Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả dân tộc cùng hướng về Thủ đô, hướng về hồn thiêng đất nước, hành trình về với trái tim của dân tộc. Để đón chào sự kiện này, khắp nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra nhiều hoạt động hướng về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đêm thơ giao lưu hướng về Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do Phòng VH-TT quận Hải Châu phối hợp với Hội Người cao tuổi quận tổ chức. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Sắc màu Đà Nẵng ở Thăng Long-Hà Nội
Qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH- TT&DL thành phố Đà Nẵng - người chịu trách nhiệm chính ở gian hàng triển lãm của Đà Nẵng tại Hà Nội cho biết, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đà Nẵng vinh dự được tham gia gian hàng triển lãm với tên gọi “Đà Nẵng - thành tựu và triển vọng”. Đây là bức tranh sinh động, đa dạng các sắc màu của Đà Nẵng ở đất Thăng Long - Hà Nội trong dịp này.
Triển lãm lần này thể hiện đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội của Đà Nẵng từ trước đến nay và triển vọng đến năm 2020. Qua triển lãm, người xem không những biết đến Đà Nẵng với những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn; Bà Nà với thời tiết 4 mùa trong ngày, có cáp treo đạt kỷ lục thế giới; có Ngũ Hành Sơn, bãi Tiên Sa với những truyền thuyết đã đi vào huyền thoại... mà còn biết đến Đà Nẵng - một thành phố năng động, phát triển ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Triển lãm đã đem đến cho người xem những dấu ấn đặc biệt, những công trình mang hơi thở hiện đại, đó là những khu đô thị mới, những khu phức hợp mọc lên đưa Đà Nẵng vươn ra biển lớn. Đặc biệt, tại triển lãm, Đà Nẵng đã trưng bày một sa bàn cỡ lớn nhằm giới thiệu về tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, thể hiện sự mở rộng hợp tác, giao lưu của Đà Nẵng với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, tại triển lãm lần này, Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu đã trưng bày, giới thiệu với công chúng thủ đô những tác phẩm nghệ thuật đá tiêu biểu nhất, là tinh hoa của Làng đá mỹ nghệ Non Nước - một làng nghề đã có mặt lâu đời trên đất Đà Nẵng. Đặc biệt, tại triển lãm lần này, những sản phẩm truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của người Đà Nẵng cũng được giới thiệu như bánh khô mè Bà Liễu, bánh tráng mè đen Hòa Phong và nước mắm Nam Ô. Ngoài ra, những sản phẩm đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong lĩnh vực sáng tạo khoa học-công nghệ của Đà Nẵng và các đơn vị đứng chân trên địa bàn Đà Nẵng như: đèn điện năng lượng mặt trời, công trình khí Bioga, khí hóa lỏng, tàu cảnh sát biển... cũng được trưng bày, giới thiệu.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, gian hàng trưng bày của Đà Nẵng ở Hà Nội lần này hoành tráng nhất trong gần 100 gian hàng trên cả nước; thể hiện được tất cả những thành tựu về kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật của đất và người Đà Nẵng; được Ban tổ chức và người xem đánh giá rất cao.
Hướng về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến
Song song với việc trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của đất và người Đà Nẵng trên đất Thăng Long-Hà Nội; tại Đà Nẵng, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức các hoạt động văn hóa hướng về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên địa bàn các quận, huyện, nhiều tuyến đường đã được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa, pa-nô tuyên truyền, nêu bật lên những giá trị tiêu biểu và ý nghĩa của ngày hội non sông. Tại rạp chiếu phim Lê Độ, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tổ chức tuần phim kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều phim đã được Đội chiếu bóng lưu động đưa về các xã miền núi của huyện Hòa Vang phục vụ nhân dân. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại nhà hát và biểu diễn lưu động ở các địa phương như Hòa Vang, Sơn Trà để phục vụ du khách và công chúng vở tuồng Dời đô. Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đã khai mạc trưng bày giới thiệu cổ vật từ truyền thống Đông Sơn đến văn minh Đại Việt đến với người dân Đà Nẵng và du khách...
Đặc biệt, nhân sự kiện ngàn năm có một này, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã trưng bày giới thiệu sách với chủ đề “Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Triển lãm đã trưng bày, giới thiệu đến bạn đọc và người xem gần 500 bản sách viết về Thăng Long - Hà Nội từ truyền thuyết, lịch sử, địa danh vùng đất đến phong tục, tập quán, lễ hội, văn học nghệ thuật và phong cách của người Tràng An.
Ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho biết, trong những ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mọi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn hướng về Hà Nội, nơi đó có Bác Hồ, có tổ tiên nguồn cội; nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử chói lọi hào hùng của dân tộc. Tổ chức các hoạt động chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để tôn vinh, tưởng nhớ đến công lao to lớn của những bậc tiền bối, các thế hệ tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước, xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.
VĂN NỞ