Với các di tích dày đặc, đặt ra cho huyện Hòa Vang công tác bảo tồn, gìn giữ hết sức cấp thiết và mang tầm vĩ mô. Bên cạnh khảo sát, lập hồ sơ để nắm bắt thực trạng các di tích hiện tại, việc gắn bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa với phát triển du lịch, tạo những sản phẩm du lịch đặc trưng cũng là một hướng đi trong chương trình xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, cùng với công tác trùng tu, tôn tạo di tích, vấn đề phục dựng, phát triển các lễ hội gắn liền với các hoạt động đình làng như thế nào thì còn phải bàn tới.
Ở Hòa Vang, 100% làng xã vẫn còn đình làng (xã Hòa Bắc không có đình làng, nhưng lại có nhà Gươl - cũng là “đình làng” của người Cơtu). Đặc điểm chung của đình làng ở Hòa Vang là thờ Tiền Hiền, Thành Hoàng làng, duy chỉ đình làng Phong Lệ (Hòa Châu) thờ Thần Nông (đây cũng là đình làng độc nhất của Việt Nam thờ Thần Nông). Không giấu niềm tự hào, những người làm công tác văn hóa ở địa phương này chia sẻ: “Nói đến văn hóa làng ở Đà Nẵng, phải nói đến Hòa Vang. Nếu không quá lời, có thể coi Hòa Vang là cái nôi văn hóa nông nghiệp còn giữ lại được nét vẹn nguyên của người Đà Nẵng.
Ở Hòa Vang còn giữ được nét nguyên sơ qua hình ảnh đình làng hàng trăm năm tuổi gắn liền với các lễ hội”. Hiện Hòa Vang có 4 di tích cấp quốc gia gồm nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng (Hòa Phước, công nhận ngày 1-2-2000), đình làng Bồ Bản (thôn Bồ Bản-Hòa Phong, công nhận ngày 4-1-1999), đình làng Túy Loan (thôn Túy Loan- Hòa Phong, cấp ngày 4-1-1999), lăng mộ danh nhân Đỗ Thúc Tịnh (thôn 5-Hòa Khương, cấp ngày 3-8-2007); 16 di tích cấp thành phố, 6 di tích được đăng ký bảo vệ và 21 di tích khác.
Đặc trưng văn hóa làng trong không gian đình làng luôn gắn liền với các hoạt động lễ hội truyền thống. Cùng với quá trình phát triển đời sống xã hội, kéo theo các hoạt động lễ hội của các đình làng dần được phục dựng và nổi lên một cách rầm rộ. Đình làng trở thành nơi gặp gỡ và giáo dục truyền thống, là điểm đến tâm linh, lịch sử, văn hóa cho bao thế hệ. Điều này thể hiện rõ qua hình ảnh các lễ hội hằng năm.
Hoạt động lễ hội cũng là một cách giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, đất nước rất hữu hiệu nhất là đối với thế hệ trẻ. Hiện tại các đình làng ở Hòa Vang đều tổ chức các lễ hội hằng năm hoặc 2-3 năm một lần. Tiêu biểu như lễ rước Mục đồng ở đình làng Phong Lệ (vừa mới được phục dựng), lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản, Đại La, ngày hội văn hóa dân tộc Cơtu… Hiện Phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể hoạt động văn hóa-thể thao- du lịch đến năm 2020, trong đó quy hoạch cụ thể các hoạt động du lịch, khai thác điểm di tích văn hóa gắn liền với các lễ hội. Tuy vậy, hiện nay các lễ hội diễn ra một cách rầm rộ theo kiểu phong trào gây tốn kém không ít về vật chất, thời gian, trở thành gánh nặng cho người dân, làm “loãng” đi bản sắc của lễ hội mang tính đặc trưng.
Theo ông Đỗ Thanh Tân, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện, cần phải có tính trọng tâm, trọng điểm trong công tác tổ chức lễ hội, chứ không thể làm theo kiểu phong trào. Các làng đua nhau theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, thế là làng làng cùng làm, năm nào cũng tổ chức, làng nào cũng muốn lễ hội đình làng mình to hơn. Ông Tân bày tỏ, thành phố cần phải ra quy chế cụ thể về việc tổ chức lễ hội. Theo đó, cần giãn cách thời gian tổ chức ra 2 hoặc 3 năm một lần, nó vừa bảo đảm tính trọng tâm, vừa giữ được nét riêng độc đáo của từng lễ hội ở từng đình làng cụ thể.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Minh Sơn