.

Địa chỉ đỏ trên núi Sơn Trà

.

Hang Bà Đính nằm trên núi Sơn Trà (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là nơi Ban lãnh đạo kháng chiến khu Đông trú đóng và chỉ huy nhiều trận đánh Pháp từ năm 1947 đến 1954; cũng tại đây, nhiều đồng chí của ta đã hy sinh anh dũng.

Hang Bà Đính - căn cứ địa khu Đông.

Ông Thái Văn Phễu tại hang Bà Đính.  

Trong hang Bà Đính, một ngày cuối tháng 6, ông Thái Văn Phễu, 85 tuổi, trú tại tổ Mân Quang 1, phường Thọ Quang, nguyên là Chính trị viên Phường đội phường 5 bồi hồi nhớ lại: Trong những năm cuối 1949 đầu 1950, địch tăng cường đánh phá căn cứ cách mạng khu Đông, song căn cứ Sơn Trà, trong đó có hang Bà Đính được xem là địa bàn đứng chân trọng yếu của phong trào cách mạng khu Đông và thành phố.

Hang Bà Đính rất thuận lợi cho việc cư trú, ẩn nấp và quan sát, nắm bắt tình hình địch toàn bộ khu Đông. Bởi hang có một tảng đá bằng phẳng, rộng gần 10m2, bên trên có một tảng đá lớn nhô ra và che kín toàn bộ mặt phẳng của tảng đá này, tạo nên một hang rộng, rất thuận tiện cho việc cư trú và đi lại. Tại đây, Ban lãnh đạo kháng chiến khu Đông đã chọn làm nơi trú đóng và chỉ huy nhiều trận đánh pháp từ năm 1947 đến 1954. Đặc biệt, vào ngày 30 tháng 12 năm 1948, địch tập kích bất ngờ vào hang, sau một thời gian ngắn giao tranh, 6 đồng chí của ta đã anh dũng hy sinh, trong đó có đồng chí Ngô Văn Đắc là Khu Đội trưởng khu Đông. Các đồng chí khác bị thương và được đưa về tuyến trong an toàn... Năm 1995, hang Bà Đính được ngành Văn hóa-Thông tin gắn bia Di tích đã được đăng ký bảo vệ.

Một địa chỉ tham quan du lịch lý tưởng

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ hang Bà Đính. 

Có thể nói, hang Bà Đính là một địa chỉ tham quan du lịch về nguồn lý tưởng. Bởi nơi đây, cảnh quan rất thơ mộng, có thể nhìn toàn cảnh thành phố bên dòng sông Hàn với những nhịp điệu đổi thay hằng ngày. Nơi đây rất thuận lợi cho du khách ghé thăm bởi nằm trên đường đi đến các khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà hiện nay. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hang Bà Đính đến nay vẫn chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, chưa được khai thác bảo vệ đúng với ý nghĩa một di tích lịch sử cách mạng, nên hiện nay địa điểm này đã trở nên nhếch nhác, ít ai biết đến.

Thiết nghĩ, quận Sơn Trà cần phối hợp với các ngành, các cấp và các đơn vị trường học chăm sóc, bảo vệ khu di tích lịch sử cách mạng hang Bà Đính. Thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch về nguồn nhằm giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những câu chuyện kể về chiến công của những chiến sĩ cách mạng đã từng hoạt động ở hang Bà Đính. Phối hợp với các công ty lữ hành đưa hang Bà Đính trở thành một địa chỉ tham quan du lịch về nguồn, nằm trong tour du lịch vòng quanh bán đảo Sơn Trà.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.