.

Nhớ thời bếp củi

.

Vùng đất Hòa Khánh, Liên Chiểu cách đây 30 năm ít dân, thưa nhà ở nên có rất nhiều cây cối. Trong sinh hoạt nấu nướng, mọi người thường tận dụng những thứ cây củi có sẵn trong nhà hoặc dễ tìm làm chất đốt. Những vườn dừa, vườn ổi, vườn chuối dày đặc, um tùm. Ngay cả bãi dương liễu ngút ngàn trên bãi biển Xuân Thiều cũng là nguồn củi khai thác vô cùng phong phú cho dân địa phương.

Ở thôn quê bây giờ hiếm người nấu bếp bằng củi.      Ảnh: D.ANH
Ở thôn quê bây giờ hiếm người nấu bếp bằng củi. Ảnh: D.ANH

Những năm 1980, chúng tôi cùng gia đình từ Bắc chuyển vào sinh sống nơi đây. Hồi đó, nhà ai cũng nghèo, các bậc cha mẹ nghiêm khắc rèn con từ rất sớm. Những đứa trẻ lên 6-7 tuổi đã biết giúp việc vặt trong nhà như xách nước, kiếm củi nấu cơm. Với sức vóc nhỏ như tôi, để kiếm được một đống củi nấu dự trữ cho cả mùa mưa là những chuỗi trưa hè vất vả.

Lớn lên một tí, khi bắt đầu tập tành leo lên được chiếc xe đạp là lúc chúng tôi một buổi đến trường, một buổi cùng bạn bè trong xóm lên núi Đa Phước đi cắt cây rừng về phơi. Sau nửa buổi chất đầy xe, ra tới đường quốc lộ do đứa đi trước chở củi cao quá tầm nhìn, xe tôi đi sau loạng choạng đụng phải chiếc xe Lam đi ngược chiều. Cú hất chỉ đụng vào bó cây rừng nhưng cũng làm tôi ngã, tay trái bị gãy phải đưa bệnh viện bó bột.

Thời đó, ruộng lúa còn nhiều, sau khi thu hoạch, người ta thường lấy gốc rạ phơi khô để thổi cơm. Thứ rạ vừa xót khi vơ cuộn tròn lại, vừa khó nấu vì cứ phải ngồi chằm chằm để đẩy vào bếp. Có khi lửa cháy nhanh quá lan đến cả tay phỏng sạm. Rồi có giai đoạn nhà nhà chuyển sang nấu bếp mùn cưa, cứ mỗi lần đặt chai thủy tinh vào giữa cái lò sắt lại phải dùng hết sức để nhồi cho chặt. Tay yếu, mùn cưa vẫn lỏng xoẹt, mới nấu được một nửa nồi cơm đã sập lò. Vậy là hôm đó cả nhà phải ăn cơm sống.

Phong phú nhất là nguồn củi dừa, đất rộng, mỗi nhà trồng hàng chục cây dừa cao chót vót. Mấy đứa trẻ chúng tôi cũng sớm biết leo dừa hái trái cho mẹ bán. Có thể nói, toàn thân cây dừa không có một phần nào là vô tích sự. Người ta sử dụng hết tất cả phần gốc tới ngọn. Trái dừa làm nước uống, cùi dừa dùng để làm kẹo dừa khô hoặc nạo ra lấy nước cốt nấu chè. Đọt non dừa làm món gỏi trộn. Xơ dừa làm thảm chân. Xương dừa làm chổi quét. Khi bị lỗi, ba mẹ đánh cũng bằng củi dừa. Rồi những trưa nắng, cầm dao róc lá dừa sao đó róc luôn cả vào tay máu chảy bê bết. Nhưng phải thừa nhận củi dừa nấu thật sướng, khô, giòn, cháy ngùn ngụt. Tội nhất là ngày mưa, củi ẩm ướt, nhóm hoài không đỏ lửa, nấu nồi cơm khởi động mất 2-3 tiếng đồng hồ. Đến bữa, ba mẹ đi làm về thì nồi cơm “trên sống, dưới khê, ba bề nhả nhách”, chúng tôi lại bị một trận đòn vì tội ham chơi để nồi cơm thành nồi cháo. Oan ức thấu trời mà chẳng biết kêu ai. Bữa hết củi, người lớn trong nhà đi vắng, leo lên giàn mướp bên nhà rút từng thanh tre xuống nấu, gặp bầy ong bầu đang hút mật hoa, chúng lao vào cắn túi bụi hai anh em, báo hại phải nghỉ học mấy ngày liền vì cái mặt sưng vù. Nhớ nhất là củi ổi, thân vừa cong queo lại chắc nịch rất khó chẻ, mẹ đem ra bảy cái nêm sắt, hai mẹ con dùng búa đóng từng cái một vào thân củi mới chẻ được từng mảnh nhưng cũng không được đun, phải để dành cho mùa Tết mới đem ra nấu bánh chưng.

Cuộc sống dần đổi thay, hầu như nhà nào cũng sắm được nồi cơm điện, chấm dứt những tháng ngày “đánh vật” với cơm nấu bằng lá tre, lá chuối. Chẳng bù cho những hôm trời mưa củi nhom hoài không cháy, đưa miệng vào cái ống thổi lửa thổi phồng mang tai mà vẫn không đỏ. Mà nhớ hơn cái lúc không có quẹt gas như bây giờ, chỉ có mỗi cái bật lửa đánh bằng viên đá nhỏ xíu. Dùng lâu ngày, tim bấc thụt vào kéo hoài không lên muốn “nổi khùng”, phải cầm cái đèn dầu nhỏ chạy qua nhà hàng xóm xin chút lửa về nấu cơm. Đi tới nửa đường gió thổi vù lại tắt. Cứ thế chạy qua chạy về năm bảy lần mới nấu được nồi cơm. Đến bữa ăn, chúng tôi đứa nào đứa nấy mặt mày, chân tay lấm lem vì than củi. Nhưng quả thật nấu bếp củi dù mùi cơm om đầy khói nhưng cơm cháy thì hết chê. Cạy được miếng cơm cháy rồi chan chút nước mắm ớt lên nhai thơm rồm rộm, hấp dẫn đến lạ kỳ.

Bây giờ, cuộc sống tiện nghi hơn, với bếp gas, bếp điện, bếp khè, chỉ cần khởi động “đánh tách” một cái, xào nấu vài phút là xong ngay. Có lần đứa cháu lớp 4 rủ rỉ rù rì hỏi “vững như kiềng ba chân” là sao, thế là được dịp tả thực lại cảnh nấu bếp củi ngày xưa. Đứa cháu gật gù nhưng thực tế chúng không hình dung ra được cái kiềng sắt 3 chân ngày xưa nhà nào cũng có để làm nên những bữa ăn dù còn thiếu thốn.

Bữa cơm ngày nay đã hết… khổ vì củi lửa, đã đủ đầy hơn, rảnh rang hơn, nhưng sao vẫn đầy ắp hoài niệm một thời cơ cực mà nhớ mãi.

DUYÊN MAI
 

;
.
.
.
.
.