.

Bệnh viện dưới mưa bom B-52

.

Giữa những ngôi nhà cao tầng đèn điện sáng hôm nay, nhiều người không hề biết Bệnh viện Bạch Mai (trên đường Giải Phóng, Hà Nội) đã trải qua những đêm bị dội bom kinh hoàng vào tháng 12-1972, nhất là có đến 28 người chết, 22 người bị thương trong trận bom ngày 22-12-1972.

Với ông Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện sống ở 34 Yết Kiêu (Hà Nội), đó là những ký ức không thể nào quên.

“Mình có thể chết”

Ông Đỗ Doãn Đại 	Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Ông Đỗ Doãn Đại Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Năm 1972, ông Đại 46 tuổi, mới được điều chuyển từ ĐH Y sang làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông Đại vẫn nhớ như in lần đầu tiên bệnh viện “dính” bom Mỹ là ngày 26-7, làm một bác sĩ và một công nhân chết. Sau trận bom ấy, Bệnh viện Bạch Mai nhận nhiệm vụ sơ tán. Nhưng sơ tán đi đâu khi cả miền Bắc lúc đó có 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức là lớn nhất. Bệnh viện Bạch Mai có nhiệm vụ với bệnh nhân các tỉnh phía Nam, còn Bệnh viện Việt Đức đảm nhận phần phía Bắc.

“Đến lần Mỹ ném bom vào ngày 18 và 20-12, chúng tôi chỉ bị tổn thất về nhà cửa. Nhưng trận sáng 22-12 thì kinh hoàng”, ông Đại hồi tưởng. “Đêm 21-12, tôi ngủ ở nhà (khu tập thể Kim Liên, rất gần Bệnh viện Bạch Mai). Rạng sáng 22, thấy khu tập thể Kim Liên chao đảo hết cả, rồi những quầng lửa đỏ và những tiếng ầm ầm của B-52, sau đó là hàng loạt bom dội xuống. Tôi nghe tiếng nổ biết là Mỹ đánh hướng bệnh viện, tự nhủ Bệnh viện Bạch Mai dính bom rồi. Khi nghe còi báo yên, tôi liền đạp xe sang bệnh viện ngay. Từ nhà tôi sang bệnh viện chỉ chừng dăm phút. Đến nơi thì trời chưa sáng. Khi vào đến cổng, tôi không bước đi được nữa. Các khoa Thần kinh, Tâm thần, Da liễu… bị bom đánh tơi bời. Cả tòa nhà từ tầng 2 sập xuống tầng 1, vùi kín hết cả miệng hầm. Tôi nghe thấy tiếng rên la, kêu khóc, kêu cứu…”.

Đã có thời gian đi bộ đội nhưng ông Đại vẫn không thể tưởng tượng nổi chỉ trong tích tắc, bom Mỹ đã biến Bệnh viện Bạch Mai thành đống đổ nát. Những khối nhà kiên cố cũng đổ sụp. Bao nhiêu thiết bị, máy móc, thuốc men bị hư hỏng. Kinh hoàng nhất là thiệt hại về người. Lúc ấy, Bệnh viện Bạch Mai có gần 400 bệnh nhân; số lượng bác sĩ, y tá, nhân viên cũng cả trăm người. Sức hủy diệt thế này khiến ông không thể biết được có bao nhiêu người bị vùi trong các đống đổ nát. Ông Đại kể tiếp: “Tôi và các anh em bò vào những chỗ có tiếng kêu cứu ở khu Da liễu. Mọi người nói tôi đừng bò vào nhưng tôi bảo không được, có mặt tôi thì mọi người sẽ yên tâm hơn. Lối bò vào trong đống đổ nát đó nếu rung chuyển thì có thể sập xuống, mình có thể chết. Tôi cũng sợ chứ, nhưng mình không vào thì không được. Khi tôi bò vào, tiếp cận với những người kêu cứu trong đó, tôi nắm lấy chân, tay họ, bảo tôi - giám đốc Đại đây rồi!”.

Bệnh viện Bạch Mai sáng 22-12-1972 (ảnh lớn). Các bác sĩ, y tá bàn cách cứu người trong hầm sập ở Bệnh viện Bạch Mai. 		Ảnh: CHU CHÍ THÀNH
Bệnh viện Bạch Mai sáng 22-12-1972 (ảnh trái). Các bác sĩ, y tá bàn cách cứu người trong hầm sập ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Giải phẫu xác để cứu người bị thương

Ngừng một chút, giọng ông Đại như chùng xuống. Ông kể: “Chúng tôi cho xe kéo các tấm bê-tông, mở những con đường, cứu được một số anh em. Vào sâu thêm tí nữa thì gặp chị Hoàng Thị Thoa, ngoài 30 tuổi, là y tá của khoa đã bị hầm sập chết và bịt mất lối vào. Anh em hỏi phải làm sao? Tôi cũng là bác sĩ ngoại khoa, tôi quyết định phải giải phẫu thi thể của chị. Anh em chần chừ, sau đó khấn chị tha lỗi vì phải làm như thế mới mở lối vào để cứu những người ở trong”.

Người thực hiện việc giải phẫu là bác sĩ Nguyễn Bá Kinh, năm đó tròn 30 tuổi và bác sĩ Nguyễn Văn Luân, khi đó 35 tuổi và là Phó Trưởng khoa Ngoại. Sau 40 năm, bác sĩ Nguyễn Bá Kinh vẫn nhớ rất rõ về quyết định khó khăn của “sếp Đại”: “Ông Đại gợi ý tháo khớp của người chết nằm đầu tiên, buộc dây cho bên ngoài kéo ra. Có lẽ vì trong chiến tranh nên mới có quyết định như thế, nhanh chóng và dứt khoát. Đề xuất việc tháo khớp người chết là sự dũng cảm của ông Đại, và thực hiện được cũng nhờ vào uy tín của ông. Tôi với Luân, hai anh em thắp hương quỳ giữa đường hầm, xin trời đất phù hộ cho được làm việc giải phẫu người chết. Hai người thay nhau mấy tiếng đồng hồ, khoảng từ 15-16 giờ đến 19-20 giờ mới xong”.

Nhưng đó cũng chưa phải là quyết định khó khăn nhất trong thời khắc nước sôi lửa bỏng mà không ai khác, ông Đại phải là người quyết định. Sau khi liên tiếp bom Mỹ rải thảm ở Bệnh viện Bạch Mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tố Hữu đến thăm hỏi, động viên. Ông Đại kể: Ông nhận được lệnh phải đưa toàn bộ bệnh viện đi, không được để ai ở chỗ này cả, kể cả ông cũng phải đi, vì Mỹ còn ném bom nữa.

Ông Đại kể tiếp, anh em có hỏi ông: “Lệnh như thế mà anh không tổ chức sơ tán à? Nếu Mỹ nó ném bom nữa là anh bị kỷ luật đấy”. Ông cười xòa bảo: “Úi giời, nó đánh nữa thì cả anh em mình cũng chết rồi, lấy ai ra mà kỷ luật”. Đến tháng 1-1973, ông nhận được bức trướng của Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng trao tặng với dòng chữ: “Tặng Bệnh viện Bạch Mai anh dũng, kiên cường, bám trụ phục vụ người bệnh” kèm số tiền là 5.000 đồng.

Nói đến đây, ông Đại mới mỉm cười, bảo nếu mình chuyển đi thì có lẽ bệnh viện không nhận được bức trướng này.

Trong trận bom kinh hoàng rạng sáng 22-12 đó, là người đứng đầu bệnh viện, ông Đại còn phải đưa ra nhiều quyết định khác. Trong đó, có một quyết định quan trọng nữa, khiến ông day dứt mãi. Ông kể: “Chúng tôi ở lại, cứ làm như vậy đến ngày thứ 5 thì xảy ra ném bom Khâm Thiên. Lúc ấy, tôi vẫn ở bệnh viện, thấy nhiều tấm bê-tông ở Bạch Mai rơi nốt. Tôi tưởng bị bom tiếp, hóa ra không phải. Lần này là Khâm Thiên “dính” nặng, người chết và bị thương nhiều vô kể. Sáng 27-12, hai đội cứu sập đến đặt vấn đề với tôi: “Anh ơi, anh cho phép chúng em mới đi, anh bảo chúng em ở thì chúng em ở, vì ở đây vẫn chưa xong”. Tôi bảo xong thế nào được, vẫn còn tan hoang thế. Nhưng các anh ở với chúng tôi 5 ngày rồi, giờ Khâm Thiên cần lắm. Tôi biết chứ, thì thôi các anh cứ đi. Chúng tôi sẽ làm thủ công vậy”.

Quyết định “rất khó khăn” này của ông khiến nhiều người lo lắng, bởi nhỡ còn sót người thì sao. Ông Đại trấn an với mọi người: “Sót lại thì mình cũng phải làm thủ công thôi, vì sau 5 ngày rồi nên người sống cũng không còn, chỉ còn xác thôi. Bên Khâm Thiên vừa bị bom, giờ còn nhiều người đang cần cứu sống hơn”. Trấn an mọi người như vậy nhưng trong thâm tâm ông cũng canh cánh vì không thể biết quyết định của mình đúng hay sai. Những suy nghĩ đó làm ông bứt rứt khi các đội cứu sập đã đưa máy móc đi hết cả. Phải một năm sau, khi tất cả đống đổ nát ở Bạch Mai được bốc dỡ lên, đúng là không có bộ hài cốt nào, lúc ấy ông Đại mới được nhẹ lòng.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.