.

Nhân khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng: Nhớ và nghĩ

.
Kỷ niệm 36 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta có một sự kiện lớn - khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng. Rất may là sự kiện lớn này đã không được tổ chức sự kiện với hội hè, đình đám, hàng ngàn người dự khán, âm thanh rộn rã tưng bừng, màu sắc rực rỡ, lung linh.

Mô tả ảnh.
Một không gian mới ở Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)
 
Tôi chỉ mong sao sự kiện lớn này sẽ đi vào đời sống của thành phố, có mặt trong đời sống thành phố như một nếp sống hằng ngày, bình thường, không ồn ào mà lắng đọng. Đông đảo, nếu không nói là tất cả cư dân thành phố sẽ đến đây, nhìn ngắm mọi thứ ở đây để thấy và hiểu nguồn cội của mình, hiểu mình hơn và yêu thành phố này, đất nước này hơn.

Nhớ lại những năm tháng sau ngày toàn thắng. Giữa bề bộn công việc lo toan cho cuộc sống của hơn một triệu rưỡi dân Quảng Nam-Đà Nẵng, mang nặng những vết thương chiến tranh, không chỉ những người làm công tác văn hóa chúng tôi mà cả các đồng chí lãnh đạo và nhiều anh chị cán bộ đều nhận thức được Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi diễn ra những cuộc đụng độ đầu tiên và thắng lợi giữa dân tộc ta và hai đế quốc to, nơi mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu huyết của những người con mọi miền Tổ quốc và đều ý thức được tầm quan trọng của sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng.

Các anh Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Phạm Đức Nam… cùng với lo tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, lo cho công trình Phú Ninh đã nhiều lần nhắc chúng tôi không được quên công việc đầy ý nghĩa này.

Một số địa điểm đã được đưa ra để lựa chọn nơi xây dựng Nhà Bảo tàng. Tôi còn nhớ như in gương mặt buồn rầu có pha một chút cảm giác bất lực – điều hiếm thấy ở anh Nam khi anh vừa không thành công trong việc thuyết phục những ai đó lấy khu đất nay là Trung tâm Hành chính quận Hải Châu. Anh nói với tôi “Thôi đừng đụng vào đất quốc phòng. Anh yên tâm, để rài rài tôi tính chỗ nào trong tầm quyết định của mình”.

Cách đây khoảng 30 năm, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã mời một số kiến trúc sư lão thành, tài danh như các kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Cao Luyện… về tham gia ý kiến thẩm định lựa chọn một số phương án kiến trúc công trình bảo tàng.

“Ai bắn vào quá khứ một viên đạn súng lục thì tương lai sẽ bắn vào người đó một trái đại bác” là một danh ngôn mà hồi đó cả các anh lãnh đạo và chúng tôi thường nhắc với nhau.

Tôi nhớ một đêm mưa gió. Đoàn khảo sát khu di tích Mỹ Sơn của Bộ Văn hóa, sau mấy ngày vất vả ở hiện trường, làm việc với UBND tỉnh, anh Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch nghe báo cáo “tuy bị Mỹ dội bom, đổ nát hư hỏng nhiều, nhưng những gì còn lại của Mỹ Sơn là vô cùng quý giá”. Lúc này tỉnh đã có quyết định xây dựng đập khe Thẻ lấy nước tưới cho các cánh đồng khu Tây Duy Xuyên. Phương án đã được Bộ Thủy lợi duyệt. Nếu xây đập này thì cả khu Mỹ Sơn sẽ chìm dưới lòng hồ.

Anh Long chấp nhận đề nghị của Đoàn và nói sẽ báo cáo Thường vụ để xin ý kiến tập thể quyết định cuối cùng. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi, và chỉ một ngày sau đó nhận được thông báo. Dù đã chuẩn bị đầy đủ cho việc xây đập khe Thẻ nhưng vì bảo tồn Mỹ Sơn tỉnh sẽ báo cáo Bộ Thủy lợi tìm một giải pháp khác.

Nhưng nghiêm túc nhìn lại có lẽ thiếu sót lớn nhất lúc đó của chúng tôi là không quan tâm (đầu tư) đúng mức cho công việc sưu tầm hiện vật – yếu tố cốt lõi làm nên giá trị một bảo tàng - và không bảo tồn có kết quả những di tích quan trọng.

