Bổ sung sưu tập các cổ vật, làm mới các bộ trưng bày luôn là nhu cầu của các bảo tàng. Nhưng việc thu mua các cổ vật có giá trị trong lúc “người khôn của khó” là chuyện không dễ.
Nhiều đồ cổ tư nhân quý hiếm có thể bị bán đi nếu Nhà nước không có cơ chế giữ lại. |
Cổ vật không thiếu
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Bằng, Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Ngao du với thú chơi đồ cổ gần 20 năm, hiện ông Bằng sở hữu rất nhiều bộ sưu tập giá trị với những hiện vật cổ có niên đại từ thời Chămpa, Lý - Trần - Lê đến thời Nguyễn.
Theo ông Bằng, so với hai đầu Nam, Bắc, thú chơi đồ cổ của người Đà Nẵng bắt đầu muộn hơn và cũng không phát triển rầm rộ bằng, nhưng đến nay những người chơi đồ cổ ở Đà Nẵng có thể đếm tới số hàng trăm. Những năm qua, họ đã tích lũy và lưu giữ hàng ngàn cổ vật có giá trị, có người sở hữu những bộ sưu tập lớn, đồ sộ đến mức có thể mở vài cuộc triển lãm. Những cổ vật quý ở Đà Nẵng được nhiều bạn chơi ở các địa phương khác biết tới có thể kể đến các loại tượng Chăm, đồ sành sứ... Đề cập đến việc nhượng, bán cổ vật cho bảo tàng, Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn quả quyết: “Nếu bảo tàng có nhu cầu, những người chơi đồ cổ chúng tôi sẵn sàng sang nhượng với giá gốc. Ngay cả những món đồ không có sẵn, chúng tôi cũng có thể đáp ứng, vì bảo tàng là nơi lưu giữ và quảng bá cổ vật tốt nhất. Đó cũng là cách để chúng tôi góp phần công sức nhỏ bé cho địa phương”.
Theo TS Sử học Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, người thẩm định các cổ vật đang trưng bày tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng”, thì 150 cổ vật được triển lãm vừa qua chưa thật sự quý hiếm. Nhưng vì đây là lần đầu tiên các nhà sưu tập cổ vật tư nhân ở Đà Nẵng có cuộc ra mắt như thế nên có thể họ còn dè dặt, chưa muốn trưng bày các cổ vật quý nhất của mình. “Họ phải xem xét hiện vật của họ có được bảo đảm an ninh hay không, và cũng “thăm dò” nhau”, ông Sơn lý giải.
Nhưng dù sao đi nữa, cuộc triển lãm cũng được coi là tín hiệu vui cho thấy người Đà Nẵng bắt đầu có nhu cầu sưu tầm, chơi đồ cổ, tức là biết giữ đồ cổ, bởi nếu không có nhu cầu chơi hay giữ đồ cổ thì người ta sẽ bán hết.
Bảo tàng vẫn “khát”
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng kể, cách đây không lâu, có nhà sưu tập ngỏ ý muốn bán cho Bảo tàng chiếc trống đồng có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm với giá 350 triệu đồng, trong khi giá thị trường có thể là 700 triệu đồng hoặc hơn. Nhưng trong thời hạn 2 ngày, Bảo tàng không thể xoay xong các thủ tục kinh phí. Vì theo quy định, với hiện vật trị giá 20 triệu đồng trở lên thì Bảo tàng không có quyền tự quyết định, trong khi các thủ tục trình cấp trên, rồi cấp trên cử ban kiểm duyệt, xem xét mức kinh phí ít nhất phải mất nửa tháng. Thế là đành phải ngậm ngùi để hiện vật quý tuột khỏi tay. “Nếu thành lập được một quỹ lưu động tại Bảo tàng, có chuyên gia, hội đồng giám định, thì có thể dùng khi cần mua gấp hiện vật quý mà không phải qua các thủ tục mất nhiều thời gian”, ông Mai đề xuất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với việc thu mua hiện vật Chăm trước hết là khâu kiểm định. Vì cổ vật tư nhân trôi nổi trên thị trường chứ không phải là hiện vật khai quật quy cũ, thật giả rất khó phân biệt nên cần phải có chuyên gia. Hơn nữa, sau khi kiểm định, kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng với các cổ vật Chăm quý hiếm như các pho tượng bằng bạc, bằng vàng... đang là chuyện ngoài tầm tay của Bảo tàng.
Những người tâm huyết với dấu xưa tích cũ của cha ông lo ngại rằng, nếu không có cơ chế phù hợp thì đồ cổ, đặc biệt là những loại quý hiếm khó có thể còn lại với người địa phương, vì với điều kiện kinh tế hiện nay, rất ít người có khả năng giữ lại đồ cổ giá trị.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG