.
Về khu phế tích đền tháp Chămpa mới phát hiện ở Hòa Thọ Đông:

Phát lộ quần thể di tích rộng lớn

.
Từ nửa tháng nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH &NV), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức khai quật khảo cổ khẩn cấp quần thể điêu khắc Chămpa (thuộc tổ 13, phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) trên diện tích 200m2. Nhưng đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Chiều, giảng viên Khảo cổ học, Khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chủ trì đoàn khai quật, mọi kết luận lúc này đều là quá sớm.

Mô tả ảnh.
Đoàn khai quật khu phế tích đang làm việc khẩn trương.
 
Trước đó, vào giữa tháng 3, trong lúc đào móng làm nhà tại thửa đất số 173 và 101 (thuộc tổ 13 khu vực xóm Cấm, phường Hòa Thọ Đông), ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út phát hiện một pho tượng cổ bằng đá có hình sư tử cao 0,5m, được đặt trên một phiến đá màu vàng sẫm, nhiều khả năng có niên đại từ thời kỳ Chămpa.

Ngày 29-4, việc khai quật được bắt đầu tiến hành tại vị trí người dân đào móng nhà phát hiện cổ vật. Khi đào sâu xuống 1,5m trên bề mặt diện tích 36m2, đoàn phát hiện nhiều cổ vật liên quan đến tháp Chăm như: 2 phác thảo chưa rõ về biểu tượng rắn 3 đầu, nhiều gạch Chăm cổ có trang trí hoa văn, 1 bậc tam cấp bằng đá, 1 con voi bằng đá, một ít ngói… Các cổ vật đã bị dịch chuyển do phế tích bị ngã đổ. Nhưng tất cả được sắp xếp theo hình khối của tháp Chăm. Ông Nguyễn Chiều khẳng định.

Đoàn khảo cổ bước đầu xác định còn một số di tích nằm trong lòng đất, cần tiếp tục khai quật để làm rõ, hàng chục hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa đã được phát hiện. Đây có thể là một phần đổ nát trong quần thể các di tích đền tháp Chămpa. Và điều khiến họ ngạc nhiên là mỗi ngày công việc khai quật càng khó đoán định đâu là điểm dừng, nhất là về quy mô của khu phế tích đền tháp. Cụ thể, nếu như cách đây vài ngày, người ta dự tính diện tích hố khai quật chỉ 36m2 thì đến ngày thứ 14 của cuộc khai quật (tức ngày 12-5-2011) hố khai quật đã được mở rộng ra 42m2, rất có thể vài ngày tới là 60-70m2 và hơn thế nữa. Con số cuối cùng của khu phế tích có thể lên đến hàng héc-ta, chứ không dừng lại ở 200m2.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn rất nhiều dấu tích, di chỉ Chămpa nhưng chưa được phát lộ. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiều nhà khảo cổ học đã sưu tầm trên địa bàn nhiều hiện vật như khu vực Xuân Dương (Nam Ô, Liên Chiểu), Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang), Phong Lệ (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ)... Năm 2008, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng sưu tầm được một số hiện vật về văn hóa Chăm nổi trên mặt đất vùng Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang).
Hiện tại, nơi đoàn khai quật đang ngày đêm làm việc có thể chỉ là một tòa tháp ở thềm đất thấp, mặc dù nó rất lớn. Các tòa tháp khác sẽ còn tập trung ở các gò đất cao hơn. Định diện tích khu phế tích đã khó (vì nhiều phần vẫn chìm sâu dưới lòng đất), việc gọi tên các phần đã khai quật càng không dễ dàng. Một ô cửa hình vuông đã được xác định ở phía đông hố khai quật; phần lúc đầu được xác định là cổng chính của tòa tháp thì nay đang bị nghi ngờ chỉ là phần sảnh…

Như trên đã nói, theo ông Chiều, nếu có điều kiện mở rộng khai quật, khả năng phát hiện một quần thể di tích sẽ rộng lớn hơn nhiều. “UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý cho chúng tôi khai quật đến hết tháng 10-2011, nhưng tôi nghĩ chúng ta không thể dừng lại ở đó. Với một quần thể di tích rộng lớn như thế này, hành trình phát hiện và khẳng định giá trị của nó hãy còn rất dài”.

Dự kiến, đến ngày 18-5 tới, đoàn khai quật, các cán bộ Bảo tàng Chăm, các cấp lãnh đạo thành phố và địa phương sẽ có cuộc họp để có những thẩm định đầu tiên về quần thể phế tích đền tháp Chămpa trên đất Đà Nẵng để định hướng những bước đi tiếp theo. Nếu mở rộng không gian và thời gian khai quật, rất có thể các cơ quan chức năng sẽ phải tính đến những vấn đề liên quan như kinh phí, việc di dời, đền bù đất ở cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực quần thể phế tích…

Bài và ảnh: Thanh Tân
;
.
.
.
.
.