.
THẾ GIỚI SÁCH

Hồi ức sống trong “Đối mặt với B-52”

.

Đã có nhiều cuốn sách viết về chiến thắng của quân dân ta trong trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12-1972. Nhưng cuốn Đối mặt với B-52 (NXB Trẻ, 2012) vẫn tìm được một cách làm mới mẻ, hiện đại.

Sách Đối mặt với B-52 dày gần 200 trang, in màu.
Sách Đối mặt với B-52 dày gần 200 trang, in màu.

Cuốn sách còn có một “phụ đề”: Hồi ức Hà Nội (18-12-1972 – 29-12-1972), do một nhóm tác giả gồm 4 người - 4 phóng viên thực hiện. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi cuốn sách có cách thực hiện rất báo chí. Sách dày gần 200 trang, gồm 3 phần: Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại; 12 ngày đêm Đối mặt với B-52; Hiệp định Paris và Hòa bình.

Có lẽ nhiều người còn nhớ đến cái tên Đào Thanh Huyền, bởi cô từng là gương mặt có dấu ấn trong bản tiếng Pháp của VTV những năm về trước. Huyền cũng là đồng tác giả của cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử (Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009). Với Đối mặt với B-52, Đào Thanh Huyền đứng đầu danh sách nhóm tác giả. Sau Huyền là Đại tá - nhà báo Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không - Không quân, một “nhân chứng sống” của trận Điện Biên Phủ trên không 40 năm trước. Hai tác giả còn lại là nhà báo Đặng Đức Tuệ và phóng viên ảnh Trần Phúc Thái.

Không đi theo lối làm sử đã quen đã cũ, với đầy ắp các số liệu khô khan, nhóm tác giả của Đối mặt với B-52 lên kế hoạch tìm gặp các nhân chứng sống động, từng giữ trọng trách hoặc trực tiếp tham gia cuộc chiến. Qua đó rất nhiều câu chuyện - những “hồi ức sống” được kể lại. Nhân chứng lớn tuổi nhất sinh năm 1910, tức vào năm 1972 thì đã 66 tuổi. Nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, tức vào năm 1972 mới lên 6 tuổi. Người ta có thể đặt câu hỏi, liệu ký ức của mỗi nhân chứng sống có là chính xác? Câu trả lời là “khó”, nhưng khi các nhân chứng sống cùng ngồi lại, lịch sử được kể bằng hồi ức của nhiều người, ai nói không chính xác, ai có ý “tô hồng” sẽ bị phát hiện và xác thực lại. Chẳng hạn, do dự về hồi ức của một cậu bé 6 tuổi có chính xác không, tác giả Đào Thanh Huyền đã phải gặp gỡ thêm cả bố mẹ nhân chứng đó. “Hồi ức đó hoàn toàn khớp với bố mẹ. Có nhiều điều có thể quên nhanh, nhưng những gì liên quan đến bom đạn, sống chết sẽ hằn sâu hơn thế”, Đào Thanh Huyền nói.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai ví von rằng, nhóm tác giả đã “tay không làm sách” chứ không phải là công trình được đầu tư, nên có thể nói các tác giả vô cùng tâm huyết. Ngoài những hồi ức sống động, còn đăng kèm ảnh nhân chứng ở thời điểm hiện tại, những hình ảnh tư liệu lần đầu công bố; các sơ đồ, bản đồ chi tiết và nhiều bộ ảnh chiến tranh của các nhà báo chiến trường thuộc TTXVN…

Nhà báo Đặng Đức Tuệ cho biết, nếu không ghi lại hôm nay thì những ký ức đó cứ xa dần. Mất hơn 700 ngày để tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ 116 nhân vật, ghi chép từng mẩu chuyện, Đào Đức Tuệ khiêm tốn bảo rằng chính các nhân chứng mới là tác giả thật sự của cuốn sách này. Còn với tư cách một trong 4 người chịu trách nhiệm thẩm định cuốn sách, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - cho rằng, đây là một cách dựng lại lịch sử rất sinh động, là cách làm cần khuyến khích. Nếu không có từng câu chuyện của từng con người thì sẽ chỉ là lịch sử chung chung mà những người trẻ hôm nay có thể không mấy quan tâm.

“Nếu những ai muốn tìm hiểu trọn vẹn về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thì một cuốn sách này không đủ, và phải tìm kiếm thêm ở những cuốn sách khác. Đó cũng nằm ngoài mục đích của nhóm tác giả cũng như NXB Trẻ. Thông qua cuốn sách này, NXB Trẻ muốn cung cấp những tư liệu lịch sử, thông qua những nhân chứng sống động của sự kiện cách đây 40 năm để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử, về thủ đô Hà Nội”

(Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ)

HƯƠNG GIANG

;
.
.
.
.
.