.
Bảo tồn di tích văn hóa ở Hòa Vang: Đôi điều trăn trở!

Bài 2: Bảo tồn di tích: Còn nhiều bất cập

.
Cùng với việc “bội thực” lễ hội, hệ thống các di tích ở Hòa Vang hiện nay đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự xuống cấp của nhiều di tích (chưa được đầu tư kinh phí trùng tu) và các di tích trước nguy cơ “làm mới” (các di tích đang được trùng tu, tôn tạo).

Mô tả ảnh.
Đình làng Hưởng Phước (Hòa Liên) đang có nguy cơ bị xóa sổ.
 
Từ nhiều ngôi đình xuống cấp...

Theo quy định, một di tích chưa được xếp hạng thì địa phương phải tự lo kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Thực tế, hầu hết các xã đều không đủ khả năng huy động kinh phí để trùng tu di tích, và hệ quả tất yếu các di tích bị xuống cấp là không thể tránh khỏi. Dẫn chứng về thực trạng này, ông Đỗ Thanh Tân, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện lý giải: Đình Hưởng Phước  đang có nguy cơ bị xóa sổ, cỏ mọc um tùm, mái đình sụp nát, gạch ngói vỡ vụn, nham nhở tường đổ, gỗ mục. Không ai có thể cầm lòng khi đứng trước đống đổ nát của điểm di tích này. Phòng VH-TT và địa phương đã xin ý kiến chỉ đạo, xin hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng Đà Nẵng, nhưng do đình chưa được xếp hạng di tích nên thành phố chưa có kế hoạch đầu tư để trùng tu.
 
Trong khi, chi phí để trùng tu đình lên đến gần 1 tỷ đồng, con số này vượt quá khả năng của địa phương. Phòng VH-TT huyện và xã Hòa Liên cũng đang ra sức kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ để trùng tu lại đình, nhưng câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Thành phố thì chờ địa phương trùng tu lại đình để có đủ điều kiện xét xếp hạng, sau đó mới đầu tư trùng tu, trong lúc địa phương lại không đủ khả năng trang trải kinh phí để tiến hành trùng tu đình, vì vậy không đủ điều kiện xếp hạng. Vòng luẩn quẩn địa phương chờ thành phố, thành phố chờ địa phương diễn ra như mối tơ vò, trong khi di tích ngày càng xuống cấp không phanh.

Không chỉ các di tích chưa được xếp hạng, các di tích đã được xếp hạng, kể cả cấp quốc gia lẫn thành phố cũng không thoát khỏi gánh nặng thời gian tàn phá trong lúc chờ cấp kinh phí đầu tư tôn tạo. Có thể kể đến đình Bồ Bản, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đình Thần Nông, Đại La, Xuân Lộc, Phước Thuận, Trước Bầu… đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, nghĩa là có sự quản lý cũng như đầu tư kinh phí để trùng tu từ thành phố. Nhưng hiện nay các đình này cũng đang trong tình trạng có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói ở đây là một số di tích sau khi được xếp hạng, thành phố cấp vốn đầu tư để trùng tu nhiều lần, trong thời gian ngắn (từ 2005 đến nay, thành phố đã cấp hơn 5 tỷ đồng đầu tư để trùng tu, tôn tạo di tích cho huyện Hòa Vang, và mới đây là 3 tỷ đồng để trùng tu đình Túy Loan), nhưng không hiểu vì lý do gì mà mức độ xuống cấp vẫn diễn ra nhanh chóng!

Đến nỗi lo di tích bị “làm mới”

Trong công tác bảo tồn di tích văn hóa ở Hòa Vang, bên cạnh nỗi lo xuống cấp, xóa sổ của một số di tích, những người có tâm huyết còn canh cánh nỗi lo “làm mới” di tích.

Đình làng Túy Loan trên 500 năm tuổi, kể từ sau ngày được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đình luôn được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, đình vẫn còn được trùng tu với kinh phí trên 3 tỷ đồng, đã hoàn thành và đang chờ bàn giao. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đó là sự “làm mới” của đình trong quá trình trùng tu. “Nguyên tắc trùng tu là phải bảo vệ, giữ nguyên hình mẫu ban đầu của di tích; không được sửa đổi, cách tân các chi tiết. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà những người thi công đã không thực hiện đúng nguyên tắc này. Có nhiều chi tiết bị hư hỏng, không khôi phục được thì đem đập bỏ, làm mới lại. Điều này là sai nguyên tắc, làm ẩu, mất đi đặc tính của di tích” - ông Đỗ Thanh Tân cho biết. Cũng theo ông Tân, đình Túy Loan chỉ là điển hình thể hiện cách làm “ẩu” của những “thợ sửa đình”. Thực tế, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong quá trình trùng tu đều rơi vào thực trạng… được “làm mới”.

Bụi thời gian phủ lên các di tích bao nhiêu thì càng tạo nên lớp trầm tích văn hóa dày bấy nhiêu. Mặt khác, theo năm tháng, gánh nặng thời gian đè lên các di tích tạo ra nguy cơ xuống cấp thấy rõ. Trước thực trạng này, rất cần những người làm công tác văn hóa sớm có cái nhìn nhân văn và đầy trách nhiệm để các di tích không bị biến thành phế tích cũng như giữ nguyên kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa mà cổ nhân để lại.

Bài và ảnh: Minh Sơn
;
.
.
.
.
.