.

Thương nhớ Khâm Thiên

.

Khâm Thiên chiều cuối năm hun hút gió lạnh. Tôi trở lại con phố này vào một chiều đông như thế khi trong lòng chất chứa nỗi nhớ thương khó tả. Cảm giác vừa lạ vừa quen cứ đan xen lẫn lộn. Vẫn là con phố sầm uất và đông đúc dành cho người lao động ngày nào nhưng hôm nay Khâm Thiên rực rỡ hơn nhiều với những khách sạn, nhà hàng, nhà cao tầng cùng biển hiệu sáng trưng và sang trọng mới mọc. Dù chiều đông đã muộn, phố xá đã lên đèn, cái lạnh đã bắt đầu ngấm vào da thịt nhưng đường phố Khâm Thiên vẫn tấp nập, người xe và những cửa hiệu trên phố vẫn nườm nượp khách vào ra…

Tượng Mẹ bồng con trên phố Khâm Thiên ngày nay. Ảnh: H.T.Phố
Tượng Mẹ bồng con trên phố Khâm Thiên ngày nay. Ảnh: H.T.Phố

Theo các bậc cao niên, sở dĩ phố mang tên Khâm Thiên là bởi phía đầu Đông con đường này có Tòa Khâm Thiên giám được thành lập từ thời Lý thế kỷ thứ XI để nghiên cứu các hiện tượng thiên văn, theo dõi thời tiết và đặt ra lịch pháp. Ngày nay, đi qua Khâm Thiên, người ta vẫn nhận ra những con ngõ có cái tên gợi nhớ về lịch sử một thời hào hoa của dân tộc như: Văn Chương, Thổ Quan, Cống Trắng, Lệnh Cư, ngõ chùa Liên Hoa…

Phố Khâm Thiên bây giờ là địa bàn của hai phường Thổ Quan và Khâm Thiên, riêng phường Khâm Thiên có diện tích gần 1km2 với dân cư tập trung khá đông đúc. Tính từ Đông sang Tây, phố Khâm Thiên đi qua các làng cổ mà tên làng giờ đây đã thành tên ngõ như Tương Thuận, Trung Tả, Thổ Quan, Tô Tiền… Tháng 6-1929, những người Cộng sản đã họp ở chính ngõ chợ này để bàn thảo thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Còn trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, Khâm Thiên được coi là vành đai của Liên khu 3 khi những ụ chướng ngại vật được dựng lên nơi đây để hỗ trợ cuộc chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Trung đoàn Thủ đô năm ấy.

Mang nét đặc trưng của một con phố sầm uất dành cho người lao động, Khâm Thiên nổi tiếng với nhiều nghề, trong đó có nghề may và những cửa hiệu chuyên bán quần áo may sẵn. Cũng giống như những phố phường khác ở Hà Nội, những người kinh doanh trên phố chủ yếu là những nhà buôn nhỏ, làm ăn cần mẫn, chăm chỉ theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” ngày trước.

Trong những bức ảnh chụp Hà Nội xưa cũ, tôi thường bắt gặp Khâm Thiên với những ngôi nhà thấp với dãy bàng xanh um che mát con đường nhỏ. Đó là những năm trước chiến tranh, dãy bàng này che mưa che nắng cho cả một đoạn phố và đi vào ký ức đã xa của những người con Hà Nội. Nhưng thật đáng buồn vì những năm gần đây, trên phố còn lại rất ít những cây bàng, phần lớn chúng đã trở nên già nua cũ kỹ, gầy guộc và sần sùi đầy u mấu… Chúng trở nên cô đơn và lạc lõng trước sự sầm uất của phố xá, sự hào nhoáng của ánh đèn màu và chơ vơ giữa những hàng xe cộ lao nhanh vun vút trên đường. Những thân hình khẳng khiu biểu tượng của mùa đông đang ngày một ít đi vì nhiều lý do lắm. Có thể là vì già nua, cây bàng còng gập, chìa cả ra đường, cản trở giao thông nên phải đốn bỏ, nhưng cũng có khi là cần mặt tiền cho cửa hàng thêm đẹp, người ta cũng dùng “thủ thuật” để hạ bỏ bớt những thân bàng đã già nua. Theo thời gian, những “cây bàng mồ côi mùa đông” trong âm nhạc của Phú Quang ngày càng thưa vắng trên con phố nhỏ. Nó mất đi để lại một nỗi buồn trống vắng trong lòng những người qua đường như tôi trong một buổi chiều đông bời bời gió lạnh. Thời buổi kinh tế thị trường đầy cạnh tranh, mỗi tấc đất là cả tấc vàng nên người dân phố chợ tận dụng từng cm2 mặt phố để phục vụ kinh doanh buôn bán.

Thực lòng, thật khó tưởng tượng, 40 năm về trước, nơi đây là mục tiêu oanh tạc trong chiến dịch 12 ngày đêm B-52 Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội với dã tâm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Sau trận bom tàn khốc đêm 26-12-1972 định mệnh ấy, phố Khâm Thiên sầm uất biến thành nơi hoang tàn đổ nát với hố bom sâu hoắm và những mái nhà ấm áp rộn rã tiếng nói cười trở thành đống gạch vụn lạnh lẽo. Nhiều gia đình đã chịu cảnh đau thương tang tóc, nhiều em nhỏ đã rơi vào hoàn cảnh thương tâm như bé Ngọc Hà trong phim “Em bé Hà Nội”. Tại số nhà 47, 49, 51 Khâm Thiên hiện tại, chính quyền và người dân nơi đây đã lập ra Đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người đã khuất trong trận bom năm ấy. Hình ảnh người phụ nữ bế trên tay đứa con đã chết vì bom Mỹ vẫn luôn làm lòng người xót xa, quặn thắt mỗi khi dừng lại dâng hương.

Hằng năm, vào ngày 21-11 âm lịch, ngày 26-12 dương lịch, người dân phố chợ coi đây là ngày giỗ chung của nhiều nhà, cho dù không phải gia đình nào cũng có người ra đi vào năm ấy…

Ngày cuối năm, mùi trầm hương lại ngào ngạt quanh đây trên những bàn thờ và dưới chân Đài tưởng niệm. Những bạn trẻ nối nhau trên những dòng xe bất tận ngày ngày qua phố, có ai không biết hoặc đã quên Khâm Thiên một ngày máu lửa, để chỉ biết đến một Khâm Thiên hôm nay sầm uất, hiện đại và tràn căng nhựa sống? Hãy biết đến hiện tại và tương lai nhưng đừng lãng quên quá khứ…

NGỌC TÂM

;
.
.
.
.
.