Quảng Nam-Đà Nẵng là một địa phương trong những năm bao cấp khó khăn tù túng, bằng nguồn lực của địa phương đã xây dựng được nhiều tượng đài khá hoành tráng như tượng đài chiến thắng Núi Thành (công trình của tỉnh) rồi Cấm Dơi, Thượng Đức, Bồ Bồ… cùng với những tượng đài ghi dấu các tội ác của giặc ở Cây Cốc, Vĩnh Trinh, Chợ Được, Thủy Bồ… Nhưng chưa (và không còn cơ hội) bảo tồn một đoạn hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, chưa giữ được một số yếu tố gốc (để rồi) phục dựng một ấp chiến lược, một trại tập trung.

Bây giờ ai chẳng thấy, nếu chúng ta có một lực lượng chuyên nghiệp và có kinh phí thì sau ngày 29-3-1975, có thể thêm vài ba năm sau đó, Bảo tàng của chúng ta có thêm nhiều hiện vật quý hiếm.

Cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong (bản gốc) mà anh lính Sài Gòn lượm được ở Xuyên Phú, nơi khi bị khui hầm bí mật Phong đã chiến đấu và anh dũng hy sinh - bị chinh phục bởi nhân cách và tình người, anh đã giữ nó và sau ngày giải phóng trao lại cho anh em mình - lẽ ra phải có một vị trí ở Bảo tàng, bây giờ đang ở đâu?
Những món quà quý mà Bác Hồ dành cho Trần Thị Lý, Trần Thị Cúc, Phan Thị Quyên, những người con Quảng Nam-Đà Nẵng mà Người vô cùng yêu mến, tại sao lại không là những hiện vật sáng giá của Bảo tàng Đà Nẵng.

Chúng ta hẳn có một cảm giác vô cùng tiếc nuối và bây giờ phải hàng trăm lần cố gắng hơn, tốn kém hơn mà không dễ gì châu về hợp phố.

Trong những năm tháng quần bám với địch, cán bộ, chiến sĩ và cả người dân Quảng Nam-Đà Nẵng đều biết đến việc “lượm lon”. Lính Mỹ (và lính Sài Gòn) xài rất nhiều đồ hộp với khối lượng lớn. Lượm các lon đồ hộp do chúng bỏ lại khi hành quân di chuyển hoặc bị tấn công rút chạy là việc anh em ta thường làm. Có khi anh em du kích, nhất là các đội du kích thiếu niên còn xáp vào chúng, hợp pháp vận động hay lừa phỉnh chúng để kiếm lon.

Lượm lon nhiều lúc tạo một nguồn thực phẩm đáng kể, có khi lon trở thành của ăn, của để dành, có người còn có lon đem bán. Ở vùng núi Duy Xuyên có một quả đồi còn được gọi là đồi lon, hình như địch vừa được tiếp tế một lượng lớn lon thì bị tấn công, chúng tá hỏa tháo chạy bỏ lại vô số lon các loại.

Những ngày ấy, nhờ xài lon Mỹ, chúng tôi được biết đồ hộp Mỹ thật phong phú, rất nhiều hãng thực phẩm công nghệ lớn của Mỹ và các nước tham gia sản xuất và cung cấp đồ hộp cho quân Mỹ. Chỉ riêng món bắp tôi thấy có bắp hầm rục, bắp rang nở bông, nhiều loại bánh bắp, có loại như bánh xèo. Đồ uống cũng có đủ loại, bia (đủ các nhãn hiệu), Coca, Pepsi và các loại nước giải khác dạng bột cà-phê, cacao, bột hương vị trái cây (cam, nho, lê…). Còn các loại thịt, cá thì không thể nào nhớ hết, kể hết.

Chúng tôi rất khoái loại phô mai Mỹ đóng trong những chiếc hộp nhỏ xíu khoảng 1 ounce, bởi đây là loại thực phẩm ăn ít mà nạp được nhiều năng lượng, bảo đảm vệ sinh. Các đồng chí du kích và bà con địa phương lại không hạp lắm với mùi vị của phô mai.

Có một thời gian cơ quan thường đóng ở Xuyên Tân, một bữa chúng tôi trở lại thôn 2, sau vài ba tuần lánh càn ở Quế Sơn. Mấy chú nhỏ con em các đồng chí trụ bám là những người đón chúng tôi đầu tiên, rất nồng nhiệt. Các em đem cho chúng tôi cả một bao lác nặng đầy các lon phô mai Mỹ. Thương các em đi lượm lon cực nhọc và cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, chúng tôi bảo nhau đưa cho các em một ít tiền gọi là bồi dưỡng. Nào ngờ mấy chú nhóc lại tỏ ra giận dỗi “Mấy ông tưởng chúng tôi ham tiền à. Chúng tôi thấy mấy ông thích thứ này thì gom lại chờ các ông về. Chớ bộ…”.

