.

Những người phía sau sân khấu

.

Trong mỗi chương trình ca nhạc, hội thi hay hội diễn, ngoài vai trò chủ đạo của đạo diễn, những thành viên bề nổi như ca sĩ, người mẫu, hoa hậu..., còn có sự đóng góp thầm lặng của lực lượng hậu đài - họ là những người chuyên lo về âm thanh, ánh sáng… có vai trò rất quan trọng để một chương trình được thành công…

Những người đi trước về sau

Từ những chương trình ca múa nhạc ...

Có thể nói rằng, công việc của những người hậu đài thường bắt đầu trước khi chương trình chính thức diễn ra từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Họ bắt đầu với công tác chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng và không được phép sai sót. Bởi những sai sót của họ ảnh hưởng rất lớn đến cả một chương trình có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí có cả hàng chục nghìn người… Âm thanh, ánh sánh đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong mỗi chương trình dù lớn hay nhỏ. Chính vì thế, những người phụ trách âm thanh, ánh sáng trong mỗi chương trình, ngoài việc tay nghề phải chuẩn thì đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm để xử lý tình huống.

Anh Lê Khắc Hùng, Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố Đà Nẵng - người có kinh nghiệm phục vụ hậu đài gần 30 năm cho biết, mới nhìn thì cứ tưởng công việc như đơn giản, chỉ cần bấm hoặc chỉnh nút này hay nút khác là “OK”. Nhưng thật ra, khi có sự cố nhỏ xảy ra, chẳng hạn như một cái micro không phát tín hiệu hoặc một cái loa bị hú trong lúc chương trình đang diễn ra thì rất phiền cho người nghe… Chính những lúc như thế, đòi hỏi người phụ trách âm thanh phải biết “ngửi” ra bệnh và điều chỉnh ngay một nút trong hàng trăm nút trên máy để khắc phục sự cố trong vòng vài giây, nếu không, chương trình sẽ bị “bể”, mà để làm được như vậy thì đòi hỏi những người phụ trách phải có một bề dày kinh nghiệm.

Tâm trạng của những người hậu đài cũng luôn hồi hộp, chờ đợi không kém gì những người trực tiếp đứng trên sân khấu. Bởi trong quá trình chương trình diễn ra, họ luôn bám sát kịch bản để theo dõi nhịp điệu âm thanh, màu sắc ánh sáng cho phù hợp với từng đoạn trong mỗi vở kịch, một bài hát múa hay một hoạt cảnh… Mỗi chương trình khép lại thành công, họ cũng có cảm giác được cống hiến, được hân hoan như bao người khác đứng trên sân khấu. Nhưng sau mỗi chương trình kết thúc, những người hậu đài còn phải thu xếp những dụng cụ âm thanh, ánh sáng. Và họ là những người ra về sau cùng khi chương trình kết thúc.

Nghề được hiểu biết rộng

… cho đến những lễ hội lớn, những người hậu đài giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định cho sự thành công của chương trình.

Cứ ngỡ rằng, những người phụ trách âm thanh, ánh sáng là những người chỉ biết về kỹ thuật. Nhưng thật ra, họ là những người có cơ hội được hiểu biết rất nhiều. Anh Hùng cho biết: Hầu như đối với những người làm âm thanh, ánh sáng, bên cạnh việc đam mê, thì nghề này còn cho họ “được biết” những kiến thức, những thông tin không chỉ về lễ hội, âm nhạc mà cả những chương trình thời sự nóng hổi, những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến… mà nếu làm nghề khác thì chưa hẳn đã có cơ hội, bởi nghề này được phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhờ đó có nhiều cơ hội được nghe, được tiếp thu và hiểu biết rất nhiều.

Anh Hùng ví dụ, nếu phục vụ ở lễ hội đình làng thì sẽ có được kiến thức về lịch sử; còn phục vụ ở một hội nghị khoa học, lại được những kiến thức về khoa học; thậm chí, có những cuộc họp lớn, mang tính chất quan trọng hoặc thời sự nóng hổi… thì hiển nhiên, những người phụ trách âm thanh, ánh sáng hôm đó là những người được nghe, được biết đầu tiên.

Với họ - những người đứng sau sân khấu, sau mỗi chương trình, một đêm diễn, sự lo lắng trong họ giảm đi một phần, và cảm giác hạnh phúc, hài lòng nhất chỉ đến khi chương trình kết thúc một cách tốt đẹp và trọn vẹn nhất.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.