.

Bất ngờ Đồng Đình

.

Nói đến bảo tàng là người ta nghĩ ngay đến cái gì cổ xưa, khô cứng. Thế nhưng, nghệ sĩ Đoàn Huy Giao đã khiến người đến tham quan Bảo tàng Đồng Đình của ông quên suy nghĩ đó và khi tiếp cận những hiện vật ở đây, họ sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác theo cách của riêng mình.

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà rường ở Bảo tàng Đồng Đình, nơi trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến 2.500 năm.

 Vào một ngày đầu tháng 2-2011, hòa cùng đoàn khách du lịch đến từ phương xa, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Đồng Đình (ở Suối Bụt, đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cách thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 10km. Con đường dẫn vào bảo tàng khiến nhiều du khách cứ ngỡ như đang đi vào một khu rừng lạ với tiếng suối chảy róc rách dưới chân. Bảo tàng Đồng Đình hiện ra như một lâu đài ẩn mình sâu trong rừng cổ tích, mà thi sĩ kiêm nhà làm phim tài liệu Đoàn Huy Giao như một ẩn sĩ ung dung an nhàn giữa non nước mây trời. Có người bảo ông “chơi trội”, ông cười hiền: Chỉ muốn có một cái gì đó của “made in” Đoàn Huy Giao, “made in” Đà Nẵng để giới thiệu cùng bạn bè đây đó, hay đơn giản là muốn thành phố có thêm một địa chỉ văn hóa để níu chân du khách gần xa mỗi khi dừng ở Đà Nẵng.

Bảo tàng Đồng Đình ở suối Bụt, đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng là bảo tàng tư nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng ở miền Trung, đi vào hoạt động từ ngày 28-1-2011. Đến nay, dù chỉ mở cửa vào 2 ngày cuối tuần nhưng đã đón hàng trăm lượt khách đến tham quan.

Ở thượng nguồn suối Bụt với diện tích gần 10.000m2, bảo tàng được bao bọc bởi một loại cây mà nó mang tên: Cây Đồng Đình, vừa tạo điểm nhấn cho cảnh quan sinh thái xung quanh vừa đưa người xem như trở về cái thuở nguyên sơ của loài người. Nhấp ngụm trà nóng, nghệ sĩ Đoàn Huy Giao cho biết: Cả gia sản và cả cuộc đời ông đều ở nơi này. Gần 40 năm sưu tầm các hiện vật, 8 năm đầu tư cơ sở hạ tầng, xin cấp phép-quãng thời gian đủ làm chùn bước bất cứ ai nếu không có niềm đam mê, kiên trì với ước muốn, với cái đẹp. Bảo tàng Đồng Đình được bố trí theo một quần thể kiến trúc hài hòa với thiên nhiên. Việc tận dụng chính các tảng đá tự nhiên tại chỗ xâm nhập bên trong nội thất tạo hiệu ứng thẩm mỹ thú vị. Cùng với việc cải tạo các loại cây tạp, trồng thêm cây bản địa và cỏ tóc tiên, ba hồ nước tự tạo với dòng suối Bụt có thể làm mềm đi những gì gọi là khô cứng nhất, mang lại màu xanh tươi mát, sinh động, xoa dịu những cơn-khát-thiên-nhiên của người thị thành.

Theo chân nghệ sĩ Đoàn Huy Giao, chúng tôi bước vào ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được dùng để trưng bày các hiện vật của ông. Tại đây, các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến 2.500 năm (đã được giám định), thuộc các nền văn hóa Đại Việt, văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Trung Hoa… được trưng bày. Đặc biệt nhất là chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ 16 Triều nhà Mạc. Hay một Kosa Linga bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu, các hiện vật trang sức bằng đá của Văn hóa Sa Huỳnh và nhiều cổ vật gốm sứ được ngư dân tìm thấy trong lòng biển Đông, thuộc các nền văn hóa Đại Việt và Trung Hoa… Ở đó, người ta có thể đọc quá khứ từ các hiện vật. Rời ngôi nhà rường, chúng tôi lại sang một ngôi nhà có kiến trúc hiện đại trưng bày sưu tập về các tác phẩm tranh, tượng nghệ thuật của một số họa sĩ, nhà điêu khắc đương đại…

Cuộc đời mình, nhiều năm rong ruổi khắp các buôn làng dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên để “săn” những thước phim quý, nghệ sĩ Đoàn Huy Giao đã kịp góp nhặt cho mình và cho đời khi thì chiếc trống bằng da voi của một thủ lĩnh Mơ Nông; con thuyền độc mộc và chiếc cà ràng được tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai Thượng, đến hàng loạt các công cụ và linh khí thuộc nền văn hóa của các tộc người thiểu số… Và tất cả được ông nâng niu, chia sẻ cùng khách phương xa ở tại nơi đây. Qua những câu chuyện bên chén trà, người nghệ sĩ già không giấu được sự lo lắng và một chút buồn khi khách đến bảo tàng, nhất là lớp trẻ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa, chiều sâu văn hóa của chúng. Không khô cứng, buồn chán, thiếu không gian như người ta thường nghĩ về bảo tàng, nhưng lại có vẻ đẹp văn hóa độc đáo mà các resort (khu nghỉ dưỡng cao cấp) không thể có, Đoàn Huy Giao hy vọng nơi đây trong tương lai sẽ trở thành sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo của Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.