Hồi đó nhiều lúc chúng tôi nghĩ, sau ngày chiến thắng nên có một cuộc triển lãm trưng bày đối chứng các hoạt động hậu cần giữa ta và Mỹ. Một bên là hàng trăm loại đồ hộp Mỹ, công nghệ hiện đại bảo đảm vệ sinh, đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị… còn một bên là những vắt cơm, mấy củ sắn nướng, lon lương khô, mấy túi nhỏ bột bắp, bột đậu, không thể đạm bạc hơn, mà luôn nặng tình các mẹ, các chị hậu phương ruột thịt.

Những người đã chiến đấu ở chiến trường này, những năm ác liệt nhất ai chẳng hơn một lần chết hụt vì trực thăng.

Cảm nhận về sự cơ động lợi hại của trực thăng vận, chúng tôi trải nghiệm khi nhìn thấy nó không phải là bay mà như một chiếc ô-tô lăn bánh bon bon trên đường Nam Phước, Bà Rén, Hương An để rà đoạn quốc lộ 1 này mỗi sáng. Nó quần sát ngọn tre rồi đứng sựng trên đầu bạn, một thằng ngồi trên đó thò cổ xuống ra hiệu cho bạn vén áo lên để xem bạn có phải là vi-xi không? Chiếc áo bà ba trắng rộng thùng thình có che giấu một thắt lưng với súng ngắn và lựu đạn không?

Những ngày ấy khi phải đi qua những cánh đồng trống ban ngày, chúng tôi thường mặc đồ hợp pháp, quần dài trắng như một ông già đi đám giỗ và tháo gửi thắt lưng vào những chiếc thúng trên phủ đầy rau cỏ của các mẹ, các chị gánh hay đội như đi chợ về.

Dân Thăng Bình kháo nhau quận trưởng Đăng, một tên ác ôn có thành tích diệt cộng đã được Mỹ tặng một chiếc “cán gáo” và y với cái phương tiện, cũng là theo dân gian đồn đại các chủ trang trại ở nước Mỹ dùng để chăn dắt, gom đuổi các đàn bò, tác oai tác quái dân lành cả một vùng.

Bà con ta không gọi chúng theo những cái tên tiếng Anh khó đọc hoặc các số hiệu lạ hoắc mà gọi theo sự quan sát của mình: tàu gáo, tàu rọ, cá lẹp, sâu đo, rách đáy…

Qua những lúc cực kỳ căng thẳng, lom khom vừa chạy vừa núp từ bụi cây này, qua bụi cây khác trên đầu trực thăng như chuồn chuồn, khi đã ở sâu trong một cánh rừng hay một xóm thôn im ắng, chúng tôi lại thả mình tưởng tượng: Nhất định sau này Bảo tàng của mình phải có một khoảng sân rất rộng để trưng bày đủ loại trực thăng. Từ những chiếc cần cẩu bay mang dưới bụng nó cả một tháp canh cao nghều bằng thép, có khi là một cỗ đại pháo, hay là chiếc tàu rọ nhỏ gọn như một đồ chơi mà tôi đã được thấy tận mắt khi du kích Điện Quang bắn nó rơi ở ngay gần hầm đồng chí Hồ Nghinh. Cơ quan Đặc khu ủy bị một trận tơi bời cả bầy trực thăng đến bắn nát một vùng để giải cứu viên phi công. Rồi khi chúng vừa rút khỏi, anh Nghinh đã đến tận nơi ôm mấy dũng sĩ hỏi “Bây giờ các chú ưng thưởng gì nào?”. Họ trả lời đồng chí Bí thư Đặc khu ủy hồn nhiên: “Một bữa mì Quảng”.

Bây giờ chỉ một chiếc trực thăng được trưng bày ở sân Bảo tàng nhưng tôi nghĩ chúng ta có điều kiện liên hệ với những người ở cơ quan Mỹ - phía bên kia - đề xuất họ cung cấp những bức ảnh thật chi tiết và những mô hình nếu chưa được những trực thăng thứ thiệt. Tại sao không?

Đã mấy thế hệ người làm công tác bảo tồn bảo tàng Đà Nẵng và Quảng Nam nỗ lực không ngừng cho ngày hôm nay.

Và tôi biết rằng đồng chí Giám đốc, anh chị em công tác ở Bảo tàng Đà Nẵng hết lòng mong chờ và rất vui mừng trong ngày khánh thành này. Tôi hiểu rằng từ đây trách nhiệm các đồng chí sẽ rất nặng nề.

Chưa có Bảo tàng thì còn có thể nói đó là trách nhiệm của ai, của cơ quan nào?

Có Bảo tàng rồi mà nó không được như mong muốn, như đòi hỏi, hoạt động của nó buồn tẻ, không hiệu quả thì người phải trách cứ trước hết là các bạn.

Bảo tàng của chúng ta có một vị trí đắc địa, ở ngay trung tâm của thành phố lại chính là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Dù lịch sử của nó chỉ có 200 năm, trên cả nước không có một tòa thành nào còn giữ được khá toàn vẹn nhiều yếu tố gốc như thành Điện Hải.

Ngân sách thành phố đã dành 40 tỷ đồng cho xây dựng thiết chế này và cũng đã dành 15 tỷ đồng cho công tác trưng bày.

Ngày còn trong cơ chế bao cấp, có nằm mơ cũng không thấy cơ đồ hôm nay.

Dân có quyền đòi hỏi hoạt động của Bảo tàng phải xứng đáng với đồng tiền bát gạo của dân, với lịch sử anh hùng của dân.

Không có một Bảo tàng nào lại không nêu cao công việc tiếp tục làm cho kho hiện vật của mình (cả phần đã đưa ra trưng bày và phần còn trong kho) ngày càng phong phú với nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị.

Không có một Bảo tàng nào lại tự cho rằng sự trưng bày của mình là tuyệt đỉnh, là khuôn vàng thước ngọc, không có thể điều chỉnh dù chỉ là một chút.

Cùng với những tư liệu, hiện vật mới, nhất định sẽ được bổ sung, sự phát triển của công nghệ (3D âm thanh, ánh sáng…), của các vật liệu mới cho phép và yêu cầu chúng ta có sự nâng cấp về trưng bày để Bảo tàng ngày càng có sức hấp dẫn, thuyết phục hơn.

Và Bảo tàng đâu chỉ có việc mở cửa – đón khách – thuyết minh, vô số những công việc đưa Bảo tàng vào đời sống, đưa đời sống vào Bảo tàng đang mở ra những chân trời sáng tạo cho các bạn. Nhất định Bảo tàng phải là một trung tâm truyền bá kiến thức, nâng cao dân trí, một trung tâm nghiên cứu khoa học mà hoạt động phong phú của nó và sự thụ hưởng cũng như đóng góp của người dân sẽ là một trong những tiêu chí để chúng ta thực hiện mục tiêu Đà Nẵng là một thành phố có đời sống văn hóa cao, như Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố đã yêu cầu.

Người Việt - trong đó có người Đà Nẵng mình hình như không mấy thích thú và không có thói quen đi thăm các Bảo tàng. Đây rõ là một điểm yếu. Những cán bộ văn hóa Việt Nam có dịp ra nước ngoài dù là Nga, Pháp hay Mỹ, Nhật đều có một cảm giác thèm muốn khi nhìn thấy những dòng người xếp hàng dài ở Bảo tàng và tất cả đều xem chăm chú chân thành rồi ra về với gương mặt sung sướng như vừa ngộ ra những điều mới mẻ sâu sắc.

Riêng tôi mỗi lúc nhớ lại những hình ảnh ấy, tôi lại chạnh nghĩ tới những cảnh chen lấn, xô đẩy nhau để xin ấn đền Trần hay xin lộc Bà Chúa kho.

Tôi có bi quan không khi nghĩ rằng không thể nào đưa được những con người đang chìm đắm trong những hiện tượng vô văn hóa, phản văn hóa về với các Bảo tàng, một cuộc về nguồn đích thực.

Dù trách nhiệm để sinh ra một thế hệ những người ấy, thuộc về ai, thì cầm bằng phải chấp nhận tình trạng không thể cứu vãn được để bắt đầu, để làm lại từ đầu với những đối tượng mới, một thế hệ mới.

Đây hiển nhiên không chỉ là phận sự của những người làm Bảo tàng, nói theo ngôn ngữ thời thượng đó là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị.

Nhưng trước hết những người làm Bảo tàng phải rất chỉn chu, tận tâm, quyết liệt.

Đương nhiên, phải nhấn mạnh ở đây trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.

Có khập khiễng không, tôi xin phép so sánh khi kinh tế khủng hoảng, chúng ta có thể bỏ ra một khoản chi cho các gói kích cầu đến 5 - 6% GDP. Vậy mà khi được báo động đỏ về tình trạng băng hoại đạo đức, xuống cấp văn hóa, chúng ta lại không có phản ứng tương thích.

Không phải có tiền là có văn hóa, xin được khẳng định. Nhưng không có tiền thì cũng không làm gì được. Trình độ văn hóa thể hiện ở ngay chính sự đầu tư khôn ngoan, ở ngay cách tiêu tiền thông minh, và trước hết là ở tư duy về xây dựng và phát triển văn hóa.
 
 NGUYỄN ĐÌNH AN
 
;
.
.
.
.
.