.

Đến cà-phê để... khiêu vũ

.

Những năm gần đây, các quán cà-phê trên địa bàn TP. Đà Nẵng mọc lên như nấm, thi nhau khẳng định phong cách, sự độc đáo của mình bằng những cách thức khác nhau. Nào là Bar cà-phê, Cà-phê sách, Cà-phê karaoke, Cà-phê nhạc sống, Cà-phê phim, thậm chí có cả “Cà-phê chim”…

 

Mô tả ảnh.
Say sưa trong từng bước nhảy. (Ảnh chụp tại quán Cà-phê Led Garden)

 

Người đến quán cà-phê giờ đây không chỉ để đơn thuần nhâm nhi vị nước màu nâu, đắng mà còn tìm kiếm cho mình nhiều hình thức giải trí kiểu “2, 3, 4… trong 1”. Và một trong những hình thức giải trí đi kèm được ưa chuộng ấy là khiêu vũ.

Cho đời thêm xuân…

Thực tế, cà-phê khiêu vũ không phải là khái niệm mới đối với cư dân Đà Nẵng, nhưng điều đáng lưu ý trong vài năm trở lại đây là đối tượng hăng hái nhất không phải thuộc về giới trẻ mà là các bà, các cô đã đứng tuổi.

Lạc vào phòng khiêu vũ, nhạc sống của quán cà-phê mới mở Led Garden (trên đường Phan Thanh) khoảng 6 giờ tối, chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi không khí vừa rộn ràng vừa lãng mạn trong tiếng nhạc du dương, khi ngắm nhìn các cặp đôi dập dìu trong điệu nhảy… Trong những bước nhảy trẻ trung, tình tứ, trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của các mẹ, các dì, các cô… tôi thấy ánh lên cả một trời xuân sắc mặn mòi. Cô Nguyễn Thị Thúy (52 tuổi), trú ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê hổn hển nói khi tranh thủ mấy phút giải lao: “Cô là khách của quán từ ngày đầu tiên, cô đến đây để học nhảy. Tập ở đây rất thoải mái, chứ không gò bó, căng thẳng như ở các phòng tập chuyên nghiệp. Ở tuổi các cô, vừa học vừa chơi mới vào được con à”. Cô Đặng Thị Hồng Lê (55 tuổi, trú ở đường Nguyễn Tri Phương) ngồi cạnh góp chuyện: “Đi nhảy thế này vừa thư giãn vừa phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Cô mập thế này nhưng nhiều bệnh lắm: Tiểu đường, khớp, mỡ trong máu… Từ ngày đi tập thường xuyên ở đây thấy đỡ hẳn, người khỏe ra”.

Chủ quán cà-phê vườn Led Garden cho hay: “Quán chúng tôi mới mở nên chưa bàn chuyện doanh thu, chủ yếu lấy uy tín đã, được cái khách đến có vẻ thích thú, nên cũng mừng. Chỉ cần có khoảng 20.000 đồng, khách đến có thể vừa uống nước vừa nghe nhạc sống và nếu biết khiêu vũ thì nhảy luôn. Còn đối tượng đến học sẽ có học phí riêng”.

Nhu cầu chính đáng

“Nguyệt Ca mới có thêm phòng khiêu vũ được gần một năm nay, do nhu cầu của khách. Thấy họ nói có lý nên chúng tôi đã thuận lòng các thượng đế”. Cô Võ Cẩm Tú, chủ quán cà-phê Nguyệt Ca (đường Nguyễn Hoàng) cho biết. Chị Thùy, chủ cà-phê Đà Nẵng By Night - quán cà-phê khiêu vũ có bề dày gần 20 năm ở Đà Nẵng bày tỏ: “Trước đây đối tượng khách đến khiêu vũ chủ yếu là các bạn trẻ, bây giờ thì không giới hạn tuổi tác, các chị, các cô đến rất nhiều… Chúng tôi nghĩ đó cũng là một xu hướng tất yếu, một biểu hiện của đời sống hiện đại”.

Theo chúng tôi, đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, thế nhưng dường như đó không phải là quan niệm của tất cả mọi người. Bằng chứng là khi trò chuyện xong, thấy tôi bấm máy chụp hình, cô Thúy có vẻ rất lo lắng: “Cháu chụp thế nào đừng để lộ mặt mọi người đó nghe. Dù các cô đã nghỉ hưu, nhưng còn việc nhà, cơm nước vẫn cứ phải lo cho chồng, cho con yên tâm công tác, học tập. Không phải ai cũng thông cảm cho tụi cô đâu. Nghe nhảy nhót là họ không ưa rồi. Có người còn nghĩ bậy bạ, này nọ, phiền lắm cháu!”.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.