Những ngày này, nhiều khán giả hồi hộp chờ đợi vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tái diễn vào hai đêm 24 và 25-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vậy là sau 47 năm ra đời và 36 năm kể từ lần diễn gần nhất, vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã được phục dựng với một ê-kíp hoàn toàn mới.
Trong khi nhạc kịch ngày càng thưa vắng khán giả và các nghệ sĩ kịch hát opéra không thể sống bằng nghề, sự xuất hiện của 2 đêm diễn Cô Sao thắp lên ngọn lửa và tình yêu opéra của nhiều người. Thế nhưng, chuyện bán vé cho những “đêm kinh điển” như thế này vẫn rất… rụt rè, dù biểu diễn ngay tại Nhà hát Lớn Hà Nội. NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết, vì mãi tập trung vào việc phục dựng và tập luyện cho 2 đêm diễn, nên cũng chưa bàn tới chuyện bán vé. Ngoài số lượng khách mời chủ yếu, vé xem vở nhạc kịch này sẽ được bán theo “thông lệ”, cao nhất chỉ 600.000 đồng.
Lần biểu diễn thứ hai năm 1976, tên vở nhạc kịch được đổi thành A Sao (ảnh trái) và Poster Cô Sao 2012. |
Dũng cảm
Việc Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phục dựng, công diễn trở lại vở nhạc kịch Cô Sao được đánh giá là hành động dũng cảm. Bởi lẽ, sau 2 lần được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dựng vào năm 1965 và 1976, Cô Sao đã… biến mất, chỉ còn trong ký ức một vài thế hệ. 36 năm trôi qua, những người từng thổn thức với Cô Sao một thời nay đã mất, hoặc quá già; và những đứa trẻ hồi vở nhạc kịch diễn lần thứ hai cũng sắp chạm tuổi 40 - chính là độ tuổi nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết vở nhạc kịch “định mệnh” của đời mình cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể dũng cảm tái diễn Cô Sao ở thời điểm này, Ban tổ chức còn phải vượt qua khó khăn lớn, đó là nguồn kinh phí. Với số lượng diễn viên đông đảo lên tới gần 200 người, cùng với chuyện phục trang, thiết kế sân khấu… thì kinh phí không hề nhỏ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được sự đồng lòng từ các đơn vị tham gia. Bên cạnh đó, với sự ủng hộ của Bộ VH-TT&DL, các nhạc sĩ hội viên tình nguyện đóng góp những “viên gạch” để xây dựng tượng đài âm nhạc này.
Phục dựng 1.000 trang tổng phổ
Lý giải về sự vắng bóng sau 36 năm của vở nhạc kịch Cô Sao, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân than thở rằng, công tác lưu trữ không tốt nên bản tổng phổ Cô Sao đã thất lạc, việc phục dựng gần như là bất khả thi. Những “di sản” còn lại chỉ là các băng ghi âm từng trích đoạn, các bản aria mà những ca sĩ từng thể hiện vở nhạc kịch như Ngọc Dậu, Lê Dung còn lưu giữ. Để Cô Sao tái xuất trên sân khấu lần này là nhờ một may mắn khi gia đình tìm được bản chép tay của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bằng bút chì, từ năm 1960. Hơn một năm với rất nhiều tra cứu, so sánh, cuối cùng 1.000 trang tổng phổ Cô Sao đã được phục dựng, chỉnh lý đúng với tinh thần nhạc sĩ Đỗ Nhuận gửi gắm.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Khi tìm được bản nháp, tôi rất vui mừng nhưng không dám kỳ vọng nhiều vì bản nháp không hoàn chỉnh, còn nhiều thay đổi khi chép nhạc. Bên cạnh đó, theo thời gian, các nét bút chì nhiều chỗ không còn đọc rõ. May mắn là sau đó, tôi tiếp tục tìm thấy bản rút gọn viết cho đàn piano, nhờ thế có hướng đi, đoán được sự phát triển của các câu nhạc. May mắn nữa là tôi đã được xem cả hai lần biểu diễn và vẫn còn nhớ khá rõ từng bản diễn”.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, bản tổng phổ mới không trung thành với nguyên gốc chép tay, nhiều chỗ bản gốc chuyển đoạn không hợp lý, những nốt nhạc chưa hay, hay đoạn kết còn lê thê, dài dòng - theo phản ánh của những người đã được xem bản dựng đầu tiên vào năm 1965. Qua chỉnh lý của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một số đoạn được phối khí mới, phát triển mở rộng cho phù hợp với hơi thở thời đại hiện nay. Ông cho rằng, việc điều chỉnh trong khi hoàn thiện 1.000 trang tổng phổ mới từ bản chép tay bút chì như cách thức đồng sáng tạo của con với tác phẩm của cha, giúp nâng tác phẩm lên nhưng vẫn tôn trọng tuyệt đối những đường nét chính của nguyên bản.
