.

Thắp sáng ngọn lửa tuồng truyền thống

.
Với lòng đam mê và sự nỗ lực không ngừng, nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh một lần nữa đã khẳng định được mình qua Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011, vừa được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Mô tả ảnh.
Một cảnh trong các vở diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham gia liên hoan.
 
Theo đánh giá của Ban tổ chức, qua 9 vở diễn của 7 đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp tham gia, không ít những thời khắc sân khấu liên hoan đã sáng bừng lên bởi những đào, kép tuổi đời trên dưới ba mươi mà đã chững chạc trong các vai Tuồng truyền thống như Kim Lân, Linh Tá, Lão Tạ, Tra Trịnh Ân, Nguyệt Tiêm, Đào Tam Xuân, v.v… Mỗi người mỗi vẻ, và ấn tượng họ để lại trong lòng người xem cũng thật khác nhau.

Đến với liên hoan lần này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành phố Đà Nẵng tham gia hai vở: Đào Phi Phụng (Hồi VI) và Lưu Kinh Đỉnh giải giá Thọ Châu. Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách nhà hát cho biết, đối với vở Đào Phi Phụng (Hồi VI), được đầu tư xây dựng từ trước, có sự chuẩn bị khá chu đáo, anh em nghệ sĩ nỗ lực tập luyện trong thời gian dài. Đây là sự cố gắng rất lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nhà hát, trong đó có thể kể đến như NSƯT, đạo diễn Vĩnh Huế, nghệ nhân Hồ Hữu Có, NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Thu Nhân… Mặc dù các thầy cô tuổi đã già, sức yếu nhưng đã cố gắng truyền dạy lại các vai mẫu kinh điển nhất của nghệ thuật tuồng truyền thống. “Những vai diễn này, đối với đội ngũ diễn viên lớn tuổi đã khó, nay giao cho các diễn viên trẻ thực hiện, sự khó khăn lại nhân lên gấp bội, nhưng anh chị em nhà hát đã làm được” - ông Tuấn vui mừng cho biết.

Đối với vở Lưu Kinh Đỉnh giải giá Thọ Châu, cũng là vở diễn được xây dựng khá lâu, do NSƯT, đạo diễn Vĩnh Huế phục dựng. Đây là vở tuồng cổ hay. Theo chủ trương chung của lãnh đạo nhà hát, vở này sẽ chuyển giao cho đội ngũ diễn viên trẻ thực hiện để tập luyện và học tập, đặc biệt trong đó có những diễn viên rất trẻ, tuổi đời chỉ 23 - 24. Nhưng chỉ thông qua vài buổi tập luyện và diễn thực tế của các em, lãnh đạo nhà hát thấy hé lộ những tố chất riêng biệt trong nghệ thuật tuồng truyền thống mà các em đã làm được. Vì thế, ban lãnh đạo nhà hát mạnh dạn đưa vở diễn này đi tham gia liên hoan với chủ trương là không đặt nặng giải thưởng; chủ yếu muốn cho các em được đi thực tế để học hỏi đàn anh, đàn chị trong liên hoan, đồng thời để cho các em có cơ hội thử sức mình.

Cũng thông qua vở diễn này, nhà hát muốn chứng tỏ một điều là hiện nay nhà hát đang rất nỗ lực đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng truyền thống. “Đây là việc làm cụ thể chứ không phải chỉ là lời nói” - ông Tuấn nhấn mạnh. Chính vì đồng tình với những mục tiêu mà nhà hát đưa ra, nên lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT&DL thành phố đã thống nhất cho nhà hát tham gia liên hoan vở thứ hai này. Và thực tế tại liên hoan, vở diễn này đã thành công ngoài mong đợi, với kết quả là 2 HCV, 3 HCB. Ngoài những tấm huy chương ra, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và anh chị em đồng nghiệp đánh giá rất cao.

Riêng vở Đào Phi Phụng (Hồi VI), các diễn viên cũng đã thể hiện tốt các vai diễn, và giành được 3 HCV tại liên hoan lần này, trong đó có diễn viên nữ Minh Hải còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng giải diễn viên xuất sắc.

Qua mỗi kỳ liên hoan, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tự khẳng định mình với những tấm huy chương và các giải thưởng. Đây là những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, những công việc tiếp theo vẫn còn hết sức nặng nề, bởi những vở tuồng truyền thống kinh điển thì không có nhiều, trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ lớn tuổi, những “cây đa, cây đề” trong nghệ thuật Tuồng ngày càng yếu đi… Chính vì thế, việc tiếp tục tổ chức tập huấn các vai diễn và các trích đoạn tuồng hay là việc làm cấp thiết mà lãnh đạo nhà hát cần phải có định hướng triển khai ngay từ bây giờ. Có như vậy, mới có thể đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc đưa nghệ thuật Tuồng truyền thống đến với công chúng.

Tham gia Liên hoan tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 có 364 cán bộ, diễn viên thuộc 7 đoàn nghệ thuật tuồng truyền thống trên cả nước. Kết thúc liên hoan, BTC đã trao 22 HCV, 21 HCB và ba giải diễn viên trẻ có nhiều triển vọng cho các đoàn nghệ thuật. Trong đó, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã giành được 5 HCV và 2 HCB. Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn trao tặng cho nhà hát các giải thưởng: Đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo thế hệ diễn viên trẻ của bộ môn kịch hát truyền thống dân tộc; giải dàn nhạc có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phục vụ các đơn vị tham gia liên hoan; giải diễn viên có thành tích xuất sắc trong liên hoan.
 
Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.