.

Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy di sản

.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên nhiều giá trị di sản văn hóa đã được bảo tồn và phát huy.  Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư ở quận Thanh Khê.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên nhiều giá trị di sản văn hóa đã được bảo tồn và phát huy. Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư ở quận Thanh Khê.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố lý giải, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo từ Sở VH-TT&DL nên trong những năm qua đã triển khai tốt công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và gìn giữ di tích. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã vào cuộc, quan tâm thành lập các ban quản lý di tích có chức năng chăm lo, gìn giữ di tích. Đồng thời, Sở cũng chú ý xây dựng ý thức của người dân trong việc tham gia bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo đó, nhiều công trình văn hóa và các hoạt động văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đã được nhân dân chung tay xây dựng, bảo tồn và phát huy tốt. Tiêu biểu có thể kể đến việc người dân thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) từ năm 2002 tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng để tu sửa đình làng, bình phong. Nhân dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đóng góp hơn 20 triệu đồng để tu sửa đình làng và tổ chức lễ hội. Năm 2007, người dân làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) góp hơn 200 triệu đồng cùng với Nhà nước xây dựng lại đình Đà Sơn; nhân dân làng Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) đóng góp hơn 500 triệu đồng để tái thiết đình làng Yến Nê…

Hằng năm, nhân dân các địa phương còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để tổ chức và khôi phục lại các lễ hội truyền thống. Đến nay, nhiều lễ hội được duy trì và phát huy tốt như lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội đình làng Trung Nghĩa, lễ hội đình làng Hòa Phú ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), lễ hội đình làng Hòa An (quận Cẩm Lệ), lễ hội cầu ngư (quận Thanh Khê)… Thông qua các lễ hội, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân được gắn kết và phát huy.
Song, chặng đường phía trước của những người làm công tác quản lý văn hóa, nhất là công tác quản lý di sản văn hóa của thành phố, vẫn còn không ít khó khăn. Thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn bày tỏ lo lắng trong quá trình đô thị hóa hiện nay, nhiều di sản văn hóa của thành phố dần dần mất đi, việc xây dựng, mở rộng các khu dân cư, chỉnh trang đô thị… đã vi phạm, xâm hại nghiêm trọng đến di tích và vành đai bảo vệ di tích; môi trường cảnh quan di tích đã và đang bị phá hoại. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ di sản văn hóa chưa thật sự thấm sâu vào cán bộ, nhân dân. Nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước cấp có hạn, nên nhiều di tích chưa được đầu tư tôn tạo kịp thời dẫn đến di tích ngày càng hư hại, xuống cấp.

Để chung tay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố, ông Tuấn chỉ ra các giải pháp như cần sớm triển khai và đưa Luật Di sản văn hóa vào đời sống nhân dân; từng bước nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tốt các giá trị của di sản văn hóa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, UBND các phường, xã - nơi có di tích lịch sử - văn hóa cần tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, gìn giữ di tích; cung cấp thông tin, báo kịp thời về tình trạng hư hại, xuống cấp của các di tích hoặc việc buôn bán cổ vật, di vật trên địa bàn… Tiếp tục vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.