.

Một thiết chế văn hóa cần quan tâm

.

Theo quy hoạch đô thị của thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ di dời sang một địa điểm khác. Trong khi UBND thành phố còn đang xem xét dự án thiết kế và xây dựng thì Thư viện Đà Nẵng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đọc sách của người dân.

Mô hình công trình Thư viện KHTH Đà Nẵng do Công ty Winter Group Việt Nam thiết kế.

Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (KHTH) Hà Xuân Đào trực tiếp đưa chúng tôi đến xem tình trạng hàng trăm đầu sách được bó chặt, chất thành từng chồng ở kho sách của thư viện. Cho dù bạn đọc tìm được một cuốn sách đúng theo ý định của mình trong thư mục sách thì cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối, muốn mượn mà không được, vì sách đã xếp thành từng chồng, không thể tìm ra nếu không được trưng bày trên kệ sách.

Ông Đào cho biết: “Mỗi năm, thư viện tiếp nhận từ 5 đến 7 nghìn đầu sách mới, riêng năm 2009, có đến hơn 9.000 bản sách. Tổng lượng sách thư viện hiện có trên 150 nghìn cuốn. Tuy nhiên, do không được xây dựng thêm nhà kho nên sách mới vào, sách cũ hoặc sách ít luân chuyển lại phải xếp cất, bạn đọc tìm không thấy thì rất bức xúc”. Như vậy, hiện nay, hàng chục nghìn cuốn sách của thư viện phải tạm “nghỉ hưu”, không thể đến được tay bạn đọc, không phát huy được tính hữu dụng của mình.

Theo quy hoạch của thành phố, Thư viện KHTH Đà Nẵng sẽ chuyển sang địa điểm phía Nam, gần khu vực Nhà thi đấu đa năng. Mẫu thiết kế đã được xác định nhưng còn chờ điều chỉnh lại, do vậy, thời gian để tiến hành khởi công vẫn chưa biết là khi nào.

Vậy là, dù cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật chội, thiếu tiện nghi nhưng thư viện vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động. Sách mới mỗi năm lại được tăng cường thêm nhưng nhà kho, phòng sách thì chỉ có vậy: Chật chội, ẩm thấp, thiếu phương tiện bảo quản sách đúng cách và chuyên nghiệp. Trong khi chờ đợi xây dựng một thư viện mới (có thể mất đến vài năm) thì Thư viện KHTH Đà Nẵng phải chấp nhận hoạt động trong tình trạng cầm chừng.

Theo ông Hà Xuân Đào, đơn vị đã có kiến nghị với UBND thành phố đề xuất việc xây thêm nhà kho tạm thời để chứa sách, thậm chí không xây thì phải thuê kho ở bên ngoài, chứ nếu để như hiện nay thì sách rất dễ bị hư hỏng. Thế nhưng, vì khuôn viên của thư viện đã nằm trong diện quy hoạch để phát triển một dự án khác nên Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố không cho phép đơn vị tiến hành xây dựng thêm kho theo kiểu nhà cấp 4 như đề nghị.

Hiện nay, uớc tính trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bạn đọc đến với Thư viện KHTH Đà Nẵng. Nhu cầu đọc và mượn sách rất lớn nhưng thư viện không đáp ứng được. Cơ sở vật chất quá cũ, các phòng làm việc không đúng công năng, một số phòng phải ghép chung, diện tích kho sách lại chật hẹp, quá tải. Sách là loại vật phẩm dễ hư hỏng nhưng cũng chỉ được bảo quản theo cách thủ công, không có thiết bị làm lạnh, hút ẩm hoặc chống cháy một cách chuyên nghiệp. Ông Lê Huy Phùng, một bạn đọc gắn bó với Thư viện KHTH Đà Nẵng từ nhiều năm nay tâm sự:
 
“Tôi thường hay đến thư viện mượn sách, một tuần vài lần, sách ở đây tương đối nhiều, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhưng tôi vẫn thấy lượng sách mới còn ít”. Bạn đọc phản ánh là sách mới còn ít, trong khi đó, thư viện mỗi năm nhập hàng nghìn đầu sách mới lại không có chỗ cất giữ buộc phải lưu kho.

Hàng nghìn cuốn sách được bó lại và chất trong kho sách trong điều kiện bảo quản rất hạn chế.

 

Thậm chí, theo ông Hà Xuân Đào, mỗi năm lượng sách và bạn đọc đều tăng nhưng sang năm 2010 thư viện sẽ không tăng cường sách và hạn chế lượng bạn đọc vì sức tải của thư viện đã không còn chịu được nữa. Bên cạnh đó, do không có những phòng chức năng riêng nên những hoạt động văn hóa diễn ra tại thư viện nếu tổ chức sẽ ảnh hưởng lớn đến bạn đọc và do vậy, mỗi khi có hoạt động nào diễn ra thì thư viện đóng cửa, bạn đọc buộc phải chấp nhận “nhường chỗ” cho những cuộc triển lãm tranh, sách, báo xuân, hội thảo…

Trong thời gian chờ đợi xây dựng cơ sở mới, nếu cứ để nguyên tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, chật chội như hiện nay thì thư viện không thể đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và quan trọng hơn cả là hàng chục nghìn cuốn sách phải nằm “vất vưởng” trong kho với tình trạng không được bảo quản đúng với yêu cầu kỹ thuật cần thiết…
 
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi để có một thư viện mới khang trang, hiện đại, các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện cho Thư viện KHTH thành phố tiếp tục hoạt động hiệu quả và phát huy triệt để tác dụng của sách trong việc bổ trợ và nâng cao kiến thức cho bạn đọc.

Bài và ảnh: Hà An

;
.
.
.
.
.