Một cảnh trong vở Cô Sao công diễn năm 1965. |
Lo lắng
Khi thấy ê-kíp dựng Cô Sao lần này có nhiều gương mặt trẻ như đạo diễn Huyền Nga mới ra trường, diễn viên vào vai cô Sao là ca sĩ trẻ Hà Phạm Thăng Long, ca sĩ Mạnh Dũng vai người tù chính trị Hồng Hà…, nhiều người lo ngại cho chất lượng bản diễn.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trấn an: “Tôi nghĩ rằng, ê-kíp trẻ có sự may mắn, quyết đoán và có cả sự phiêu lưu nữa”. Ông nói thêm: “Tôi khâm phục ê-kíp làm việc này. Bởi lẽ, ngoài những gương mặt trẻ, còn có nhạc trưởng Nhật Bản Tetsuji Honna chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Mạnh Chung chỉ huy dàn hợp xướng, NSND Nguyễn Anh Phương biên đạo múa... Điều đó khiến tôi tin chắc rằng đây là lựa chọn tốt nhất cho việc phục dựng và công diễn Cô Sao lần này”.
Ca sĩ Hà Phạm Thăng Long (37 tuổi) thừa nhận mình có một chút áp lực, nhất là khi biết trước đây vở nhạc kịch đã được “thế hệ vàng” biểu diễn nên cô không thể chủ quan. Theo Thăng Long, thuận lợi của vở nhạc kịch là sử dụng toàn bộ tiếng Việt, hiểu được từng từ mình phát ra. “Tuy nhiên, dù cùng hiểu về nghĩa của ca từ như nhau thì vẫn sẽ đưa đến cảm xúc khác nhau, tùy vào cá nhân nghệ sĩ. Tôi thấy mỗi người có mỗi cái hay riêng và đó cũng là điều làm nên sự khác biệt”, Thăng Long nhấn mạnh khi bị so sánh với các bậc đàn chị từng vào vai cô Sao như Ngọc Dậu, Kim Định, Thúy Hà…
Đạo diễn trẻ Huyền Nga cũng khẳng định rất vinh dự khi làm đạo diễn vở Cô Sao bản diễn lần thứ 3. Cô thừa nhận đây là việc vô cùng lớn lao, chịu nhiều áp lực, nên đã dành hết tâm trí để truyền đạt tốt nhất tinh thần tác phẩm với công chúng.
Còn đại diện ê-kíp sáng tạo, ông Tetsuji Honna - Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - cam kết: “Tôi sẽ chỉ huy tác phẩm này một cách đầy trân trọng và cố gắng biểu đạt đúng tinh thần của nó”.
Sự xuất hiện trở lại của Cô Sao sau 36 năm, nếu làm tốt sẽ xứng đáng trở thành sự kiện âm nhạc của năm 2012, là hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10-12-1922 - 2012) và nhân 55 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2012).
Cô Sao được ghi nhận là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, kể câu chuyện về cuộc đời của một cô gái Thái xinh đẹp, nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, bị các quan lang nhòm ngó, sống trong lo lắng sợ hãi về thân phận nghèo hèn, đối đầu với bao tai ương nghiệt ngã và bất công nơi rừng núi Sơn La âm u. Cách mạng về đã thay đổi cuộc sống và thân phận của A Sao. Với vốn kiến thức văn hóa sâu rộng cộng với tài năng của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thổi vào vở nhạc kịch chất liệu dân ca Việt – Thái, tạo hiệu ứng nghệ thuật mạnh mẽ. Đỗ Nhuận đã tập trung viết vở nhạc kịch này với chủ đề “cách mạng giải phóng con người”. Ông đã khởi nguồn dòng cảm xúc mạnh mẽ của mình từ câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. |
NGUYỄN THÀNH