Một con người tài danh quê Đà Nẵng đã vừa ra đi hôm 25 tháng 9 vừa qua tại Hà Nội: Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Văn Thông. Chiều 28-9-2010, lễ tang tiễn đưa người nghệ sĩ 85 tuổi đời đã được diễn ra tại đài hóa thân Hoàn Vũ Hà Nội, mảnh đất thiêng nơi ông chọn làm đất sống và hoạt động nghệ thuật, nơi ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh và gặt hái những thành công đầu tiên đầy ấn tượng, cũng là nơi ông đau đáu nghĩ về quê hương chôn nhau cắt rốn của mình.
Nguyễn Văn Thông sinh năm 1926 trong một gia đình công chức sống nhiều đời trên đất Hóa Khuê thuộc Hòa Vang xưa, nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Phần lớn những năm tháng của cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp văn nghệ trong quân ngũ, mãi đến khi đã 55 tuổi ông mới chuyển hẳn ra ngoài quân đội, vào công tác tại Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh. Ông thuộc về thế hệ những đạo diễn điện ảnh đi tiên phong trong xây dựng ngành phim truyện Việt Nam từ những ngày đầu non trẻ, cùng với tên tuổi của những đạo diễn nổi tiếng như Hải Ninh, Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Trần Vũ, Hồng Sến, Bạch Diệp, v.v...
Nói đến Nguyễn Văn Thông không thể nào không gắn tên tuổi của ông với tác phẩm đầu tay khi ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Ðiện ảnh Việt Nam, cũng là tác phẩm đem lại cho ông thành công vang dội: Con chim vành khuyên. Tác phẩm đã đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai và Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1962. Đây là tác phẩm do ông viết kịch bản và đồng đạo diễn với người bạn đồng môn của mình là đạo diễn Trần Vũ. Với sự thử thách của thời gian, bộ phim đã trở thành kinh điển trong kho tàng phim truyện nhựa Việt Nam, khắc ghi dấu ấn khó phai mờ đối với nhiều thế hệ khán giả.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với vai trò là người làm phim của quân đội, ông đã 2 lần vào chiến trường để kịp thời làm những bộ phim phóng sự tài liệu về cuộc sống và chiến đấu gian khổ nhưng kiên cường và anh dũng của người dân Khu Năm quê hương ông như Dũng sĩ diệt Mỹ, Dòng sông quê hương trong chuyến đi chiến trường năm 1967-1968, tiếp đó là Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (1972, giải Bông sen vàng, giải Bồ câu vàng Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary), Chúng con nhớ Bác (1969, Bông sen vàng)... Và từ những chất liệu ấy, ông đã xây dựng thành những tác phẩm phim truyện mang tính khái quát cao với những hình tượng điện ảnh được khắc họa đậm nét và có chiều sâu như Rừng xà nu (1968) và sau này là các phim Bài ca không quên (1983 - Bông sen bạc), Cuộc gặp gỡ bất ngờ (1984), v.v…
…Với đạo diễn Nguyễn Văn Thông, tuy là họ hàng gần bên phía Ngoại của cha tôi, nhưng lớp tuổi chúng tôi ít được gần gũi ông, bởi cuộc đời ông gắn với những chuyến đi chiến trường, đi thực tế sáng tác liên miên, thời chiến cũng như thời bình, sau khi đi thực tế thì lại “ẩn náu” vào một nơi nào đó để viết kịch bản phim, viết tiểu thuyết. Thành phố Đà Nẵng tuy không phải là nơi ông đứng chân công tác nhưng lại là nơi ông thường xuyên đi về với bà con họ hàng thân thuộc, với đồng đội cũ, với đồng nghiệp ở các lứa tuổi khác nhau; và cũng là để tìm lại vốn sống, tìm chất liệu phục vụ cho sáng tác. Nhưng với bản tính của một người khiêm nhường, lặng lẽ, ít giao thiệp, ông thường “lặng lẽ trở về, lặng lẽ ra đi”.
Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về nghệ sĩ Nguyễn Văn Thông đó là sự kiệm lời nhưng ẩn chứa một năng lực sáng tạo dồi dào; ông ít nói về dự định sáng tác của mình, nhưng chỉ qua vài chi tiết, vài câu chuyện trao đổi của ông mỗi khi ông về quê, tôi luôn có cảm giác ông đã có “của ăn của để” trong hành trang sáng tác mới của mình, mặc dù trong câu chuyện riêng tư, ông chỉ bộc lộ một cách nhỏ nhẹ: “Chú vừa mới làm xong một cái, để rồi gởi cho cháu xem”.
Và rồi ông chỉ cười cười như thể cái mà ông làm ra đó không có giá trị gì lắm, nhưng thực ra, nó được dư luận đánh giá cao khi được ông cho ra đời. Cũng với cách ứng xử nhẹ nhõm khiêm nhường như thế, tôi nhớ lại lần đạo diễn cho tôi đi xem buổi công chiếu bộ phim Con chim vành khuyên của ông, cách nay đã gần 50 năm. Tôi cũng không còn nhớ rõ vì sao chú Thông lại có thời gian ở chung với gia đình tôi khá lâu trong một căn gác nhỏ ở số nhà 55 Hàng Bồ, Hà Nội. Nhà chật, chẳng có bàn ghế làm việc, chú thường kê lên chiếc ba lô ngồi viết một cách miệt mài chăm chú. Tôi cũng không biết chú đang viết những gì. Khi ấy tôi 13,14 tuổi, đang học cấp 2 ở trường nội trú Học sinh miền Nam.
Một buổi chiều thứ bảy, từ Hà Đông đi tàu điện về nhà, cơm nước xong, chú Thông bảo tôi tối nay chú cho đi đến rạp Tháng Tám xem phim do chú làm. Ngày ấy, rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài như một chốn rất sang trọng chỉ để chiếu những bộ phim mới, có giá trị, và rất khó mua vé. Chúng tôi đến rạp sớm để tận hưởng cái không khí của một rạp chiếu bóng hiện đại lúc bấy giờ. Giữa rất nhiều người lớn lần lượt đến chào hỏi bắt tay nhau, tôi thấy có một cô bé trạc tuổi tôi đang tung tăng chạy giữa các hàng ghế một cách rất hồn nhiên và tự tin.
Chú Thông nói với tôi đó là Tố Uyên, nhân vật chính của bộ phim sắp chiếu. Bộ phim đã thực sự làm cho tôi ngỡ ngàng bởi thời ấy, chúng tôi chỉ được xem những phim do Trung Quốc, Liên Xô sản xuất như Đổng Tồn Thụy, Nhiếp Nhĩ, Tsapaep, v.v… chứ không nghĩ Việt Nam mình cũng làm được phim với cảnh vật, con người của quê hương mình. Nhất là những đứa con xa nhà, xa quê đằng đẵng như chúng tôi, gặp lại tiếng nói quê hương trong bộ phim đầy xúc động. Khi đến đoạn cuối bộ phim, em bé gái trúng đạn của kẻ thù nằm lặng im trên bờ sông và hình ảnh con chim vành khuyên từ trong túi áo của em bỗng vút bay vào bầu trời lồng lộng cùng với tiếng nhạc bi hùng cất lên, tất cả hầu như không cầm được nước mắt.
Về sau khi đã trưởng thành, xem thêm một số phim của Nguyễn Văn Thông, tôi mới càng hiểu vì sao người ta gọi ông là “nhà thơ trong điện ảnh” bởi chất thơ dào dạt toát lên từ những bộ phim của ông; phải chăng cái làm nên giá trị của những bộ phim do ông làm ra cũng chính xuất phát từ điều ấy, bắt đầu từ bộ phim đầu tay Con chim vành khuyên. Và, phải chăng chất thơ trong con người ông cũng chính là sự khiêm nhường, lặng lẽ nhưng sâu sắc, dạt dào! Và sáng tạo nghệ thuật là vậy, lặng lẽ kê tập giấy lên cái ba lô bộ đội cũ cũng có thể viết nên những dòng đầy sức lay động.
Cũng như cuộc ra đi lặng lẽ của ông vào cõi vĩnh hằng giữa những ngày ồn ã náo nức rộn ràng của thành phố thủ đô mà ông hằng gắn bó đang bước vào mùa lễ hội chào mừng Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Tôi tin rằng vẫn có người nhớ đến ông, một người Đà Nẵng tài hoa sống và cống hiến giữa lòng Hà Nội cho đến phút cuối của cuộc đời. Và, nơi thành phố biển xa xôi quê hương ông, xin được gửi gắm những dòng ngắn ngủi này với tấm lòng nhớ thương quý trọng thay cho nén hương vĩnh biệt.
3-10-2010
Bùi Công Minh