.

Khu di tích K20 cần tôn tạo

.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, K20 là vùng đệm để bộ đội, du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ-ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo nhiều tiếng vang lớn trên chiến trường khu 5, gây hoang mang cho địch. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, hiện nay di tích cách mạng K20 vẫn chưa được quan tâm đúng mức và ngày càng trở nên đìu hiu...

Mô tả ảnh.
Nhà thờ Bà Nhiêu đã đào được 6 hầm bí mật, là nơi cơ quan của Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng từ 1945 - 1975, hiện nay cỏ tốt phủ đầu?

 

Ngược dòng lịch sử

Khu di tích K20 nằm trên địa bàn khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An (nay là phường Khuê Mỹ), quận Ngũ Hành Sơn. Năm 1954, sau khi chiếm giữ Đà Nẵng, Mỹ-ngụy đã lập nhiều đồn bốt xung quanh khu vực này, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào thành phố. Nhiều sự kiện, cột mốc lịch sử vẫn còn được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng kể là sự kiện năm 1962, nơi đây đã tổ chức được lực lượng du kích mạnh, làm nhiệm vụ “diệt ác phá kìm”; đến năm 1964 phát triển tới 27 đội viên, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược...

Ông Nguyễn Phán, nguyên Bí thư K20, xã đội trưởng từ năm 1961, người có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: Trung tuần tháng 10-1964, sau 2 ngày đêm trinh sát sân bay Nước Mặn, được sự hỗ trợ của đặc công Quân khu 5, chúng tôi đã tiến hành đánh úp sân bay Nước Mặn, giết hàng trăm lính Mỹ, ngụy, phá hủy hàng chục máy bay, gây tiếng vang trên toàn chiến trường khu 5... Có lẽ, kể không hết những chiến công oanh liệt của quân dân khu căn cứ lõm K20 trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng chúng tôi biết một điều là để có những chiến công vẻ vang đó, trong mỗi người dân K20 luôn tâm niệm “giặc còn thì nhà mất” - ông Phán tâm sự. Với những quyết tâm đó, nên hầu hết các gia đình ở Đa Mặn lúc bấy giờ đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Đêm đêm, bên bờ sông, người dân K20 lại thắp đèn báo hiệu đón cán bộ, bộ đội về gây dựng cơ sở hoặc bàn kế hoạch đánh địch…

Những chiến công oanh liệt, những tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân căn cứ cách mạng K20 đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Đìu hiu di tích

Ngày nay, Nhà truyền thống K20 đã được xây dựng và đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Quần thể di tích K20 đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận Khu di tích lịch sử cách mạng.

Dù đã trở thành “tài sản quốc gia” nhưng quần thể di tích này vẫn không phát huy được vai trò của nó mà nguyên nhân chính là do công tác quản lý. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà truyền thống luôn trong tình trạng cửa khóa, “du khách muốn tham quan, nghiên cứu thì đến liên hệ với UBND phường Khuê Mỹ, sau đó UBND phường liên lạc với người bảo vệ” - Bà Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết như vậy. Chúng tôi đã thử làm theo hướng dẫn của bà Hồng và có sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ văn hóa phường, nhưng mất gần 2 giờ đồng hồ mới vào được bên trong nhà truyền thống - nguyên nhân là do đi tìm bác bảo vệ?

Bên cạnh đó, cảnh quan nơi đây cũng không được quan tâm, nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực lợi dụng hàng rào để phơi phóng quần áo gây nhếch nhác nhà truyền thống. Một số hạng mục do ảnh hưởng các cơn bão và do mối mọt nên ngày càng xuống cấp. Điều đáng quan tâm hơn là những hầm nuôi giấu cán bộ, những nhà dân đã từng chở che cho bộ đội… do không được quan tâm tôn tạo nên ngày càng trở nên hoang phế. Nếu trước đây, khu vực này có 159 hầm bí mật và công sự thì hiện nay chỉ còn 7 cái nhưng luôn nằm trong tình trạng biến dạng theo thời gian bởi do ngập lụt, phần thì cỏ mọc um tùm, cảnh quan nhếch nhác nên rất ít du khách đếm tham quan.

Để di tích K20 không trở thành phế tích, để những hầm bí mật, những chiến hào xưa trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, các ngành chức năng và chính quyền thành phố sớm cho tôn tạo khu di tích này.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.