Chị vừa nói vừa làm mẫu động tác cho các học sinh làm theo, thân hình mềm mại, uyển chuyển theo từng động tác múa. Chị là Nguyễn Thị Hội An, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Chị Hội An chỉnh sửa động tác cho học viên. |
Từ nhỏ, Hội An đã sớm thể hiện năng khiếu và niềm đam mê nghệ thuật múa. Năm 2009, khi làm luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học, chị chọn đề tài “Múa Chăm ở Ninh Thuận”. Chị đã dành nhiều thời gian, tâm sức, lặn lội nhiều nơi để tìm hiểu, thu thập tư liệu. Chị ngược xuôi với các lễ hội của người Chăm tại các làng Hữu Đức, Đô Vinh, Bàu Trúc (Ninh Thuận) và ở nhiều địa phương có người Chăm sinh sống, tìm hiểu tỉ mỉ những điệu múa Chăm cũng như ý nghĩa của từng động tác múa. Luận văn của chị giàu tính thuyết phục bởi nội dung phong phú, ấn tượng và đã đạt điểm xuất sắc.
Gần 15 năm công tác tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành phố, Hội An đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong giảng dạy và các hoạt động khác. Chị đã đạt giải nhất giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thành phố Đà Nẵng, giải nhì giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc (2003), tham gia biên đạo và dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố. Chị cũng đã nhiều lần đảm nhiệm xây dựng, hướng dẫn luyện tập chương trình nghệ thuật của thành phố tham gia Hội thi Tiếng hát học sinh - sinh viên toàn quốc và đạt được những kết quả nổi bật, trong đó năm 2010 giành giải nhất toàn đoàn.
Năm 2004, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành phố lần đầu tiên mở khóa đào tạo diễn viên múa dân gian và Hội An được giao phụ trách bộ môn này. Tham khảo giáo trình của Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường Múa thành phố Hồ Chí Minh và nghiên cứu nhiều kiến thức liên quan, Hội An đã xây dựng giáo trình múa dân gian dân tộc hệ sơ cấp và trung cấp, phù hợp với đặc điểm vùng đất Trung Bộ, giúp học sinh dễ tiếp thu, thực hiện. Từ đó đến nay, nhà trường đã đào tạo hàng trăm diễn viên múa cho Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Khóa học nào, Hội An cũng dốc tâm huyết truyền đạt, hướng dẫn, uốn nắn cho học sinh từng động tác nhỏ. Đặc biệt, chị còn phụ trách bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên dạy bộ môn múa dân gian dân tộc cùng một số chuyên ngành khác của nhà trường và cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Hằng năm, Hội An tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, hội thi, hội thảo về công tác giảng dạy. Những công trình của chị được Hội đồng Sư phạm nhà trường thống nhất vận dụng, điển hình như công trình “Một số phương pháp bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi bộ môn múa dân gian dân tộc tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng”. Hội An tâm sự: Giáo viên dạy múa dân gian dân tộc phải thường xuyên cập nhật thông tin, nắm vững ý nghĩa của các điệu múa dân gian và am hiểu tường tận cốt cách, bản sắc của từng dân tộc, qua đó chắt lọc những tinh hoa, tinh túy để giảng dạy cho học sinh.
Năng động, hòa nhã, tận tình với đồng nghiệp, Hội An được tập thể quý mến và 2 nhiệm kỳ được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành phố. Chị đã dẫn dắt phong trào Công đoàn nơi đây đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong các hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM