.

Nguyễn Duy đến với thơ lục bát như thế nào?

.

Nhà thơ Nguyễn Duy có lần tâm sự, ông sinh ra như thể từ đất cát, bùn lầy, rơm rạ. Vùng quê ông ở là nơi mà dân gian vẫn tếu táo gọi đùa là “khu 4 đẩy ra, khu 3 đẩy vào”, vùng đất rất oai hùng như câu ca dao trào lộng: “Oai hùng Thanh Hóa ta đây, vua thì cũng lắm ăn mày cũng đông”. Vùng đất ấy, trong cảm nhận của ông cũng như bao người con xứ Thanh, nghèo như một thứ “gene” di truyền nên chẳng ai thấy lạ khi phải đối mặt với những khó nhọc ngay từ trong trứng nước.

Nơi Nguyễn Duy sinh ra là một làng quê nghèo ở làng Hà Trung, rất gần với Gia Mưu ngoại trang, nơi phát tích nhà Nguyễn, một vùng chiêm trũng nên cũng thật nhiều kham khổ. Nhìn lại cả làng ông hồi đó, có thể nói, những người gọi là có chữ vốn đã rất ít, người đỗ đạt cao lại càng hiếm. Nhà thơ sống cùng bà ngoại, một nông dân mù chữ. Nhưng có một điều rất lạ, người bà không biết chữ đó lại chứa trong mình cả  kho tàng ca dao, hò vè, tục ngữ, ngạn ngữ, truyện cổ tích, truyện tiếu lâm, truyện nôm khuyết danh và những đoạn thơ lục bát đầy cảm thương trong Truyện Kiều.

Vào những đêm hè trải chiếu nằm trên bờ đê sông Mã, khi cầm quạt mo vỗ về ru giấc cho anh em Nguyễn Duy, bà đã ngâm nga những câu ca dao, dân ca nồng ấm nghĩa tình. Ngay trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, hễ nói điều gì bà cũng vận thành ngữ, tục ngữ. Và cứ thế, lũ trẻ con như nhà thơ Nguyễn Duy thuở đó tuy chưa biết chữ nhưng những câu, chữ, những ý tứ của ca dao, tục ngữ dân gian cứ lặng lẽ thấm vào tâm hồn. Hóa ra, nhà thơ đã được ngâm tẩm trong cái suối nguồn ca dao từ thuở đó và bản thân ông cũng hoàn toàn không có ý thức về điều này, mọi chuyện cứ tự nhiên và hồn nhiên như cây cỏ. Sau này, lớn lên, khi đi học, nhà thơ vẫn tiếp tục ghi chép nhật ký bằng lục bát, cái gì cũng vận vào lục bát, để rồi thành ra ông mê thể thơ này từ lúc nào không biết. Mê từ tình yêu tự nhiên chứ không phải bắt đầu từ sách vở hay sự dạy dỗ của nhà trường.

Đến tuổi đi học, khi bắt đầu học chữ thì cái chất ca dao, hò vè đã tự có trong tâm hồn và tư duy của nhà thơ Nguyễn Duy từ bao giờ, không cần phải thâu nạp thêm nữa. Nhưng hồi đó, trong những bước đầu chập chững làm thơ, ông cũng như bao người khác, viết những bài thơ khá nôm na, kiểu như bài Trên sân trường:

Đứa chơi đáo, đứa nhảy vòng
Còn tôi đứng nhìn dòng sông
Tôi không chơi đáo vì không có tiền
Có tiền tôi cũng không chơi
Vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền.

 
Có thể thấy, bài thơ rất nôm na, tác giả không hề có ý thức gọt giũa, nắn nót câu chữ, nghĩ sao nói vậy, có gì nói đấy. Nhưng có điều mà hẳn nhà thơ Nguyễn Duy cũng không ngờ, sau này, dù trong hành trình của cuộc đời đi hết từ miền này đến miền kia, làm hết thể thơ này tới thể thơ khác, nhưng rồi cuối cùng, ông lại trở về và gắn bó sâu sắc với thể thơ lục bát. Và câu chuyện trở về này cũng rất đặc biệt, nó gắn với một kỷ niệm rất sâu sắc của ông với chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những năm 1962-1963, giống như những người mới bước vào làng thơ, chịu ảnh hưởng của những lối thơ tân kỳ, cố ý tạo sự dị thường, khác biệt, Nguyễn Duy cũng bắt chước làm những bài thơ gọi là hiện đại hóa theo cách người ta vẫn gọi. Thuở ấy, ông mới vào lớp tám, Trường cấp 3 Lam Sơn.  Khi đó, ông viết những bài thơ kiểu như bài Người vợ của tôi:

Tôi hình dung người vợ của tôi
Da thịt bằng gang, tim gan bằng chì và ruột
                bằng cứt sắt
Cái mặt nửa đỏ nửa đen răng lợn lòi chìa ra
                  nhọn hoắt
Đôi mắt đèn pha phòng không sáng quắc
Khi trợn lên mắt thiên hạ nhắm nghiền
Nụ cười dịu hiền ngoác ra như hố bom
Khi xuất hiện thì miệng đời méo xệ.


Và cứ cái mạch như vậy, ông đã làm khá nhiều bài thơ kiểu đó: Người vợ của tôi, Những đứa con của tôi, v.v… trong đó chia sẻ những tưởng tượng rất kỳ quặc. Sau này khi đi lính, nhà thơ đã chép những bài thơ đó và gửi cho báo nọ, báo kia, nhưng chẳng chỗ nào in cả. Thế rồi một đêm, nhà thơ nằm dưới hầm nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát chương trình văn nghệ. Ông được nghe nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói về tính hiện đại trong ca dao Việt Nam. Ông thấy nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói rất hay về việc trong tính cổ điển của ca dao luôn có sự tươi mới, hiện đại, đó cũng là những điều rất thiết yếu làm nên giá trị văn hóa - văn học hôm nay. Có không ít điều nhà thơ thấy mình cũng đã nghĩ như vậy, chỉ có điều ông không nói ra được thành lời như cụ Hoài Thanh hôm ấy.

Từ sự đồng cảm và tâm đắc đó, Nguyễn Duy chép mấy bài thơ đã làm theo thể lục bát để gửi cho nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong đó có những bài như: Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Bài hát người làm gạch. Ông gửi về cho cụ Hoài Thanh ở địa chỉ 58 Quán Sứ, Hà Nội mà không hề biết lúc đó, cụ đang là chủ nhiệm Báo Văn nghệ. Và thật may, Đài Phát thanh đã chuyển bức thư của ông tới cụ.

Sau đó, thi sĩ trẻ Nguyễn Duy nhận được thư của nhà thơ Phạm Hổ, lúc đó là Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ. Lá thư đó xin phép Nguyễn Duy cho Báo Văn nghệ được in mấy bài thơ. Nguyễn Duy lạ quá, lúc ông gửi thơ ào ào thì chẳng báo nào in, còn lúc ông không gửi nữa thì báo Văn nghệ lại… xin được in thơ ông. Cố nhiên, dù bất ngờ, nhưng thi sĩ trẻ vẫn rất mừng. Ông gửi thư trả lời và kèm một số bài thơ khác nữa. Sau đó, Nguyễn Duy nhận được thư của nhà văn Vũ Tú Nam, đóng dấu Báo Văn nghệ đỏ tươi, trong thư đề nghị mời ông lên gặp Ban Biên tập báo để bàn việc in nguyên một trang thơ. Thoạt tiên, Nguyễn Duy chưa hiểu đầu đuôi sự việc ra sao. Tuy vậy, ông vẫn lò dò tới tòa soạn trong trang phục là bộ quần áo rộng thùng thình. Đi qua đi lại trụ sở Báo Văn nghệ, ông nhìn vào thấy chị Xuân Quỳnh rất đẹp, phía sau là ông Xuân Diệu với cái đầu thật to cứ lắc đi lắc lại, Nguyễn Duy thấy lòng mình hồi hộp quá. Sau đó, trong buổi gặp Ban Biên tập, ông biết nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đọc một số bài thơ của mình và nói rằng, Báo Văn nghệ sẽ in nguyên một trang thơ Nguyễn Duy, sau đó sẽ in bài giới thiệu của Hoài Thanh. Thế là cái Tết năm 1971-1972, Nguyễn Duy được đặc cách in 2 bài trong một số báo Tết. Đó cũng là lần đầu tiên ông được in thơ trên Báo Văn nghệ và sau đó là được in riêng một trang thơ. Đến ngày 14-2-1972, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có một bài viết dày dặn giới thiệu thơ Nguyễn Duy và chùm thơ của ông, trong đó có những bài sau này được giải thưởng như Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Giọt nước mắt và nụ cười, Hơi ấm ổ rơm.

Nhờ sự kiện đó mà sau này, Nguyễn Duy có thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục làm thơ. Những trải nghiệm nghề đầu tiên đó đã khiến ông thực sự tin tưởng vào quan niệm sáng tác. Hãy cứ mộc mạc, hãy cứ viết những gì đúng như mình nghĩ, viết cái gần với mình, gần với lòng thực, tình thực và lời thực của mình thì có thể tác phẩm sẽ lan truyền được sự cảm thông tới người khác. Và hóa ra, cái ngôn ngữ của nhà thơ chẳng thể đào được ở đâu hay chế tạo, đào luyện ra, nó đã có sẵn trong đời sống, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Có nhiều người cho rằng, nhà thơ là người sáng tạo ra ngôn ngữ, nhưng thực tế trải nghiệm đã giúp Nguyễn Duy hiểu rằng, nhà thơ thực chất là người đi phát hiện, gom nhặt những ngôn ngữ có sẵn trong cuộc đời này, sau đó chọn lựa, trau chuốt và đưa nó vào thơ mình sao cho phù hợp. Đến bây giờ, ông cho rằng mình vẫn đang “cọc cạch” trên đường sáng tạo theo cách ấy. Mọi người đọc thơ ông hẳn sẽ thấy thơ Nguyễn Duy luôn là thứ ngôn ngữ rất giản dị, thông dụng, nhưng đã được trau chuốt, đẽo gọt và được lựa chọn “điểm rơi” thật đích đáng thế nào.

Một trong những bài thơ đã khiến tên tuổi Nguyễn Duy thành điểm nhấn không thể thiếu trong làng thơ lục bát là Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Cũng cần phải nói thêm đôi chút về hoàn cảnh sống của Nguyễn Duy để  hiểu thêm về bài thơ này. Mẹ nhà thơ mất sớm, ông và cô em ruột ở với bà ngoại từ tấm bé. Chính trong hoàn cảnh đó, ông học được ở người bà ngôn ngữ dân gian. Bà là người thầy đầu tiên dạy ông nhân cách sống và dạy ông cả lối làm thơ. Bà rất sùng đạo Phật, bà luôn dạy ông những điều vốn đã thành tâm niệm sống, rằng ở hiền gặp lành, rằng thương người như thể thương thân, rằng ác giả ác báo. Có những điều mà mãi sau này khi lớn lên, ông mới hiểu, chúng liên quan rất chặt tới lẽ sống mà bà ông luôn ngưỡng mộ, ngưỡng mộ tự nhiên như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Và sự truyền dạy của bà đã theo suốt cuộc đời ông. Dù làm gì, ở đâu, ông cũng luôn nhớ về. Ông hình dung về người mẹ đã khuất của mình cũng qua chính những điều gần gũi, thân thiết nhất cảm nhận được từ người bà hiền từ đó.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.