hưu, là cựu chiến binh với bộ quân phục bạc màu, mang giấy bút đến cùng ngồi học với nhau từng chữ cái đầu tiên. Mỗi tháng đều đặn 2 buổi (ngày rằm và mồng 1 âm lịch hằng tháng), các cụ lại đến với lớp học, ôn bài cũ, học bài mới, và chỉ cho nhau những từ khó dịch hay đa nghĩa. Bất kể tuổi già tóc bạc, đôi mắt không còn tinh tường, trí nhớ không còn tinh nhạy, có cụ còn phải dùng kính lúp mới thấy rõ chữ, nhưng vẫn kiên trì đến lớp và chủ yếu tự học qua từ điển cùng các giáo trình như Hán văn giáo khoa, Giáo trình cao đẳng Hán Nôm.

Các cụ còn tham khảo ở các tài liệu như Tam thiên tự, Ngũ thiên tự; Từ điển Hán-Việt, Hán-Nôm (Đào Duy Anh chủ biên)… Một năm sau, số lượng học viên đã tăng hơn gấp đôi. Và con số đó không dừng lại khi ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến Hán Nôm.

Có thể nói, các cụ vừa là học trò vừa là thầy giáo. Ba năm qua, lớp học đặc biệt này đã duy trì được 72 buổi, trình độ Hán Nôm của các học viên cũng được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc đọc dịch được các tác phẩm văn học bằng chữ Hán và chữ Nôm, các cụ còn đọc-dịch các văn bia, sắc phong, đặc biệt đã đọc, sao, dịch được 7 gia phả của các tộc: Nguyễn, Lê, Hoàng, Huỳnh và Trần...

Mới đây, Hội Khuyến học quận Hải Châu chuyển nhóm học tập Hán Nôm phường Hòa Thuận Tây thành CLB nghiên cứu và tự học Hán Nôm (gọi tắt là CLB Hán Nôm) đã đem lại niềm vui cho các cụ, nhất là với những người đã gắn bó với CLB từ những ngày đầu. Ông Huỳnh Phương Bá ước mong “CLB sẽ phát triển hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu”.

Ông cho biết, thời gian tới CLB vẫn duy trì lịch học cũ, đồng thời tổ chức các buổi giao lưu với những người có trình độ Hán Nôm; tổ chức các buổi nói chuyện, trình bày những kiệt tác của các danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ hiểu hơn và tự hào hơn về nền văn hóa, văn học dân tộc. Đây chính là cơ hội để nhiều người tham gia vào CLB, giao lưu tìm hiểu về chữ Hán, chữ Nôm; trao đổi, dịch các hoành phi, câu đối, gia phả; thưởng thức những áng văn hay của Việt Nam, Trung Quốc...

Trong lễ ra mắt CLB Hán Nôm quận Hải Châu, ông Lương Bảo Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học quận Hải Châu đã khẳng định đây là mô hình CLB đầu tiên trên địa bàn quận và hiếm thấy trên địa bàn thành phố. CLB Hán Nôm sẽ là nhân tố thúc đẩy chương trình “Xã hội học tập” và là cơ sở để nhân rộng trên toàn quận. Đến với CLB Hán Nôm, thế hệ trẻ sẽ học được rất nhiều từ những tấm gương hiếu học, đặc biệt là cách học: “Cốt lõi của sự học là tự học, học ở sách, học lẫn nhau”.

THU TRANG

 

;
.
.
.
.
.