.

Ký ức sông

.

Mỗi người có lẽ đều có ký ức về sông, ông bảo thế. Tôi, bạn và tất cả chúng ta đều có những ký ức khác nhau về một dòng sông quê yêu thương nào đó. Với ông, đó là ký ức về con sông đã gắn bó suốt cả cuộc đời từ thuở lọt lòng cho đến khi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, qua bao năm tháng, được mất của đời người, cho đến bây giờ khi ở tuổi chiều tà, tóc bạc răng long. Đó là con sông chảy giữa lòng thành phố quê hương ông.

Minh họa: HOÀNG Đ
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông sinh ra và lớn lên bên bờ sông này. Ngày đó, bên này sông còn thưa thớt nhà cửa, những xóm nhà chồ xiêu vẹo, hắt hiu theo những cơn gió bấc cuối mùa; những đám ruộng sình lầy rau muống, cỏ lùng, cỏ lát hút tầm mắt người. Những mảnh đời vạn chài nay đây mai đó. Bây giờ, tất cả đã trở thành nỗi thao thiết, nhung nhớ ngày xưa.

Từ ngày có cây cầu quay độc nhất vô nhị ở dải đất hình chữ S này bắc qua sông, ngoài cây cầu cũ kỹ được xây dựng thời Pháp thuộc để phục vụ chiến tranh và chứa đựng cả một trời ký ức của thành phố, nhiều cây cầu hiện đại khác đã mọc lên, làm đổi đời biết bao số phận, bao mảnh đời cơ cực, lam lũ bên bến sông, để bên này bên kia không còn cảnh đò ngang cách trở. Ông lại nhớ bến, nhớ sông quá đỗi.

Ông nhớ những buổi sáng tinh sương trong giá lạnh ngồi đợi khách đi đò bên bến Hà Thân. Những buổi trưa hè hì hục chèo đò qua lại đôi bờ, tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi í ới. Đò, đò… ơi…, nghe xa vắng, nghe thổn thức, da diết nỗi niềm. Nhiều lúc nửa đêm ông giật mình thảng thốt khi trong ông bỗng sống lại ký ức...

Hôm thành phố khánh thành cây cầu mới, ông dậy thật sớm, hòa vào dòng người nườm nượp, háo hức đi như trẩy hội. Có người bảo, cây cầu là sợi chỉ nối những yêu thương. Còn ông thì nói đơn giản, dễ hiểu, mộc mạc, đó là sự tiện lợi trong việc đi qua… Đà Nẵng. Có lẽ tôi và bạn gọi đó là sự kết nối yêu thương, kết nối sức mạnh, hay sự khởi phát của tình yêu, của niềm tin gởi gắm, sự lan tỏa của đổi thay, của những bàn tay yêu thương nắm lấy những bàn tay...

Ông đọc như hát mà ánh mắt rưng rưng, câu ca một thời đau đáu:

Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá

Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang.

Thành phố nào cũng phải có biểu tượng riêng cho mình. Thành phố này hơn 10 năm rồi lấy cây cầu quay Sông Hàn làm biểu tượng. Có lẽ rồi sẽ lấy hình tượng của con Rồng đang vươn ra Biển Đông để làm biểu tượng mới, để xứng đáng hơn với sự phát triển của thời kỳ vươn đến tầm cao mới…

Dường như người ta đã hoài cổ khi đem tiền cải tạo chiếc phà qua lại bến Hà Thân ngày nào thành tàu du lịch, đêm đêm lung linh đèn màu. Ông bảo, thế là hay lắm, nhưng sao thành phố không xây dựng nơi bến Hà Thân tượng đài phác họa hình ảnh chiếc phà ngày đêm chở từng đoàn người qua lại bên bến nước một thời, biết đâu lại tạo ấn tượng khó quên cho du khách mỗi lần đến thành phố thơ mộng này!

Mỗi sáng tôi lại thấy ông già hom hem, đầu tóc bạc phơ, ngơ ngẩn bên bến sông. Nhiều người bảo ông gàn dở, hay lảm nhảm. Tôi lại nghĩ, có lẽ ông đang đi tìm ký ức xưa - ký ức sông.
Ông vẫn đứng đó, nhìn xa xăm. Ông là người lái đò năm xưa.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.