Bên cạnh con đường dài nhất Việt Nam - Đại lộ Thăng Long và cầu Vĩnh Tuy - cây cầu lớn nhất Việt Nam, Hà Nội còn có những công trình tiêu biểu mang ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội và kiến trúc nghệ thuật dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong số đó phải kể đến công trình Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình.
Quà từ thành phố mang tên Bác
Nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Đây là món quà ý nghĩa, là công trình văn hóa tiêu biểu trên đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Công viên Hòa Bình - điểm nhấn cho những công trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. TRONG ẢNH: Phối cảnh Công viên Hòa Bình. |
Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn có chiều cao 5,4m, được đúc bằng chất liệu hợp kim đồng, nặng khoảng 20 tấn. Tượng đài được đặt ở đảo Thống Nhất, trong khuôn viên Công viên Thống Nhất, bao quanh bằng hồ nước và cây xanh. Tác phẩm thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa 2-1960 bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn đã phác họa nổi bật phong thái của hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm ruột thịt Bắc - Nam.
Phát biểu tại Lễ khánh thành vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt nhân dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người bạn thân thiết của cộng đồng quốc tế. Bác Hồ - người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt mọi khó khăn gian khổ, đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Bác Tôn - người bạn gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã suốt đời phấn đấu vì nền độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Bác Hồ và Bác Tôn là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, là biểu tượng của đạo đức, tác phong “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” mà chúng ta mãi mãi học tập, noi theo. Tượng đài thể hiện sự đoàn kết gắn bó, không chỉ Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh mà là của nhân dân cả nước, của quốc tế.
Bảo tàng Hà Nội
Nằm khiêm tốn trên phố Hàm Long, Bảo tàng Hà Nội được chia làm 3 phần, trưng bày lịch sử thiên nhiên Hà Nội, lịch sử Hà Nội từ khi dựng nước đến trước Cách mạng Tháng Tám và lịch sử Hà Nội từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Trong bảo tàng này lưu trữ gần 16.000 hiện vật, trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm tới hơn 7.000 hiện vật với đủ loại hình và chất liệu khác nhau.
Tháng 5-2008, UBND thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng Bảo tàng Hà Nội mới tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Đây là công trình ghi dấu ấn đặc biệt chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội còn là nơi thể hiện nền văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Chính vì tầm quan trọng của công trình này, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi phương án thiết kế Bảo tàng Hà Nội. Sau khi tổ chức thi, phương án thiết kế của Công ty Liên doanh GMP International GmbH-Inros Lackner AG (Đức) đã được chọn lựa.
Bảo tàng Hà Nội có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Tầng 1 của bảo tàng trưng bày mô hình cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý - Trần - Lê và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng thành Thăng Long. Tầng 2 trưng bày các hình ảnh Tiền Thăng Long với điểm nhấn là Trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương. Các tầng trên cũng giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Hai tầng hầm của bảo tàng được bố trí hai phòng họp và các phòng kỹ thuật phục vụ. Ở tầng một (cao 6m) là tiền sảnh, các khu trưng bày tạm thời và khu giải khát. Từ tầng hai đến tầng bốn bố trí không gian trống linh hoạt cho việc thiết lập khu trưng bày triển lãm hiện vật của bảo tàng...Công trình Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành, với hơn 50.000 hiện vật đã mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 6-10.
Công viên Hòa Bình
Được khởi công vào thời điểm Hà Nội tròn 999 tuổi, Công viên Hòa Bình nằm ngay trên cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố. Dự án này được phê duyệt tháng 12-2008 với tổng mức đầu tư hơn 282 tỷ đồng, trên diện tích đất 203.431m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm.
Để tạo dựng một biểu tượng của Thủ đô, “Thành phố vì hòa bình”, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng một công viên văn hóa, trong đó điểm nhấn quan trọng là tượng đài Hòa Bình. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, nhập khẩu từ nước ngoài, cao 7,2m, nặng 20 tấn từ mẫu Tượng đài Hòa Bình của Nhà điêu khắc, tác giả Nguyễn Phú Cường. Tượng đài Hòa Bình có hình tượng người mẹ nâng trên vai em bé cùng những cánh chim hòa bình nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tượng đài biểu thị cho tình cảm, tình yêu hòa bình của không chỉ người dân Việt Nam mà với tất cả người dân các dân tộc khác nhau trên thế giới. Tượng được đặt ở phía Nam khu đất, gắn kết với không gian cây xanh, vườn tiểu cảnh ở các phía Đông, Tây, Bắc và trung tâm, tạo thành một chỉnh thể thống nhất về ý tưởng và hình thức thể hiện.
Trong công viên có hồ điều hòa diện tích 5,4ha, với chức năng điều tiết nước và tạo cảnh quan. Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, bãi đỗ xe… được bố trí hài hòa thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, với các khu vực đào đắp hồ, gò, hình thành các khu vực mềm mại sống động gần gũi với thiên nhiên.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN - CTV