Văn hóa - nghệ thuật cũng là một lĩnh vực góp phần quan trọng gắn kết hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là trong giới trẻ. Mỗi bạn trẻ có cách đánh giá, cảm nhận khác nhau, song đều thống nhất ở điểm chung: Văn hóa Hàn Quốc có nhiều nét độc đáo và giữa văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng.
NGUYỄN THỊ THƯƠNG (sinh viên năm 4, Tổ tiếng Hàn, Khoa Nhật-Hàn-Thái, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng):
Ấn tượng nhất về văn hóa ẩm thực và âm nhạc
Về văn hóa ẩm thực, người Hàn Quốc rất coi trọng bữa sáng và coi đây là bữa ăn quan trọng nhất, diễn ra tại nhà và là thời điểm tụ tập cả gia đình. Cùng với đó, người Hàn Quốc đặc biệt có ý thức cao trong việc tiết kiệm. Gia đình nào cũng có tủ lạnh rất lớn để chứa được nhiều đồ ăn sau khi ăn còn thừa để dành cho bữa sau. Người Hàn Quốc cũng hạn chế đi chợ thường xuyên mà thường đi chợ một lần và mua đủ đồ ăn cho cả tuần nhằm tiết kiệm thời gian… Đây là nét văn hóa độc đáo mà chúng ta nên học hỏi.
Văn hóa ở, nét đặc biệt nhất trong ngôi nhà Hàn Quốc là có lò sưởi dưới sàn dùng để sưởi ấm trong mùa đông. Nét đặc trưng văn hóa này đến nay vẫn nguyên vẹn. Các tòa nhà chung cư kiểu cách hiện đại nhưng dưới sàn từng căn phòng vẫn có lò sưởi theo truyền thống. Bên cạnh đó, văn hóa chuyển nhà (để tránh rét) cũng là một điều tôi thấy khá thú vị.
Đa số các bạn trẻ của Việt Nam đều rất thích xem các bộ phim của Hàn Quốc và rất yêu mến các diễn viên điện ảnh. Bên cạnh vẻ đẹp về ngoại hình thì người xem có thể cảm nhận được tính cách của con người bộc lộ trong phim cũng khá tương đồng với tính cách thân thiện, chân thật… của họ ở bên ngoài.
Văn hóa thưởng thức âm nhạc cũng là nét đặc trưng của người Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, không chỉ có lớp trẻ mà cả những người lớp tuổi trung niên cũng vẫn thích thể loại âm nhạc mang tính hiện đại, mặc dù nội dung chưa sâu sắc nhưng có giai điệu vui vẻ, dễ nhớ, dễ thuộc… còn ở Việt Nam, chỉ có các bạn trẻ mới yêu thích thể loại nhạc hiện đại.
HOÀNG THỊ TỐ UYÊN (sinh viên năm 3, Tổ tiếng Hàn, Khoa Nhật-Hàn-Thái, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng):
Người Hàn Quốc rất coi trọng chữ hiếu
Từ các câu chuyện cổ tích của Hàn Quốc, tôi có thể hiểu thêm nhiều nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, phong tục cưới xin, tang ma… Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với việc coi trọng về thứ bậc, nhất là quan niệm về chữ “hiếu” của người Hàn Quốc trong quan hệ luân lý gia đình, trong đó có Hiếu đạo, rất phong phú.
Trong tính cách văn hóa, cả hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc đều coi trọng thái độ hài hòa với thiên nhiên, song lại khá khác biệt về tính chất và đặc trưng ý thức cộng đồng, kiểu tư duy, quan hệ luân lý tình cảm và bản chất xã hội.
Cả người Hàn Quốc và người Việt Nam đều coi trọng ý thức cộng đồng nhưng xuất phát điểm khác nhau. Trong khi người Việt Nam coi trọng đời sống làng xã nông thôn khép kín thì người Hàn Quốc coi trọng đời sống gia tộc, dòng họ, coi trọng tính tôn ti (thể hiện qua việc phục tùng các thế hệ tiền bối một cách tuyệt đối, đó là con cái vâng lời cha mẹ, vợ phục tùng chồng, em phục tùng anh).
NGUYỄN THỊ HUYỀN ANH (sinh viên năm 2, Tổ tiếng Hàn, Khoa Nhật-Hàn-Thái, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng):
Văn hóa truyền thống Hàn Quốc ít bị lai căng
Tôi rất ấn tượng với văn hóa Hàn Quốc trong việc họ có ý thức lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống từ lâu đời của mình. Đến nay, các nét văn hóa truyền thống đó vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn, ít bị lai căng… mặc dù quá trình phát triển và hội nhập của Hàn Quốc khá mạnh mẽ trong suốt thời gian qua. Như ở cách người Hàn Quốc cúi đầu khi chào hỏi trong giao tiếp là điều hết sức ấn tượng. Cúi đầu ở đây là thể hiện phép lịch sự, cung kính. Ở Hàn Quốc, khi nói chuyện với người lớn tuổi không nhìn trực diện mà nhìn hướng chệch xuống dưới là lễ nghĩa, kể cả thi thoảng nhìn trực diện cũng không sao nhưng ánh mắt phải thấp xuống.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều ngôi chùa đẹp, coi trọng lễ nghĩa, phong tục tập quán trong ngày lễ, tết, ngày Trung thu… Điểm này khá tương đồng với phong tục truyền thống của Việt Nam và cũng là nét văn hóa thể hiện nét truyền thống lâu đời của Hàn Quốc.
ĐẮC MẠNH ghi